Có kháng thể vô hiệu hoá mọi biến thể?
Có kháng thể vô hiệu hoá mọi biến thể?
Sau các biến thể đáng lo ngại như Alpha, Beta, Gamma, Delta, giờ đây thế giới lại chứng kiến thêm Omicron. Giữa nhiều lo lắng, thông tin từ các nhà khoa học Trung Quốc trong tuần này đã mang đến nhiều hy vọng lẫn hoài nghi.
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã phân lập được loại kháng thể đơn dòng 35B5 có thể vô hiệu hóa tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm Omicron.
Cần thêm nhiều nghiên cứu
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc được đăng trên trang bioRxiv – kho tư liệu đăng các nghiên cứu chưa qua bình duyệt – vào hôm 30-11. Họ đến từ các trung tâm y tế và cơ sở nghiên cứu của chính phủ, trong đó có Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu và Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu.
“Kháng thể đơn dòng 35B5 vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 bằng cách nhắm mục tiêu vào một epitope duy nhất (một phần của phân tử kháng nguyên mà kháng thể tự gắn vào) để tránh các vị trí đột biến phổ biến trên miền liên kết thụ thể (RBD) vốn được xác định trong các biến thể đáng lo ngại (VOC) đang lưu hành, từ đó cung cấp cơ sở phân tử cho hiệu quả trung hòa toàn diện của nó” – các nhà khoa học Trung Quốc giải thích.
Hay nói cách khác, kháng thể 35B5 nhắm vào phần duy nhất của virus không bị thay đổi trong quá trình đột biến, do đó sẽ giúp vô hiệu hóa mọi biến thể của virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng phát hiện này có thể được “khai thác cho việc bào chế vắc xin ngừa COVID-19 phổ quát”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại tỏ ra nghi ngờ về phát hiện của các nhà khoa học Trung Quốc. Giáo sư Ancha Baranova tại Trường Sinh học hệ thống thuộc Đại học George Mason (Mỹ) lưu ý ngay cả các kháng thể phổ biến cũng không giúp ích được gì trong cuộc chiến chống COVID-19, hơn nữa chúng có thể dẫn tới xuất hiện các biến thể mới có khả năng kháng lại.
“Kháng thể 35B5 đã được tìm thấy trước khi biến thể Omicron xuất hiện, do đó không thể nói rằng kháng thể này giúp chống lại biến thể Omicron. Ngoài ra, tôi tin rằng nếu bây giờ chúng ta bắt đầu sử dụng ồ ạt các kháng thể trong điều trị, thì một biến chủng mới sẽ xuất hiện và có khả năng kháng các kháng thể” – bà Baranova nói.
Bà nói thêm rằng việc sử dụng kháng thể trong điều trị là điều không thể, do chi phí phân lập kháng thể cao. Do đó về mặt công nghệ, phát hiện này sẽ không giúp ích cho cuộc chiến chống lại COVID-19.
Trong khi đó, nhà virus học Nga Anatoly Altstein bày tỏ nghi ngờ về phát hiện của các nhà khoa học Trung Quốc. “Chưa có bài báo khoa học nào về chủ đề này. Các nhà khoa học Trung Quốc viết rằng kháng thể đơn dòng này có khả năng vô hiệu hóa tất cả các biến thể, nhưng không có bằng chứng cho thấy điều đó” – ông Altstein nói.
Chiến lược “chuẩn bị” của Trung Quốc
Hiện nay vẫn còn nhiều điều chưa rõ về biến thể Omicron, trong đó có khả năng lây nhiễm và “trốn” các vắc xin hiện tại. Hôm 2-12, ông Trịnh Trung Vĩ – trưởng nhóm được giao nhiệm vụ phát triển vắc xin của Chính phủ Trung Quốc – cho biết nước này đang thúc đẩy nhanh chóng nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng ngừa biến thể Omicron dựa trên các công nghệ khác nhau.
Theo lời ông Trịnh, kể từ lúc biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển vắc xin nhắm vào các biến chủng. Ông cho biết khi Delta trở thành biến thể thống trị toàn cầu, các công ty Trung Quốc đã bào chế các vắc xin bất hoạt, vắc xin protein tái tổ hợp, vắc xin vector virus và vắc xin axit nucleic nhắm vào biến thể này, trong đó có một số vắc xin đã bước vào thử nghiệm lâm sàng.
“Mục đích của chúng tôi chính là “chuẩn bị”. Tuy nhiên không nhất thiết phải dùng các vắc xin này, trừ khi những vắc xin hiện tại hoàn toàn vô hiệu. Chúng tôi cũng đang nhanh chóng đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các loại vắc xin khác nhau ngừa biến thể Omicron, với mục đích cũng là để chuẩn bị” – ông Trịnh thông tin.
Theo Hãng tin Bloomberg, các nghiên cứu hiện nay cho thấy các loại vắc xin bất hoạt phát triển bởi các công ty trong nước của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac Biotech ít hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa ca nhiễm có triệu chứng so với loại vắc xin dùng công nghệ mRNA của phương Tây.
Ông Trịnh nói rằng các loại vắc xin COVID-19 của Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả rõ ràng trong việc ngăn ngừa ca nhiễm do các biến thể đã lưu hành ở những khu vực khác nhau, và có tác dụng đáng kể trong việc ngăn ngừa ca bệnh nặng và tử vong.
Tuy nhiên, có tương đối ít dữ liệu chắc chắn so sánh hiệu quả của các vắc xin Sinopharm và Sinovac Biotech với biến thể Delta so với các vắc xin COVID-19 của phương Tây được công bố.
Công ty dược phẩm sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc cho biết họ đang đánh giá liệu các vắc xin bất hoạt của họ có hiệu quả với biến thể Omicron hay không và liệu họ có cần phát triển loại vắc xin mới. Công ty dược phẩm sinh học BioKangtai (Trung Quốc) cũng đang tìm cách hợp tác với các tổ chức khác về nghiên cứu vắc xin liên quan biến thể Omicron.
WHO: biện pháp đối phó Delta vẫn hiệu quả với Omicron
Tại cuộc họp báo ngày 3-12, ông Takeshi Kasai – giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương – nhận định các biện pháp được đưa ra và kinh nghiệm thu được trong việc đối phó biến thể Delta vẫn hiệu quả với biến thể Omicron, theo Hãng tin AP. Các quan chức WHO nói rằng các nước cần tiêm chủng đầy đủ cho người dân và áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…
“Việc kiểm soát biên giới có thể chỉ trì hoãn quá trình virus xâm nhập và câu giờ. Nhưng mọi quốc gia phải chuẩn bị cho việc đối phó với những đợt tăng ca nhiễm mới. Thông tin tích cực chính là không có thông tin nào mà chúng ta hiện biết về Omicron cho thấy chúng ta cần thay đổi hướng phản ứng của mình” – ông Takeshi Kasai nói.