26/12/2024

Gói hỗ trợ phải ‘đi thẳng vào nền kinh tế’

Gói hỗ trợ phải ‘đi thẳng vào nền kinh tế’

Yêu cầu đặt ra là không chỉ khắc phục khủng hoảng y tế mà còn cấu trúc lại nền kinh tế. Vì vậy các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn quyết định, chính sách tài khoá và tiền tệ là quan trọng.

 

 

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ngày 5.12, nhiều chuyên gia cho rằng khi triển khai các gói hỗ trợ cần có sự phối hợp giữa 2 chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như tháo gỡ các rào cản thể chế để tăng khả năng hấp thụ.

Nguy cơ lỡ nhịp, tụt hậu

Trình bày tham luận về một số gợi ý chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đại diện nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia, cho rằng kinh tế Việt Nam “đang có dấu hiệu lỡ nhịp, lỡ cơ hội, tụt hậu” nếu không có các chính sách tài khóa, tiền tệ kịp thời để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Gói hỗ trợ phải 'đi thẳng vào nền kinh tế' - ảnh 1
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ngày 5.12

Nhấn mạnh dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay vẫn còn, TS Cấn Văn Lực cho rằng các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế phải tác động cả tổng cung và tổng cầu vì hiện nay “cầu thì yếu còn cung thì tắc nghẽn”. TS Lực đề nghị các gói hỗ trợ phải khả thi và triển khai nhanh, hiệu quả với đối tượng chủ yếu là lao động và người sử dụng lao động. Từ đó, ông Lực đề xuất gói hỗ trợ tài chính, tiền tệ với tổng giá trị gần 844.000 tỉ đồng (10,38% GDP năm 2021) tập trung trong 2 năm 2022 – 2023. Trong đó, các chính sách tài khóa khoảng 678.395 tỉ đồng, các chính sách tiền tệ 65.000 tỉ đồng, các chính sách an sinh xã hội 12.800 tỉ đồng và chính sách khác khoảng 37.650 tỉ đồng; cùng với khoảng 50.000 tỉ đồng đầu tư của Tổng công ty quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).

Ngạn ngữ có câu muốn đi xa thì đi cùng nhau. Muốn đi xa mà đường sá gập ghềnh, khó khăn như thế này thì càng phải đoàn kết bên nhau, không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế và khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ông Lực cho hay với giá trị thực chi của gói hỗ trợ trên khoảng 445.760 tỉ đồng (khoảng 5,12% GDP năm 2021) thì nguồn lực cho gói hỗ trợ bao gồm: tiết giảm chi phí, thúc đẩy cổ phần hóa thoái vốn DN nhà nước, cho phép sử dụng bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm xã hội mua trái phiếu chính phủ, rà soát các quỹ ngoài ngân sách như Quỹ Viễn thông công ích, Quỹ Khoa học công nghệ tại địa phương và DN, và chấp nhận sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối nếu cần. “Để thực hiện được gói hỗ trợ nói trên, chúng ta phải chấp nhận thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm ít nhất 1% mỗi năm trong năm 2022 – 2023”, ông Lực phân tích, đồng thời đề nghị để thực hiện gói hỗ trợ, cần hết sức tháo gỡ các rào cản thể chế để tăng khả năng hấp thụ, mới đảm bảo các chính sách phát huy hiệu quả.

Cho rằng Việt Nam cần gói hỗ trợ “đủ về quy mô, tính cấp thiết, kịp thời, nhanh chóng đi thẳng vào nền kinh tế”, nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng đề xuất gói hỗ trợ phục hồi kinh tế tổng thể 2 năm tới (2022 – 2023) khoảng 666.000 tỉ đồng (8% GDP 2020). Trong đó gói hỗ trợ hệ thống y tế khoảng 76.000 tỉ đồng; gói củng cố hệ thống an sinh xã hội 58.000 tỉ đồng; gói hỗ trợ DN 244.000 tỉ đồng và gói đầu tư công 288.000 tỉ đồng.

Gói hỗ trợ phải 'đi thẳng vào nền kinh tế' - ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021ĐẬU TIẾN ĐẠT

Tăng sức hấp thụ của nền kinh tế

Tham luận tại diễn đàn, PGS-TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện Tài chính, nhận định dư địa cho các chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn còn song “không phải quá lớn”. Ông đặc biệt lưu ý những thách thức phải đối mặt như tính bất định của dịch bệnh Covid-19. “Do tính bất định này, nếu dùng hết dư địa sẽ rơi vào tình thế khó, giống như chơi bạc tất tay”, ông Cường nói và cho rằng quy mô chính sách tài khóa năm 2022 và 2023 chỉ nên khoảng từ 3,8 – 4% GDP là phù hợp, chưa tính đến chi phí y tế; nếu bao gồm chi phí y tế thì gói chính sách tài khóa khoảng 5,8 – 6% GDP. “Không nên có gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ quá lớn”, ông Cường khuyến nghị.

PGS-TS Vũ Sỹ Cường phân tích các chính sách tài khóa thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên độ trễ cao hơn trong việc ra quyết định và thực thi quyết định. Trong khi đó, chính sách tiền tệ có tính linh hoạt cao hơn. Do đó, ông Cường cho rằng gói hỗ trợ cần có sự tham gia của cả 2 chính sách này. Bên cạnh đó, do sự suy giảm tăng trưởng trong năm 2021 có nguyên nhân chính từ y tế (dịch bệnh Covid-19), nên ông Cường cho rằng một yêu cầu quan trọng khác là chính sách tài khóa, tiền tệ phải kết hợp chặt chẽ với chính sách y tế.

Cần sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ

Về độ trễ của chính sách tài khóa, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị như thời gian qua sẽ giải quyết được vấn đề độ trễ này. “Với một thế giới bất định, rủi ro như hiện nay, tôi cho rằng sự đồng hành, chủ động của Quốc hội với những cuộc họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách cần phải kéo dài ít nhất trong 5 năm tới”, ông Thành nói và cho rằng chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế hiện nay vẫn chậm dù đã được bàn từ cách đây 1 năm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Cường, kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cũng nhìn nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, Việt Nam có thể chấp nhận bội chi ngân sách nhà nước cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021 – 2023. Đối với các gói hỗ trợ phục hồi của Việt Nam, ông đề nghị cần ưu tiên các giải pháp ngắn hạn hỗ trợ DN, người lao động; phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tăng cường hợp tác quốc tế về y tế và phục hồi kinh tế.

Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội Hà Nội, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận xét: kinh tế đang có hiện tượng chuyển vốn chậm, nguy hiểm hơn là vốn đang chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. “Sức hấp thụ vốn nền kinh tế đang có vấn đề”, ông Cường nói và đề nghị phải tăng nguồn đầu tư và cần có giải pháp giải quyết hai điểm nghẽn này, tức là “phải tăng giải ngân đầu tư công, tăng vốn tín dụng và kiểm soát dòng tiền vào các lĩnh vực mong muốn đầu tư”.

Để tăng hấp thụ vốn tín dụng, ông Hoàng Văn Cường nêu cần thay đổi phương thức tiếp cận vốn cho các DN, không nên tập trung vào tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm… mà ngân hàng phải đồng hành cùng DN, giải ngân vay cho DN theo các hợp đồng sản xuất. Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Cường đề nghị cần có giải pháp đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt, chẳng hạn đặt hàng tư nhân phát triển công trình, trả tiền cho họ bằng vốn đầu tư công sẽ nhanh và hiệu quả hơn.

Gói hỗ trợ phải 'đi thẳng vào nền kinh tế' - ảnh 3

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ tác động của dịch Covid-19 là bất ngờ chưa có tiền lệ. Từ đó ông nhấn mạnh điều kiện đặc biệt thì phải có giải pháp đặc biệt.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý gói hỗ trợ cần tập trung cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn cho tổng cung; phối hợp linh hoạt hài hòa cả tài khóa và tiền tệ, quy mô thì phải đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý và có lộ trình, thực hiện trong hai năm 2022 – 2023 và cùng lắm là một số tháng đầu năm của 2024 với mục tiêu dài hạn, phải đảm bảo tính khả thi, vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt vừa giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các chính sách hỗ trợ cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và có thể chấp nhận tăng bội chi, nợ công trong ngắn hạn nhưng cả giai đoạn thì phải đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nhất là khả năng trả nợ, huy động các nguồn lực phải công khai, chống tiêu cực lợi ích nhóm.

Gói hỗ trợ phải 'đi thẳng vào nền kinh tế' - ảnh 4
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ngày 5.12   ĐẬU TIẾN ĐẠT

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ một điều tâm đắc qua diễn đàn, đó là khủng hoảng lần này xuất phát từ yếu tố phi tài chính, yêu cầu đặt ra là không chỉ khắc phục khủng hoảng y tế mà còn cấu trúc lại nền kinh tế. Vì vậy các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn quyết định, chính sách tài khóa và tiền tệ là quan trọng. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu và giúp cho chính nhà nước, ngân hàng. “Không có DN thì ngân hàng chơi với ai, phải thông thoáng chỗ này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Về một số ý kiến lo ngại hạn chế của gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009, Chủ tịch Quốc hội cho rằng gói này hạn chế do hỗ trợ tràn lan, còn hiện nay một số ngân hàng vẫn đang hỗ trợ và hoàn toàn thực hiện được. “Cần có gói hỗ trợ về lãi suất tập trung vào một số ngành có khả năng phục hồi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Nhắc lại khuyến nghị của chuyên gia về hạ lãi suất điều hành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu không hạ lãi suất điều hành thì vẫn có công cụ khác để chia sẻ khó khăn với DN như giải pháp là tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, thông điệp quan trọng của diễn đàn là cần tự lực tự cường, có ý thức đứng trên đôi chân của mình, phải cải thiện năng lực quản trị quốc gia và DN. “Thông điệp nhất quán là chúng ta đồng hành cùng nhau. Ngạn ngữ có câu muốn đi xa thì đi cùng nhau. Muốn đi xa mà đường sá gập ghềnh, khó khăn như thế này thì càng phải đoàn kết bên nhau, không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế và khu vực”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

LÊ HIỆP

TNO