04/01/2025

COVID-19 thế giới ngày 4-12: Omicron lan rộng, WHO kêu gọi ‘không hoảng sợ’

COVID-19 thế giới ngày 4-12: Omicron lan rộng, WHO kêu gọi ‘không hoảng sợ’

Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan nói mọi người không nên quá lo sợ vì sự xuất hiện của biến thể Omicron trong bối cảnh đã có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận người mắc.

 

COVID-19 thế giới ngày 4-12: Omicron lan rộng, WHO kêu gọi không hoảng sợ - Ảnh 1.

Người dân New York lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm nhanh ngày 3-12 – Ảnh: REUTERS

Xuất hiện tại sự kiện Reuters Next ngày 3-12, bà Swaminathan cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận cần phải thiết kế lại các loại vắc xin COVID-19 hiện tại. “Chúng ta cần phải chuẩn bị và thận trọng, không hoảng sợ, bởi vì chúng ta đang ở trong một tình huống khác với một năm trước”.

Tuy nhiên, nhà khoa học trưởng của WHO cũng thừa nhận chưa có đủ dữ liệu để nói Omicron có độc lực nhẹ hơn các biến thể khác và nguồn gốc của biến thể này.

Theo bà Swaminathan, biến thể Omicron có thể trở nên chiếm ưu thế vì nó có khả năng lây lan cao nhưng trước mắt Delta vẫn là biến thể thống trị, chiếm hơn 90% số ca mắc mới hiện nay.

Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, cho biết không có bằng chứng cho thấy các loại vắc xin hiện có cần được điều chỉnh để chống lại Omicron. Theo ông, việc các nước nên làm là tập trung thu hút nhiều người hơn đến các điểm tiêm chủng.

Theo công cụ theo dõi biến thể Omicron của báo New York Times, tính đến 4h sáng 4-12 (giờ Việt Nam), đã có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca mắc biến thể này. Phần lớn là các trường hợp nhập cảnh, có lịch sử đến miền nam châu Phi.

Trong khi đó theo WHO, có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc biến thể Omicron và chưa có trường hợp tử vong nào do biến thể này được báo cáo tính đến cuối ngày 3-12.

COVID-19 thế giới ngày 4-12: Omicron lan rộng, WHO kêu gọi không hoảng sợ - Ảnh 2.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc biến thể Omicron, trong đó màu đậm là nơi ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, màu nhạt là nơi các ca mắc Omicron là người nhập cảnh – Ảnh chụp màn hình New York Times

Nam Phi vẫn là nơi có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng nhất, xếp thứ hai là Vương quốc Anh với 104 ca, trong đó có 75 ca ghi nhận ngày 4-12, theo báo The Guardian.

Giới chức y tế Anh thừa nhận một số ca nhiễm không ra nước ngoài hoặc tiếp xúc gần với người ra nước ngoài. Điều này cho thấy dịch đã bắt đầu lan ra cộng đồng nhưng ở mức nhỏ.

Tại Mỹ, trong ngày 3-12 (giờ địa phương) có thêm 6 bang phát hiện ca mắc biến thể Omicron. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại biến thể Omicron đã lan ra 9/50 bang của Mỹ.

Trong 6 trường hợp mắc mới tại Nebraska, chỉ có 1 người đã tiêm chủng đủ liều theo quy định nhưng tất cả 6 người trên đều có triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện điều trị, theo New York Times.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky kêu gọi sự tập trung vào Delta vì “99,9% số ca mắc mới trên toàn nước Mỹ là vì biến thể này”.

Các tin tức khác về COVID-19:

Tổng số ca mắc tại châu Âu vượt mốc 75 triệu vào ngày 3-12, theo công cụ thống kê của Reuters. Đây cũng là khu vực có nhiều quốc gia ghi nhận ca mắc biến thể Omicron (15 nước tính đến sáng 4-12).

Nhà chức trách Na Uy cảnh báo hệ quả của bữa tiệc “siêu lây nhiễm” vẫn chưa dừng lại và số người mắc biến thể Omicron có thể lên tới 60 người, chiếm gần một nửa những người đã tham gia.

Na Uy ghi nhận 13 ca mắc biến thể Omicron liên quan bữa tiệc trên. Tất cả đều đã tiêm vắc xin và không ai có biểu hiện nghiêm trọng. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và theo dõi để xem liệu người mắc Omicron có triệu chứng giống hay khác người mắc Delta

BẢO DUY
TTO