23/12/2024

Nông dân Việt có thu nhập trung bình gần 3,6 triệu đồng/tháng

Nông dân Việt có thu nhập trung bình gần 3,6 triệu đồng/tháng

Thu nhập bình quân nông dân năm 2020 là 43 triệu đồng/năm, tương đương gần 3,6 triệu/tháng. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập người dân nông thôn sẽ gấp 3 lần so với năm 2020.

 

Nông dân Việt có thu nhập trung bình gần 3,6 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập người dân nông thôn sẽ gấp 3 lần so với năm 2020 – Ảnh: CHÍ TUỆ

Chiều 29-11, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo dự thảo, mục tiêu đến 2030, ngành nông nghiệp phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, xử lý tốt ô nhiễm ở nông thôn.

Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân 5 – 6%/năm giai đoạn 2021 – 2030, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 60 tỉ USD vào năm 2030.

Nâng cao thu nhập người nông dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn gấp 3 lần năm 2020 (43 triệu đồng). Tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%…

Về tầm nhìn đến năm 2025, dự thảo nêu phấn đấu Việt Nam trở thành một trong 10 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, xanh, ứng dụng công nghệ cao; nông thôn văn minh, đời sống cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập cư dân nông thôn từng bước tiệm cận với đô thị, cơ bản không còn hộ nghèo.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo – chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam – cho rằng một số mục tiêu trong chiến lược chưa đề cập đến. Ví dụ, thu nhập bình quân đầu người nước ta năm 2030 là 7.500 USD/năm, vậy thu nhập đầu người ở khu vực nông thôn là bao nhiêu. Đây là chỉ tiêu đầu ra rất quan trọng để tính chỉ tiêu đầu vào.

Ông Nguyễn Duy Hưng – phó trưởng Ban Kinh tế trung ương – đề nghị cân nhắc một số vấn đề riêng của ngành đưa vào phấn đấu. Ví dụ, ngành nông nghiệp nói nhiều đến khoa học công nghệ, chuyển đổi số là đột phá trong thời gian tới thì liệu có thể đặt chỉ tiêu chuyển đổi số ngành nông nghiệp là 25% làm chỉ tiêu phấn đấu so với mục tiêu chung quốc gia 30%.

“Ngành nông nghiệp nói nhiều đến quan điểm ‘nông thôn đáng sống’. Nếu coi 63% người dân Việt Nam ở vùng nông thôn trong 10 năm tới thì liệu có đáng sống thì cần làm rõ khái niệm?” – ông Hưng phân vân.

Ông Nguyễn Đình Cung – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – đề nghị cần quan tâm tới việc tăng trưởng nông nghiệp làm sao để người dân không rời khỏi nông thôn.

“Cần làm rõ kinh tế nông thôn là gì? Tăng trưởng bao nhiêu? Ít nhất phải bình quân với cả nước thì lúc đó người dân mới không rời khỏi nông thôn” – ông Cung nói.

Bà Thái Hương – chủ tịch Tập đoàn TH – đề nghị nên tạo ra một số mô hình điểm và đi theo hướng công nghệ hiện đại nhưng bảo tồn về văn hóa làng xã. Từ đó tạo ra những cơ chế, chính sách để phát triển đột phát nhằm tạo ra từng loại sản phẩm.

“Đề nghị Bộ NN&PTNT cần giúp doanh nghiệp khơi thông thị trường nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc. Đồng thời, bộ cần đánh giá lại toàn bộ khơi thông chính sách đất đai ở khu vực rừng đất trống, đồi trọc và chính sách về phân bón” – bà Hương đề nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, những con số mà ngành nông nghiệp hướng tới là làm sao tiệm cận được với sự phát triển của ngành với thu nhập của người sản xuất, đây là điều mà chúng ta phải theo đuổi. Chiến lược cũng hướng tới nền nông nghiệp không đánh đổi chi phí sản xuất như thời gian qua.

“Chiến lược cũng hướng tới việc phát triển tới sự tăng trưởng bao trùm, tạo ra việc làm cho nhiều người và làm sao để một cả xã hội cùng thụ hưởng” – ông Hoan nói.

CHÍ TUỆ
TTO