28/12/2024

Lo cho dân sau giãn cách

Lo cho dân sau giãn cách

Sau giãn cách, chính quyền phường, xã trên địa bàn TP.HCM vẫn tiếp tục chăm lo an sinh cho người dân. Những bếp cơm “dã chiến” ở phường vẫn đỏ lửa để đồng hành cùng người dân khó khăn sau giãn cách.

 

 

Tiếp sức F0 khó khăn tại nhà

Sáng 11.11, ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.Bình Trưng Tây(TP.Thủ Đức), đến kho an sinh xã hội đặt tại Đình thần Bình Trưng lấy túi an sinh để hỗ trợ các F0 khó khăn cách ly chăm sóc tại nhà.

Ông Tâm kể, trong những tháng cao điểm của dịch Covid-19, tại phường thành lập 2 kho an sinh xã hội. Suốt mấy tháng cao điểm của dịch, tất cả cán bộ phường nhận điện thoại từ người dân gọi đến liên tục. Việc chăm lo người dân từ phân phát rau củ, túi an sinh, đi chợ giúp dân… làm ngày, làm đêm, cả tuần chỉ về nhà 3, 4 lần.

Lo cho dân sau giãn cách - ảnh 1
Lực lượng chức năng P.Bình Trưng Tây, TP.Thủ Đức gửi túi quà an sinh cho F0 khó khăn cách ly tại nhà SONG MAI

Sau 1.10, TP.HCM nới lỏng giãn cách, công tác an sinh lúc này chủ yếu chăm lo cho F0 có hoàn cảnh khó khăn cách ly tại nhà. Tại khu trọ đường 31, P.Bình Trưng Tây có 10 phòng trọ có ca nhiễm Covid-19. Những người này đều làm thuê, bán vé số, hàng rong sống qua ngày, đến khi nhiễm bệnh, cách ly thì không có tiền trang trải.

Sau khi mang túi an sinh đến khu trọ, ông Lâm để trước bàn ở hàng rào phong tỏa rồi thông báo F0 ra nhận. Bà Lê Thị Hằng (42 tuổi, người dân ở khu trọ) ra nhận túi quà an sinh từ phường. Bà Hằng làm nghề phụ hồ, quãng thời gian không ai thuê làm, bà lấy vé số mang đi bán, nhưng 5 tháng dịch, bà phải chôn chân ở phòng trọ. Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, bà Hằng đi làm lại được vài hôm thì phát hiện dương tính Covid-19. Tiền bạc không có, những ngày cách ly, bà Hằng xin gạo hàng xóm và nhận nhu yếu phẩm từ phường để dùng.

Trao túi an sinh xong, ông Tâm căn dặn chủ khu trọ, ngoài việc thăm khám thường xuyên của y tế phường, chủ trọ phải thường xuyên theo dõi, thăm hỏi việc cách ly của các F0 trong khu trọ để kịp thời báo về phường nếu có sự cố gì phát sinh.

Lo cho dân sau giãn cách - ảnh 2
Thành viên trong Hội Liên hiệp Phụ nữ P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân phát phần cơm cho người khó khăn ĐÀO NGUYÊN

Ông Tâm cho biết, sau 1.10 phải thích nghi với bình thường mới, phường thực hiện công tác song song, vừa chăm lo công tác an sinh vừa phải làm cả công tác chuyên môn. Tại phường có một tổ gọi là tổ phong tỏa, khi có ca F0 sẽ đến phong tỏa phòng dịch và ghi lại từng hoàn cảnh. Nếu người dân có hoàn cảnh khó khăn, tổ sẽ báo về phường để thực hiện công tác chăm lo, phát túi an sinh.

“Chưa kể công tác chăm lo từ nguồn lực của phường và vận động nhà hảo tâm, thì điểm an sinh thành lập từ tháng 8 đến tháng 9 đã phát 5.940 suất. Trong cao điểm dịch, chỉ có 7 cán bộ phường phụ trách điểm an sinh, sau có thêm bộ đội về hỗ trợ đến ngày 15.10”, ông Tâm chia sẻ.

Ngoài công tác chăm lo cho F0 khó khăn cách ly tại nhà, ông Tâm còn trực app An sinh hằng ngày để tiếp nhận và xác minh thông tin những trường hợp khó khăn cần hỗ trợ về nhu yếu phẩm trên địa bàn phường.

Lo cho dân sau giãn cách - ảnh 3
Người dân khó khăn đến lấy cơm tại Bếp cơm Nhân ái – nghĩa tình được đặt tại đình An Phú, P.An Phú, TP.Thủ Đức SONG MAI

Những bếp ăn luôn đỏ lửa

Trong 5 tháng dịch, mỗi lần chúng tôi có việc ghé UBND P.Bình Trị Đông A (Q.Bình Tân) đều thấy bà Phạm Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, tất bật trong căn bếp “dã chiến” được bố trí phía sau trụ sở UBND phường. Thời điểm đó, bà Hoa cùng các chị em trong hội mỗi ngày nấu 700 suất cơm cho tuyến đầu chống dịch.

Sau khi bình thường mới từ ngày 1.10, không màng việc nghỉ ngơi, căn bếp “dã chiến” của bà Hoa vẫn đỏ lửa để nấu các suất ăn gửi đến người khó khăn. 5 giờ sáng, bà Hoa đã tới bếp chuẩn bị rau củ, vo gạo để nấu 300 suất cơm. Bà Hoa gọi đây là mô hình Trao yêu thương, thành lập từ năm 2016 để đồng hành xuyên suốt với người khó khăn.

Những phần cơm được nấu vào ngày rằm, mùng 1 hằng tháng và suốt 5 tháng dịch đều được duy trì để mang những phần cơm đến cho người dân khó khăn. Đến sau ngày 1.10, bà Hoa nhận thấy dù người dân đi làm trở lại, nhưng cuộc sống công nhân, lao động tự do như xe ôm, bán vé số, ve chai, hàng rong… vẫn còn chật vật. Thay vì nấu 2 ngày mỗi tháng, bà Hoa nấu thêm vào các ngày chủ nhật mỗi tháng.

Lo cho dân sau giãn cách - ảnh 4
Chị Xuân Nguyên, tình nguyện viên tại bếp cơm Nhân ái – nghĩa tình SONG MAI

Khoảng 9 giờ sáng, sau khi nấu xong, các phần cơm được chia ra từng hộp nhỏ, mang ra trước trụ sở UBND phường để phát cho người dân. Sau khi đẩy xe cơm ra phát, chỉ trong vòng 30 phút đã hết sạch. Các chị em trong hội đẩy xe vào bên trong cất, dọn dẹp bếp núc, rồi tự bảo nhau: “Phát nhanh quá, mang ra có chút là hết rồi. Nào là xe ôm, bán vé số, lái xe ba gác, cả mấy người nuôi bệnh trong Bệnh viện Q.Bình Tân ra nhận cơm. Phải chi mình nấu nhiều một chút để phát được tiếp”.

Cứ 6 giờ sáng vào các ngày thứ ba, thứ tư và thứ năm hằng tuần, tại bếp cơm Nhân ái – nghĩa tình được đặt tại đình An Phú, P.An Phú (TP.Thủ Đức), các cán bộ phường và tình nguyện viên đến chung tay nấu 150 phần cơm gửi đến người khó khăn, người già neo đơn tại phường và phát thêm cho người bán vé số, người cơ nhỡ…

Chị Xuân Nguyên (43 tuổi, tình nguyện viên), đảm nhận vai trò bếp chính, cho biết bếp tùy theo ngày sẽ nấu món chay, món mặn khác nhau. Các loại rau củ, thịt, cá… đều được chọn mua tại các siêu thị để đảm bảo an toàn.

Khoảng 9 giờ, khi thức ăn đã nấu xong, chị Nguyên phân chia thức ăn thành các phần nhỏ, để sẵn trên bàn. Những phần ăn đều được múc nhiều cơm và thức ăn để người dân ăn đủ no có sức đi làm, nếu nhà nào khó khăn có thể chia ra ăn đủ 2 bữa.

Chị Nguyên tham gia nấu ăn từ khi bếp cơm mới thành lập. Suốt mấy năm qua, dù bận công việc buôn bán tại nhà nhưng chị Nguyên luôn dành thời gian buổi sáng đến bếp cơm để nấu ăn. “Góp chút sức của mình để phục vụ cho bà con khó khăn là thấy vui rồi”, chị Nguyên chia sẻ.

Khoảng 10 giờ, bà Võ Thị Mỹ Hoa (66 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) dẫn chiếc xe đạp để trước cổng đình rồi ngồi đợi nhận cơm. Bà Hoa nói mình đã là “khách quen” của bếp ăn gần 5 năm. Hôm nào bếp không nấu cơm, bà Hoa đi bán vé số cũng nhịn ăn sáng, đến trưa thì nhín ít tiền ra mua cơm ăn. “Tôi nhận 4 phần, cho tôi và 3 người con ở nhà. Mới bán vé số lại được mấy tuần nay cũng không dư tiền nên nhận cơm ở bếp ăn, tôi đỡ lo phần chi phí”, bà Hoa tâm sự.

Theo bà Võ Thị Gái, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ P.An Phú, suốt mấy năm nay, bếp ăn được duy trì nhờ sự đồng lòng, chung sức của nhà hảo tâm, nhiều người ở phường, quận… Người góp tiền, góp gạo, người góp sức. Không chỉ phát tại bếp, đối với hoàn cảnh người già neo đơn, đi lại khó khăn, phường sẽ cử cán bộ mang đến tận nhà.

“Riêng mấy tháng dịch, mỗi ngày bếp nấu gần 600 suất ăn cho lực lượng tuyến đầu. Vừa sợ nhiễm bệnh, vừa đau nhức chân tay nhưng mọi người vẫn tiếp tục làm. Đến khi qua đỉnh dịch, thay vì nghỉ ngơi, bếp vẫn duy trì để hỗ trợ bà con khó khăn sau giãn cách”, bà Gái nói.

(còn tiếp)

 

SONG MAI – ĐÀO NGUYÊN

TNO