23/12/2024

Các ngành sức khoẻ còn ‘hút’ người học?

Các ngành sức khoẻ còn ‘hút’ người học?

Theo thống kê của TP.HCM chỉ trong 10 tháng năm nay có gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc. Trong bối cảnh này, việc tuyển sinh các ngành khoa học sức khỏe có bị tác động?

 

 

Tỷ lệ “chọi” vẫn cao nhất các ngành

Cùng với lĩnh vực dịch vụ, khoa học sức khỏe được dự đoán là ngành nghề người học chịu sự tác động lớn bởi dịch Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh đầu vào trong 2 năm qua, sức khỏe vẫn là nhóm ngành có sức hút lớn.

GS-TS-BS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định dịch bệnh đã không ảnh hưởng đến lựa chọn của người học với các ngành đào tạo tại khoa này trong 2 năm qua. Như kết quả tuyển sinh năm 2021, các ngành của trường vẫn có tỷ lệ “chọi” (số thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tính trên chỉ tiêu) cao nhất các ngành trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM, với trên 20 thí sinh/nguyện vọng. Theo điểm chuẩn khoa này công bố năm nay, ngành y khoa xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT lấy trung bình hơn 9 điểm/môn. Điểm chuẩn xét theo kỳ thi đánh giá năng lực cũng thuộc top cao nhất các ngành, với 996/1.200 điểm.

TS-BS Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cũng cho rằng việc tuyển sinh của trường 2 năm qua không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành của trường vẫn nhiều, điểm chuẩn năm sau cao hơn năm trước. Chẳng hạn, điểm chuẩn ngành y khoa năm nay lấy 27 điểm, năm 2020 lấy 26,95 điểm và cao hơn nhiều so với 24,3 điểm năm 2019. “Dịch bệnh chỉ ảnh hưởng đến hoạt động dạy học trực tiếp của trường, đặc biệt là nội dung thực hành thực tế. Trường đã phải điều chỉnh kế hoạch dạy học liên tục, linh hoạt thay đổi một số học phần phù hợp với thực tế, bổ sung học phần về kiến thức phòng chống dịch…”, TS Phương cho hay.

Các ngành sức khỏe còn 'hút' người học? - ảnh 1

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM  ĐÀO NGỌC THẠCH

Tương tự, một số ngành đào tạo của Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng giữ điểm chuẩn ở mức trên 27, đặc biệt ngành y khoa lấy 28,2 điểm. Năm 2020, ngành y khoa của trường cũng ở mức 28,45 điểm (xét điểm thi) và 27,7 điểm (xét phương thức kết hợp). Trong khi đó, năm 2019 điểm chuẩn ngành y khoa chỉ 26,7 điểm (xét điểm thi) và 24,7 điểm (phương thức kết hợp). Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng tương tự. Riêng ngành y khoa điểm chuẩn trong 2 năm 2020 và 2021 dao động từ 26,35 – 27,5 điểm (tùy nhóm thí sinh tính theo hộ khẩu), cao hơn hẳn mức 23,5 – 24,65 của năm 2019 trước đó.

Không chỉ điểm chuẩn, TS Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, còn chỉ ra dịch bệnh không tác động đến việc theo đuổi ngành học và tìm việc làm của sinh viên khối ngành này. Theo ông Lưu, kết quả khảo sát trong thời gian dịch bệnh từ cuối tháng 8 đến nay cho số sinh viên tốt nghiệp đợt tháng 6, thì 2 ngành dược học và điều dưỡng bậc ĐH có 87,7% sinh viên có việc làm ngay đúng lĩnh vực.

“Dù khảo sát trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhưng số liệu trên cho thấy bối cảnh thực tế không ảnh hưởng tới việc theo đuổi học tập tới cùng và lựa chọn việc làm của các sinh viên này”, TS Lưu kết luận.

Gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc, các trường ĐH nói gì?

Trước con số gần 1.000 nhân viên y tế của TP.HCM nghỉ việc trong thời gian 10 tháng năm nay, đại diện các trường ĐH đào tạo khối ngành sức khỏe đặt ra những vấn đề trong lựa chọn ngành học và xu hướng đào tạo sắp tới.

Theo GS-TS-BS Đặng Vạn Phước, nghề y nói riêng và các công việc trong lĩnh vực khoa học sức khỏe trước nay luôn có hai mặt. Bên cạnh những mặt rất tốt thì người học và theo đuổi công việc này cũng chịu không ít áp lực, vất vả. Đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, đội ngũ y tế còn có thêm những gánh nặng đặc biệt hơn các đội ngũ khác. “Dù vậy, con số gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc trong 10 tháng, vẫn được xem là đột xuất do dịch bệnh. Trong đó, trước những tác động của hoàn cảnh gia đình và áp lực công việc, người không yêu thích thực sự công việc này mới có quyết định thay đổi”, GS Vạn Phước nhìn nhận.

Từng dẫn đầu đoàn tình nguyện của trường tham gia chống dịch hơn một tháng tại TP.HCM, TS-BS Minh Phương thừa nhận những áp lực của đội ngũ nhân lực này thời gian qua. TS Phương nói: “Yêu cầu với cán bộ y tế giai đoạn này nhiều hơn bình thường. Họ vừa tham gia điều trị bệnh nhân theo chuyên môn, vừa chăm sóc các F0, thực hiện công tác tiêm chủng… Nhưng ngay từ đầu trong quá trình đào tạo, bên cạnh chuyên môn, họ đã được rèn luyện ý chí kiên cường, sự dẻo dai. Do vậy, quyết định bỏ việc trong bối cảnh này có thể không do bản thân họ mà những lý do liên quan đến hoàn cảnh gia đình”.

Từ thực trạng trên, đại diện các trường ĐH đặt ra vấn đề lựa chọn ban đầu của người học. Theo GS Vạn Phước: “Để học nghề này, bên cạnh năng lực còn đòi hỏi người học phải yêu thích đủ lớn để dấn thân khi cần thiết. Đó là lý do vì sao mà các trường ĐH trên thế giới khi tuyển sinh ngành y khoa đều có bước phỏng vấn về lý do chọn lựa, mức độ thấu hiểu về ngành học. Chúng tôi đang đề nghị với ĐH Quốc gia TP.HCM thời gian tới có thêm bước phỏng vấn những thí sinh đã đạt điều kiện điểm số, từ đó tìm ra những người thực sự có tố chất, sở thích phù hợp với ngành nghề”.

 

HÀ ÁNH

TNO