Thi như vậy thì thi làm gì?
Thi như vậy thì thi làm gì?
Cô chủ nhiệm lớp con tôi thông báo: học sinh sẽ làm bài kiểm tra trực tuyến giữa học kỳ 1 môn toán và tiếng Việt vào lúc 19h là giờ mà các phụ huynh đã có mặt ở nhà nên có thể hỗ trợ con. Thế là nhiều chuyện bi hài đã diễn ra…
Cứ tưởng dịch bệnh, học sinh tiểu học phải học online đã là quá lắm rồi, phụ huynh cũng đã vất vả lắm rồi.
Ấy vậy mà ngành giáo dục còn bắt các cháu tiểu học phải làm bài kiểm tra trực tuyến khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng.
Cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi thông báo rằng học sinh sẽ phải làm bài kiểm tra trực tuyến giữa học kỳ 1 môn toán và tiếng Việt vào cuối tháng 11-2021. Cô giáo thống nhất sẽ cho các bé làm bài kiểm tra vào buổi tối, lúc 19h là giờ mà các phụ huynh đã có mặt ở nhà nên có thể hỗ trợ con.
Bối rối thi thử
Ngày thi thử, học sinh vẫn vào Zoom như học online: “Rồi! Cô đã gửi link đề thi qua ô chat, các con mở ra và làm bài nhé”. “Cô ơi, con không mở được!”, “Con cũng không mở được cô ơi”, “Con cũng vậy cô!”. Cả lớp xôn xao, ồn ào vì không mở được đề thi. Cô giáo hỏi: “Trong lớp có bạn nào mở được không?”. Cả lớp lặng im. “Các con chờ cô tí xíu nha”…
Chúng tôi nghe cô giáo gọi điện cho một số thầy cô trong trường, cuối cùng thì nắm được tình hình là các lớp khác cũng bị y chang như vậy. 10 phút, rồi 20 phút trôi qua, cô giáo gửi link đề thi lần 2 nhưng học sinh vẫn không mở được.
Qua Zoom chúng tôi thấy cô lại gọi điện khắp nơi. Một lúc sau, cô thông báo: “Đề thi toán có trục trặc, hôm nay lớp chúng ta thi thử môn chính tả, các con lấy giấy ra để viết nha”.
“Cô ơi, nếu đang thi mà máy con bị rớt mạng cô đọc con không nghe rõ thì sao cô?”, “Cô ơi, nếu con viết thiếu chữ là lỗi của online nha cô”, “Cô ơi, con viết sai chữ có khi không phải do con mà do đọc qua máy con không nghe rõ thì có bị trừ điểm không cô?”. Tôi ngồi nghe mà thấy thương cô giáo quá!
Bolero nhà… hàng xóm
Thế nhưng, đáng nói hơn chính là ngày thi thật. Thời gian đầu khá suôn sẻ khi học sinh cả lớp đều mở được đề thi. Cô chủ nhiệm và một giáo viên khác trong trường (được gọi là giám thị 2) đều liên tục nhắc các bé phải mở camera và micro trong suốt thời gian thi.
Cả lớp im phăng phắc làm bài. Bỗng có tiếng một bé gái la lên với giọng đầy hốt hoảng: “Cô ơi, chết con rồi! Con lỡ bấm nút gửi bài phần trắc nghiệm mà còn câu 2 con chưa kịp làm. Giờ con muốn lấy lại làm tiếp”.
Tiếng cô giáo: “Con bấm gửi là ban giám hiệu nhà trường nhận chứ cô không nhận bài của con, không thể trả lại cho con được”. Bé gái bắt đầu sụt sịt rồi khóc. Cô giáo đành an ủi: “Thôi, bây giờ còn nhiều thời gian, con tập trung làm phần tự luận ra giấy, nhớ cẩn thận, làm cho kỹ càng. Các bạn khác rút kinh nghiệm nha, làm bài xong phải xem lại kỹ từng câu rồi mới bấm nút gửi”.
Cô chưa nói xong thì đâu đó nhạc bolero nổi lên: “Xây giấc mộng ban đầu, yêu người thuở mới đôi mươi, em đang độ trăng tròn”, cả lớp cười rần rần. Cô giám thị 2 hỏi: “Nhà bạn nào mở nhạc vậy? Kêu ba mẹ tắt đi con”. “Dạ không cô, đó là nhà hàng xóm của con đó cô, cứ tới giờ này là họ hát karaoke cô ơi”. “Vậy con tắt micro đi rồi tập trung làm bài! Cô đề nghị cả lớp tập trung làm bài, không nói linh tinh nữa”.
Rối ren nhất là đoạn cuối, khi cô giám thị 2 thông báo: “Đã hết giờ làm bài, các con ngừng làm bài nha. Phần trắc nghiệm thì gửi luôn trên máy, còn phần tự luận làm trên giấy thì các con chụp hình rồi gửi phần đính kèm tệp nha”. “Cô ơi, con không đính kèm được”, “Cô ơi, máy của con báo lại là “không được phép chia sẻ tài liệu” nên không gửi được”, “Con cũng vậy á cô”…
Lại có tiếng òa khóc rất to của một bé gái: “Hu hu, chết con rồi, máy con báo không gửi được mà sao phần bài làm của con nó mất hết rồi, nó đẩy con về trang ban đầu là điền họ tên, lớp, hu hu”. “Được rồi, con bình tĩnh, đợi cô”.
Đúng là ngày thi có một không hai với các học sinh lớp 4. Sau buổi thi này, tôi có góp ý với cô chủ nhiệm là không nên cho các bé làm bài kiểm tra trực tuyến nữa. Vì chắc chắn kết quả bài thi sẽ không khách quan và thực chất. Thứ nhất, vì giờ làm bài mà đủ thứ chuyện xảy ra khiến các bé phân tâm như kể trên thì làm sao làm bài tốt! Thứ hai, phụ huynh ngồi kế bên con thì rất có thể không chỉ hỗ trợ về máy móc mà có khi còn chỉ bài cho con làm.
Vất vả, áp lực
Cô giáo cho biết việc tổ chức kiểm tra giữa kỳ cho học sinh lớp 4, lớp 5 là làm theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM chứ nhà trường rất vất vả, bản thân cô cũng thấy không cần thiết. Cô nói mấy hôm nay 2 thầy giáo tin học của trường phải thức đến 2h – 3h sáng để chuẩn bị cho kỳ thi, các giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường cũng áp lực không kém…
Không cần kiểm tra trực tuyến
Theo cô giáo, đợt kiểm tra giữa kỳ này có chấm điểm nhưng mục đích chỉ là đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh sau một giai đoạn học tập. Từ đó, giáo viên sẽ có kế hoạch giảng dạy, giúp đỡ cho học sinh trong thời gian tiếp theo để học sinh tiến bộ hơn. Mà mục đích như vậy thì trong quá trình giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm cũng nắm được trình độ, năng lực của học sinh lớp mình rồi, không cần kiểm tra trực tuyến làm gì.
Quyền được sai
Chị Trần Thị Lan, có con học lớp 7 một trường THCS ở quận 1, TP.HCM, kể rằng chị khá bất ngờ khi nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm về việc con mình bị vi phạm đến 5 lần khi kiểm tra 15 phút môn sinh học trên K12 Online.
“Tôi được cô giáo chụp màn hình gửi tiến trình lịch sử con vi phạm quy chế, tổng cộng 5 lần. Tôi hỏi thì con nói bị “rớt mạng”. Tôi báo cô giáo nguyên nhân như thế, cô lại hỏi sao trong quá trình làm bị “out” không báo cho giáo viên bộ môn. Tôi mới ngớ người biết con mình nói xạo. Hỏi ra thì con nói sợ điểm thấp” – chị Lan kể.
Một tuần sau có kết quả các môn kiểm tra hệ số 1, lớp con chị Lan gần 40 em, có đến 35 em các môn đều… 10 điểm. “Con tôi được điểm 5. Có phụ huynh con được điểm 10, nhắn Zalo riêng với tôi: “Ước gì điểm con tôi thường như con chị thôi”. Điều này khiến tôi quá phân vân về việc các con làm bài kiểm tra online và thật giả câu chuyện điểm số trên không gian ảo” – chị Lan bày tỏ thêm.
Học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7, TP.HCM) đang kiểm tra môn hóa học trên K12 Online – Ảnh chụp màn hình
Bên cạnh việc học sinh tìm lý do để chối tội cho bài kiểm tra điểm thấp, có phụ huynh bắt con làm nhiều lần bài kiểm tra rồi mới chụp gửi giáo viên, thậm chí “ra tay” giúp con làm đúng mới yên tâm nộp bài.
Một phụ huynh có con học lớp 3 ở TP.HCM cho hay: “Tôi biết có phụ huynh đứng kè kè đó, quan sát, hướng dẫn con làm đúng hết mới chuyển cho giáo viên. Đó không phải là bài làm của con nữa mà là sản phẩm của cha mẹ.
Ngược lại, tôi cũng chứng kiến có phụ huynh, con làm sao chụp y vậy, không sửa, chấp nhận ngổn ngang, lộn xộn, thiếu sót… để giáo viên nhìn vào đó xác định đúng thực lực con mình mà hỗ trợ, giảng dạy”.
Ông Phan Lê Khôi, giảng viên Viện Nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam, nhìn nhận: “Quan trọng là các em nhận thức được qua bài kiểm tra thì học được gì khi ra cuộc sống. Điều này phụ huynh cũng cần biết để tránh áp lực, cũng như tránh can thiệp quá sâu trong khi con làm bài”.
Tương tự, cô Hứa Thị Diễm Trâm, hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chia sẻ: “Khi kiểm tra online, quan trọng nhất là ý thức của học trò. Điểm số chỉ là tương đối, giáo viên và phụ huynh nên trao đổi trước để các em thể hiện trung thực. Những bài làm “thô”, bài điểm thấp nhưng do chính học sinh thực hiện vẫn trân quý hơn những bài điểm cao nhưng có sự giúp sức của phụ huynh. Hãy để các em tự nhiên, để các em có cơ hội biết sức lực của mình tới đâu”.
THẢO THƯƠNG