23/12/2024

Xuất khẩu nông thuỷ sản lại gặp khó với thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu nông thuỷ sản lại gặp khó với thị trường Trung Quốc

Quyết định tạm ngưng toàn bộ dịch vụ ở cảng xuất nhập khẩu trong vòng 6 tuần Tết Nguyên đán của Trung Quốc khiến nông thủy sản Việt Nam xuất sang nước này tiếp tục gặp khó mùa giáp tết.

 

 

Xuất khẩu nông thủy sản lại gặp khó với thị trường Trung Quốc - ảnh 1
Cần chú trọng đầu tư chế biến hơn nữa để tránh rơi vào thế bị động trong xuất khẩu nông sản  CHÍ NHÂN

Trái cây và thủy sản bị ảnh hưởng mạnh

Đó là thông tin tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu cây ăn trái” mới đây do ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt nam, cảnh báo. Ông Nguyên giải thích Trung Quốc đang tập trung cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào đầu tháng 2 năm sau, động thái siết hàng nhập khẩu vào cảng xuất phát từ lễ hội đó và từ chính sách “Zero Covid” mà quốc gia này theo đuổi.

“Thực tế, lượng hàng rau quả Việt đi Trung Quốc bằng đường biển chiếm khoảng 20 – 30%, đa số vẫn đi bằng đường bộ, tiểu ngạch. Tuy nhiên, hàng xuất đi đường bộ hiện đã có dấu hiệu ùn ứ do xe lạnh quay đầu trả về từ phía Trung Quốc chậm. Trước đây, một xe quay đầu vào Nam chở hàng ra đi được 2 – 3 chuyến mỗi tháng, nay 1 chuyến/tháng đã là khó khăn. Nay “gánh” thêm 30% hàng từ đường biển chuyển sang, chắc chắn viễn cảnh dãy xe chở hàng phải chờ đợi để thông quan sang Trung Quốc sẽ tiếp diễn trước dịp Tết Nguyên đán này. Đó là chưa nói hàng hóa để lâu sẽ bị hư hỏng, chi phí đội lên gây thiệt hại lớn cho thương nhân. Dự kiến chính sách tạm ngưng dịch vụ cảng biển của Trung Quốc diễn ra khoảng 40 ngày, từ ngày 31.1.2022”, ông Nguyên chia sẻ.

Với mặt hàng rau củ ngắn ngày, theo phản ánh của nông dân, mức thiệt hại vì Trung Quốc tạm ngưng dịch vụ tại cảng biển sẽ không lớn do chủ yếu xuất bằng đường bộ và nay người dân đang tạm ngưng trồng vì… sợ không bán được. Bà Mỹ Hạnh (xã Phú Long, H.Châu Thành, Đồng Tháp) cho hay dịch Covid-19 bùng phát đợt 4 khiến hàng trăm ngàn tấn khoai lang tím xuất đi Trung Quốc không thực hiện được, khiến nhiều địa phương kêu gọi giải cứu. Trong đó, riêng xã Phú Long có hơn 18.000 tấn khoai lang tím đến kỳ thu hoạch không xuất đi được, xã Hòa Tân cùng H.Châu Thành có hơn 13.000 tấn và nhiều xã khác đều tồn gần chục tấn… Thế nên trong vụ cuối năm, bà con không dám trồng khoai để xuất khẩu mà chuyển sang trồng lúa, rau đậu… chờ qua năm tính tiếp.

Ông Hiệp, một thương nhân xuất khẩu thanh long từ Bình Thuận đi Trung Quốc, cho biết trong tháng 1.2022, vựa của ông dự kiến thu mua khoảng 60 tấn thanh long cần xuất đi Trung Quốc. Nếu tình trạng ùn ứ xảy ra như năm 2021, một container hàng mất 3 – 4 triệu đồng.

Không chỉ với rau quả, việc tạm ngưng dịch vụ cảng biển của Trung Quốc khiến hàng xuất khẩu thủy hải sản Việt cũng bị ảnh hưởng lớn. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt nam (VASEP), cho biết hàng thủy hải sản Việt nam sang Trung Quốc chủ yếu đi bằng đường biển, thời gian tàu chở container lạnh sang Trung Quốc nay cũng rút ngắn, tầm 7 – 10 ngày. Trong vòng 2 năm qua, thị trường Trung Quốc chiếm 17 – 18% xuất khẩu thủy sản Việt nam với trên 1,4 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách siết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm liên tục. Đến quý 3/2021, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chỉ còn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu. VASEP dự báo, trước tình hình kiểm soát khắt khe của hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tiếp tục giảm sâu 3 tháng cuối năm nay, đạt 242 triệu USD trong quý 4, giảm 40%; cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỉ USD, giảm 26%.

“Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc gần chạm đáy, mất 40% do chính sách kiểm soát chặt chẽ vi rút Corona trên thủy sản nhập khẩu. Hàng trăm công ty xuất khẩu từ Ấn Độ, Nga, Indonesia… đã bị ngưng xuất hàng sang Trung Quốc vì nghi có vi rút Corona trên hàng. Từ cuối tháng 9 đến nay, xuất khẩu thủy sản Việt nam sang Trung Quốc vẫn giảm hơn 20% so cùng kỳ, trong đó cá tra, tôm giảm mạnh gần 40%. Trong bối cảnh Trung Quốc tạm đóng dịch vụ cảng biển, các doanh nghiệp cũng tạm ngưng xuất khẩu thôi, chứ hàng thủy sản nay khó quay lại xuất bằng đường bộ. Hơn nữa, phía Trung Quốc cũng ngưng đặt hàng trong thời gian này nên coi như tạm “quên” thị trường này trong tháng giáp tết”, ông Hòe nói.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng 15 loại cây ăn trái chính ở phía nam năm 2021 đạt khoảng 7,1 triệu tấn, trong đó riêng tháng 12 đạt khoảng 737.000 tấn. Khoảng 70% số này xuất sang thị trường Trung Quốc, trong đó khoảng 20 – 30% đi bằng đường biển.

Thông tin từ các thương nhân xuất hàng đi Trung Quốc bằng đường biển cho thấy, phía Trung Quốc đã ngưng đặt mua hàng tháng giáp Tết Nguyên đán. Thế nên, gánh nặng tiêu thụ đang dồn vào thị trường nội địa. “Nếu bảo thủy sản lại tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới cũng rất khó, vì ngành khai thác sâu các thị trường lắm rồi. Tâm lý chung của doanh nghiệp là cầm cự, nỗ lực giữ và mở rộng thị trường đã có, bằng không “nín thở” chờ qua cơn lao đao của đại dịch thôi. Hy vọng dịp Tết Nguyên đán, tiêu thụ trong nước tăng mạnh sẽ giảm bớt thiệt hại này”, ông Hòe chia sẻ.

Cục Trồng trọt dự báo, trong quý 1/2022, sản lượng 15 loại trái cây chính ở các địa phương phía nam sẽ đạt 1,606 triệu tấn. Trong đó, thanh long khoảng 297.000 tấn, chuối 250.000 tấn, xoài 244.000 tấn, mít 159.000 tấn, bưởi 144.000 tấn và cam 132.000 tấn… Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, tính toán với con số hơn 700.000 tấn trái cây đến cuối năm nay và nếu tính đến tết thì là hơn 1,7 triệu tấn nên cần có phương án để tiêu thụ. Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Hiệp hội Rau quả Việt nam đề xuất đẩy mạnh việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử đã được triển khai và khá thành công trong đợt dịch, giữ không đóng các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại các thành phố lớn để tránh ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy mạnh đầu tư chế biến rau quả. Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết: “Sau 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, chế biến rau quả của Việt nam đã tăng đáng kể. Trước năm 2019, tỷ lệ xuất khẩu chế biến rau quả chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Sang năm 2020 tăng lên 25% và 2021 lên 30%. Nếu không có 4 – 5 tháng giãn cách, có thể tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm chế biến từ rau quả Việt tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, đạt ở mức này chứng tỏ có sự chuyển biến rõ nét trong đầu tư vào ngành nông sản. Hy vọng trong thời gian tới, để tránh vào thế bị động trong xuất khẩu nông sản, đầu tư chế biến phải được chú trọng hơn, tăng 40 – 50% là quá tốt. Tại các nước phát triển, chế biến chiếm 50 – 60% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của họ”.

 

NGUYÊN NGA

TNO