26/12/2024

Mỹ đang “gắn kết” Nga và Trung Quốc?

Mỹ đang “gắn kết” Nga và Trung Quốc?

Dù tuyên bố không thành lập liên minh quân sự, quan hệ quốc phòng Nga – Trung Quốc đã đạt đến mức tốt nhất trong lịch sử, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực chính trị, công nghệ và kinh tế.

 

 

 

Mỹ đang "gắn kết" Nga và Trung Quốc? - ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brasilia, Brazil ngày 13.11.2019  REUTERS

Thời gian qua, quan hệ Nga – Trung đã vượt ra ngoài phạm vi của một liên minh truyền thống. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói quan hệ hai nước đang ở “mức tốt nhất trong lịch sử”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh quan hệ song phương là “quan hệ quốc tế mới”, được xếp vào loại “quan hệ phối hợp đối tác chiến lược toàn diện cho một kỷ nguyên mới”, cấp bậc cao nhất trong thang quan hệ ngoại giao của Trung Quốc.

Chuyên gia Danil Bochkov tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga nhận định dù Moscow và Bắc Kinh nhiều lần khẳng định hai bên không lập liên minh quân sự, độ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước có thể khiến một số người tin rằng giữa Nga và Trung Quốc tồn tại quan hệ tương tự liên minh trên thực tế.

Quan hệ quân sự bền chặt

Nga và Trung Quốc đã sẵn sàng cho việc điều động quân sự – ngoại giao theo các điều khoản của Hiệp ước Láng giềng Tốt và Hợp tác Hữu nghị. Việc hai nước thắt chặt quan hệ không thể thoát khỏi sự chú ý của NATO, vốn đang mở rộng ảnh hưởng sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tập trung vào sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi việc Bắc Kinh và Moscow tiến gần nhau là “một thách thức nghiêm trọng”.

Moscow và Bắc Kinh cũng đã tăng cường trao đổi quân sự. Theo ông Bochkov, trong năm nay quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước cũng chạm đến mức lịch sử khi các cuộc tập trận song phương đầu tiên được tổ chức trên đất Trung Quốc.

Việc tổ chức tập trận là tín hiệu quân đội Trung Quốc (PLA) đưa ra cho thấy Bắc Kinh đủ tự tin về năng lực để cho phép nước khác trực tiếp chứng kiến và thử nghiệm các khí tài quân sự hiện đại của mình. Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 cũng lần đầu tiên xuất hiện trong các cuộc tập trận với nước ngoài vì lý do tương tự, ông Bochkov nhận định.

Đầu tháng 11, Moscow và Bắc Kinh đã tiến hành cuộc tuần tra trên không chiến lược chung hằng năm lần thứ 3. Hải quân hai nước cũng có cuộc tập trận chung vào tháng 10, trong đó có chuyến đi đầu tiên qua eo biển Tsugaru quan trọng về mặt chiến lược ngoài khơi bờ biển Nhật Bản.

Chuyên gia Bochkov chỉ ra rằng các cuộc tập trận chung này để thể hiện phản ứng phối hợp của hai nước trước việc Mỹ gia tăng hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Động thái này cũng nhằm thể hiện sự phản đối việc Washington khuyến khích Canada, Anh và Đức tham gia vào khu vực.

Việc Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự không chỉ gây khó chịu cho Mỹ mà còn cả các đồng minh của Washington. Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên án Moscow và Bắc Kinh về việc leo thang căng thẳng trong khu vực. Tokyo cũng đã phê duyệt thêm ngân sách 6,8 tỉ USD cho lực lượng vũ trang Nhật Bản.

Mới đây, Nga và Trung Quốc đã ký kết lộ trình hợp tác quân sự đến năm 2025. Bộ Quốc phòng Nga cũng ca ngợi các hoạt động chung trên không và trên biển ở Thái Bình Dương giữa hai nước.

Ông Bochkov nhận định các tin tức trên truyền thông Nga cho thấy Moscow và Bắc Kinh ​​sẽ tiếp tục tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung.

Mở rộng lĩnh vực hợp tác

Vì Nga và Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác về an ninh mạng và thăm dò không gian, rõ ràng hai nước đang hợp tác trong tất cả lĩnh vực, chuyên gia Bochkov nói thêm. Điều này hiếm khi xảy ra giữa các nước không nằm trong một liên minh chính thức, cho thấy quan hệ Nga – Trung đã đạt tầm cao mới.

Việc hợp tác trong mọi mặt còn diễn ra trong các lĩnh vực chính trị, công nghệ và kinh tế. Moscow và Bắc Kinh có cùng quan điểm trong vấn đề Afghanistan và đã đứng cùng phía ở một số chủ đề nóng trong các cuộc họp của Liên Hiệp Quốc.

Gần đây, Moscow và Bắc Kinh phản đối việc Tổng thống Mỹ Joe Biden lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ và khái niệm dân chủ Mỹ đưa ra. Hai nước cũng chỉ trích liên minh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc, đồng thời bác bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Khi đến Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào 2022, Tổng thống Putin cũng sẽ là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên mà Chủ tịch Tập gặp mặt trực tiếp kể từ tháng 2.2020.

Trung Quốc đã hỗ trợ dự án Nord Stream 2 của Nga. Đáp lại, Moscow lên tiếng ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và lên án những lời kêu gọi tẩy chay ngoại giao Olympic Mùa đông 2022.

Về mặt kinh tế, Nga và Trung Quốc đã hoàn thành một số dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới. Giao dịch thương mại của hai bên cũng đạt mức lịch sử với tổng kim ngạch vượt 100 tỉ USD trong ba quý đầu năm và được dự đoán sẽ tiếp tục phá kỷ lục vào năm tới. Hai nước còn đang thúc đẩy hợp tác kinh tế với sự hỗ trợ từ cơ quan lập pháp của mỗi bên.

Hợp tác trên lĩnh vực năng lượng của Nga – Trung Quốc cũng gây ấn tượng với việc khởi động một dự án năng lượng hạt nhân chung. Nga đã tăng cường cung cấp điện và khí đốt cho Trung Quốc và các con số có thể tiếp tục tăng lên sau khi Moscow chuyển số năng lượng cấp cho EU sang cho Bắc Kinh.

Ông Bochkov cho biết quan hệ Nga-Trung được thắt chặt trong những năm gần đây nhờ gia tăng sự chồng chéo lợi ích địa chính trị và việc bị cộng đồng quốc tế do Mỹ dẫn đầu xa lánh.

Chuyên gia này cũng nhận định sự phân cực dường như đang đạt đến đỉnh điểm khi thế giới chia thành hai phe, Nga-Trung đối chọi Mỹ cùng các đồng minh. Mọi nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ đều bị hạn chế bởi sự khác biệt trong hệ tư tưởng. Đồng thời, Moscow và Bắc Kinh có chung lợi ích trong việc chống lại ảnh hưởng của Mỹ.

 

ĐÔNG A

TNO