Cặp bài trùng mới
Cặp bài trùng mới
Cặp bài trùng mới và trục quyền lực mới chắc chắn sẽ trở thành tác nhân quyền lực mới trong EU và ở châu Âu.
Ở Ý, Thủ tướng Mario Dragi đang có vị thế quyền lực vững vàng. Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đang nỗ lực để được tiếp tục cầm quyền sau cuộc bầu cử sắp tới. Ở châu Âu, nước Anh đã ra khỏi EU, Đức sắp đổi thời và nội bộ EU phân rẽ sâu sắc. Trong bối cảnh tình hình như thế, lãnh đạo Ý – Pháp ký kết “Hiệp ước về tăng cường hợp tác song phương”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Ý Mario Dragi REUTERS |
Cho dù ý tưởng này đã được Ý đưa ra từ năm 2017 và hai nước vẫn thường gọi nhau là “anh em họ”, sự ra đời của hiệp ước trên vẫn gây ngỡ ngàng ở châu Âu bởi Pháp – Ý thời gian qua xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản rất sâu rộng và công khai, đặc biệt ở Libya và vùng Bắc Phi.
Hiệp ước này cả trên tinh thần lẫn trong lời văn về cơ bản rất giống hiệp ước hợp tác giữa Đức và Pháp ký kết cách đây nhiều thập niên. Nó ra đời chủ yếu nhờ sự đồng hành của ông Dragi và ông Macron. Họ theo đuổi chủ ý cùng nhau tạo nên cặp bài trùng quyền lực mới ở châu Âu với mục tiêu nếu không thay thế được cái gọi là “Trục Berlin – Paris” thì cũng tạo thành “trục quyền lực” mới ở châu Âu có khả năng kiến tạo tương lai và dẫn dắt EU ngang ngửa với “Trục Berlin – Paris”.
Nếu được thực thi đầy đủ và nghiêm chỉnh thì hiệp ước nói trên sẽ đưa lại cấp độ cao hơn với chất lượng mới cho mối quan hệ hợp tác song phương Pháp – Ý. Cặp bài trùng mới và trục quyền lực mới chắc chắn sẽ trở thành tác nhân quyền lực mới trong EU và ở châu Âu. EU đang khó khăn và khó xử cả về đối nội lẫn đối ngoại, thiếu vắng thành viên đủ năng lực thực tế và uy tín đi đầu để dẫn dắt cả liên minh. Cơ hội cho Pháp và Ý chính ở đó.
Cặp bài trùng này giúp hai bên có được địa lợi để tranh thủ thiên thời trong khi vẫn thiếu vắng nhân hòa nhằm mưu tính đại sự. Vấn đề chỉ là hai bên thỏa thuận với nhau nhưng rồi có thực hiện được hay không mà thôi.
PHẠM LỮ
TNO