25/12/2024

Đổi mới dạy môn sử, bắt đầu từ đâu?: Đừng dạy kiểu ‘không biết thì tra Google’

Đổi mới dạy môn sử, bắt đầu từ đâu?: Đừng dạy kiểu ‘không biết thì tra Google’

Theo các giáo viên, chương trình, nội dung sách giáo khoa và cách thức kiểm tra đánh giá là những điều phải thay đổi nếu muốn học sinh thích thú với môn lịch sử.

 

 

 

Nhớ mãi những câu chuyệntừ giờ học sử

Đọc loạt bài viết trên Thanh NiênĐổi mới dạy môn sử, bắt đầu từ đâu?, tôi rất thích thú. Là giáo viên dạy môn vật lý, cán bộ quản lý một trường THPT, rồi bây giờ là dạy khoa học quản lý giáo dục, nhưng trong tôi luôn cháy mãi niềm đam mê môn lịch sử.

Dạy sử tôi thời còn học phổ thông là thầy V.T, L.N.A, N.H.C.P, cô T.P… Họ để lại trong tôi ký ức lung linh về môn sử.

Đổi mới dạy môn sử, bắt đầu từ đâu?: Đừng dạy kiểu 'không biết thì tra Google' - ảnh 1

 

Năm lớp 12, để chuẩn bị cho bài thi học kỳ môn sử hôm sau, như mọi khi, tôi lên thư viện tỉnh tự học. Lướt một vòng tìm sách, thấy cuốn truyện có nhan đề hay, tôi nghĩ bụng mượn đọc mấy trang rồi ôn sử cũng được. Nhưng từng trang sách của truyện cuốn hút tôi, xong cuốn sách cũng là lúc đến giờ về nhà “nhồi bột mì” cho bữa ăn chiều trong gia đình. Tôi tự động viên tối về học bài cũng được. Sáng hôm sau, đề kiểm tra hỏi về Chiến thắng Mùa xuân năm 1975, tôi say sưa viết vì nội dung cũng là cốt truyện mà hôm qua tôi vừa đọc. Tôi trình bày bài làm như một bài văn sử, bài của tôi được điểm cao nhất khối 12 (9 điểm). Cô T.P còn mang sang đọc cho các bạn ở các lớp ban C (môn chính là văn, sử, địa) nghe, trong khi đó tôi là dân ban A (môn chính là toán, lý, hóa).

Thầy cô dạy sử tôi hồi ấy họ giảng hay, chữ viết đẹp, kể chuyện lịch sử thì… khỏi chê. Chẳng hạn chuyện kể về Xô Viết Nghệ Tĩnh qua lời thầy N.H.C.P, 45 năm rồi mà giờ tôi vẫn nhớ như in.

Trước đại dịch do Covid-19, năm học nào tôi cũng cho học sinh các khối lớp thăm di tích lịch sử, địa chỉ đỏ, bảo tàng… Vào tiết chào cờ đầu tuần, các em được nghe chuyện kể, thi đố vui, diễn hoạt cảnh nhân các ngày lễ lớn trong năm. Thầy và trò, qua những hoạt động đó, càng thêm yêu thích dạy học sử.

Đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ môn sử, tôi định hướng để giáo viên bớt đi yêu cầu tái hiện kiến thức cũ, thay vào đó là những nội dung kiểm tra gắn với sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nóng bỏng của địa phương, trong nước, thế giới.

Tôi nghĩ học sử không chỉ đơn thuần là học quá khứ, mà là cả sự sống động của hiện tại và kết nối đến tương lai.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương
(Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Truyền tinh thần của dân tộc, hồn của núi sông

Có 35 năm dạy lịch sử ở trường THCS, tôi rất bức xúc trước thực trạng học sinh “chán học” môn lịch sử.

Vậy cần dạy như thế nào để tạo hứng thú, đam mê học lịch sử cho học sinh? Nhiều thầy cô đưa ra phương pháp, mô hình sáng tạo như: tạo video clip lịch sử, dạy cách tranh biện, sân khấu hóa… Dạy lịch sử, theo tôi là truyền cho các em tinh thần của dân tộc, cái hồn của núi sông, lòng biết ơn với tổ tiên qua những nhân vật lịch sử thì mới khắc sâu và đọng lại trong các em, chứ không phải những số liệu khô khan, diễn biến dài dòng của những trận đánh, những chiến dịch…

Đổi mới dạy môn sử, bắt đầu từ đâu?: Đừng dạy kiểu 'không biết thì tra Google' - ảnh 2

Nhiều phụ huynh, học sinh nói đùa mà nghe thật xót xa: “Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra Google”. Như vậy, do chúng ta sai lầm về chương trình, dạy – học, kiểm tra, nên học sinh chán học lịch sử. Lịch sử suy cho cùng là một câu chuyện kể về quá khứ, vậy dạy miễn làm sao học sinh thích thú nghe câu chuyện là đủ rồi, từ đó sẽ lắng đọng dần trong tâm hồn các em một cách tự nhiên mà không cần phải nhồi nhét, bắt học thuộc lòng.

Tôi tha thiết mong Bộ GD-ĐT hãy để cho chúng tôi tự do sáng tạo kể lại câu chuyện lịch sử, đồng thời đổi mới thật sự về chương trình, sách giáo khoa, kiểm tra đánh giá, mới hy vọng học sinh hứng thú, không thờ ơ với môn lịch sử.

Nguyễn Văn Lực
(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Sách giáo khoa lịch sử phải sống động hơn

Những quyển sách giáo khoa sử 20 năm qua cho đến bây giờ vẫn thế. Sách được thiết kế theo một khuôn khổ: Hoàn cảnh lịch sử, diễn biến phong trào, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử. Tôi biết có nhiều giáo viên dạy lịch sử rất thu hút học trò nhưng họ vẫn không thoát khỏi cái tư tưởng phải bám sát chuẩn kiến thức trong SGK. Tất cả vì học là phải thi và thi thì phải đáp ứng được điểm số an toàn.

Tôi đã từng cho học trò mình thuyết trình về những đề tài lịch sử trong các hoạt động ngoại khóa và thật bất ngờ khi các em đã sử dụng những kiến thức, dữ liệu thu thập được qua sách báo, âm nhạc, cải lương và cả ẩm thực nữa để làm nên những bài thuyết trình sống động, thu hút người nghe.

Mong rằng sẽ có được những bộ sách giáo khoa sống động với những chính kiến và góc nhìn đa chiều để thu hút những người trẻ đến với bộ môn này hơn.

Lê Tấn Thời
(Trường THCS TT Chợ Mới, An Giang)

TS Nguyễn Hoàng Chương – Nguyễn Văn Lực – Lê Tấn Thời

TNO