04/01/2025

Sau giãn cách, miền Tây có thêm nhiều mô hình tiêu thụ nông sản kiểu mới

Sau giãn cách, miền Tây có thêm nhiều mô hình tiêu thụ nông sản kiểu mới

Nhiều hình thức tiêu thụ nông sản mới đã được hình thành trong các đợt giãn cách vừa qua, mở ra cơ hội sản xuất và tăng giá trị nông sản cho nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Sau giãn cách, miền Tây có thêm nhiều mô hình tiêu thụ nông sản kiểu mới - Ảnh 1.

Những mặt hàng nông sản “hàng chợ” như dưa leo, khổ qua… trong suốt mùa dịch COVID-19 được người dân tiêu thụ qua hình thức bán hàng online khá nhiều – Ảnh: SƠN LÂM

Chương trình kết nối tiêu thụ nông sản do Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện trong thời gian vừa qua không chỉ giúp khơi thông thị trường, tiêu thụ nông sản cho nông dân, cung ứng hàng hóa giá phải chăng đến người tiêu dùng, mà còn mở ra nhiều cách thức hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp.

Bỏ qua khâu trung gian

Ông Nguyễn Minh Hiền – giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang – cho biết trong đợt dịch lần 4 vừa rồi, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự kết nối với Tổ công tác 970, HTX đã cung cấp được hơn 40 tấn nông sản, trái cây các loại cho TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai theo từng combo nông sản riêng.

Không những vậy, qua chương trình này, HTX đã gặp gỡ và thỏa thuận hợp tác với một số doanh nghiệp tại TP.HCM để cung cấp xoài tươi, xoài sấy và nước ép xoài.

“Đây là thị trường tiềm năng, nhưng đòi hỏi nhà cung cấp phải đảm bảo chất lượng và có cam kết rõ ràng để họ chấp nhận sản phẩm của mình. Ngoài ra, hiện nay có một đối tác ở nước Nga có nhu cầu ký hợp đồng cung cấp cho họ 10 tấn/tháng đối với xoài chế biến. Sau đợt dịch bệnh này, các HTX đã có thêm hướng ra mới trong việc kết nối tiêu thụ” – ông Hiền vui vẻ nói.

Bà Nguyễn Thị Lê – phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh An Giang – cho biết thông qua Tổ 970 đã kết nối cung ứng gần 41.900 combo nông sản cho TP.HCM, Bình Dương. Trong đó, Công ty Thần Tài có 23.000 combo, Công ty Nông Phát Đạt là 16.000 combo, HTX Cù Lao Giêng cung ứng 1.900 combo, Tổ hợp tác nông sản Chợ Mới cung ứng 1.000 combo…

“An Giang đã hình thành được tổ phản ứng nhanh về hỗ trợ tiêu thụ nông sản các cấp, làm đầu mối tiếp nhận thông tin để hỗ trợ cho nông dân về tiêu thụ trong quá trình sản xuất, cũng như gắn kết với các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua nông sản trên toàn tỉnh” – bà Lê nói.

Tại Đồng Tháp, bà Võ Phương Thủy – phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp – cho biết nếu như trước đây nông sản Đồng Tháp chủ yếu bán qua thương lái thì kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các HTX đã thể hiện vai trò là nơi gom hàng bán trực tiếp cho các doanh nghiệp. Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, mỗi ngày có khoảng 500 tấn các loại nông, thủy sản cung ứng đi TP.HCM và các tỉnh thành.

Tiến tới hợp tác tiêu thụ nông sản kiểu mới

Theo bà Võ Phương Thủy, do dịch bệnh nên thương lái không đến, địa phương kết nối trực tiếp với doanh nghiệp đưa nông sản từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Đặc biệt là phát huy vai trò “HTX đặc sản Đồng Tháp”, đơn vị này có nhiệm vụ kết nối, thu gom đặc sản Đồng Tháp để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa hàng hóa đến tận tay doanh nghiệp kịp thời. Nhờ vậy, đầu ra nông sản của Đồng Tháp ổn định.

Sau giãn cách, miền Tây có thêm nhiều mô hình tiêu thụ nông sản kiểu mới - Ảnh 2.

Mô hình trồng chuối mới của FOHLA đang liên kết được nông dân ở nhiều nông trường hưởng ứng, chỉ trong 1 năm, FOHLA đã phát triển hơn 200ha chuối công nghệ cao từ việc liên kết bằng mô hình này – Ảnh: SƠN LÂM

Hiện nay, Đồng Tháp có 3 thị trường trọng điểm là TP.HCM, Hà Nội và Phú Quốc (Kiên Giang). Tại đây, Đồng Tháp đặt 3 trung tâm giới thiệu, phân phối hàng của tỉnh để cung ứng cho các khu vực này.

Đồng Tháp đã có kế hoạch khôi phục kinh tế theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tỉnh đã làm việc với TP.HCM theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu giữa nông dân với doanh nghiệp mà không còn ký hợp đồng thương mại đơn thuần như trước đây.

“Doanh nghiệp phản hồi cho nông dân làm gì, làm thế nào, nhiệm vụ còn lại của nông dân sẽ thực hiện. Khi nào thu hoạch thì doanh nghiệp sẽ xuống thu mua, bao tiêu theo kế hoạch đã ký kết. Theo dự kiến, đầu tháng 12 sẽ tiến hành ký kết xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng này”, bà Thủy cho biết.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, những khó khăn do dịch COVID-19 đã phần nào cho thấy việc tăng cường để phát triển chuỗi hệ thống bán hàng online, các sàn giao dịch thương mại điện tử đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ bền vững. Do đó, Long An chuẩn bị ra mắt thêm sàn giao dịch thương mại điện tử nông sản an toàn Long An để kết nối cung cầu những sản phẩm đã được chứng nhận đảm bảo an toàn của tỉnh.

Hiện Long An đang có khoảng 900 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản. Tỉnh cũng đã xây dựng và phát triển được 783 chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn, với số điểm bán sản phẩm là 352 điểm.

“Trong mùa dịch, ngành nông nghiệp đã tận dụng tối đa mọi sự liên kết qua Internet, Zalo… để lập nhiều nhóm, group cùng kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Khi sàn thương mại điện tử chuyên nông sản của Long An ra đời, các mặt hàng Long An được giới thiệu trên sàn này sẽ phần nào nâng được hình ảnh, giá trị, uy tín lên hơn nữa”, bà Khanh nói.

BỬI ĐẤU – SƠN LÂM – KHẮC TÂM
TTO