23/01/2025

Mỹ bế tắc trong cuộc chiến giá dầu

Mỹ bế tắc trong cuộc chiến giá dầu

Dù đã xả lượng dầu kỷ lục trong kho dự trữ chiến lược, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa cho thấy giải pháp hiệu quả để cứu vãn giá dầu trong bối cảnh Nga cùng OPEC đang giữ sản lượng thấp.

 

 

 

Theo Bloomberg, hôm qua (26.11), giá dầu WTI giảm 5,16 USD/thùng (tương đương 6,58%) còn 73,23 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 4,71 USD/thùng (tương đương 5,73%) còn 77,51 USD/thùng. Tuy nhiên, theo tờ Financial Times thì việc giá chứng khoán ở nhiều nước cũng như giá dầu giảm chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân biến thể mới của Covid-19 khiến cho diễn biến chống dịch trở nên ảm đạm hơn, nên nhà đầu tư chọn cách “trú ẩn” trong các loại tài sản an toàn hơn.

Thách thức cho Tổng thống Biden

Trong khi đó, liên quan thị trường năng lượng, giới quan sát đang chờ cuộc họp dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng với Nga và một số nước – hay còn gọi là nhóm OPEC+. Đây là cuộc họp quyết định việc OPEC+ có tăng sản lượng khai thác dầu hay không.

Vài năm qua, OPEC+ đã phối hợp cắt giảm khai thác để sản lượng dầu ở mức thấp nhằm giữ giá ở mức cao, hướng đến lợi nhuận nhiều hơn. Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ, giá xăng ở nước này hiện là 3,4 USD/gallon, cao hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Mỹ bế tắc trong cuộc chiến giá dầu - ảnh 1
Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, đặc biệt đáp ứng nhu cầu đi lại, của Mỹ ở mức rất cao HOÀNG ĐÌNH

Giá dầu tăng cao trở thành nguyên nhân khiến giá xăng dầu tăng nhanh, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng đang leo thang nhanh chóng tại Mỹ. Trong bối cảnh nước này đang nỗ lực hồi phục kinh tế thời hậu đại dịch Covid-19, diễn biến vừa nêu đã trở thành thách thức lớn cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã buộc chính sách sai lầm của Nhà Trắng dẫn đến việc vào tháng 10, lạm phát Mỹ chạm mức cao nhất 31 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước – đây là mức tăng mạnh nhất trong 12 tháng kể từ năm 1990.

Thiếu giải pháp căn cơ ?

Ngày 24.11 vừa qua, AP đưa tin Tổng thống Biden ra lệnh xuất kho 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của Mỹ, nhằm đối phó giá nhiên liệu cao dẫn đến nhiều chi phí tăng cao ngay trước lễ Tạ ơn và kỳ nghỉ đông vốn nhu cầu đi lại du lịch tăng nhanh. Đây là mức xả kho dự trữ cao kỷ lục của Mỹ trong nhiều năm qua.

Phối hợp xả kho dự trữ còn có thêm một số nước khác như: Trung Quốc dự kiến tung ra 7 triệu thùng dầu (và có thể lên đến 15 triệu thùng), Ấn Độ khoảng 5 triệu thùng, Nhật Bản khoảng 4,2 triệu thùng, Hàn Quốc là 3,5 triệu thùng, còn Anh khoảng 1,5 triệu thùng. Như thế, dự kiến có khoảng 71 triệu thùng dầu được các nước xuất kho dự trữ chiến lược để bán ra thị trường.

Tuy nhiên, số lượng dầu mà Mỹ cùng một số nước xuất đi từ kho dự trữ được cho là chưa đủ tác động đến thị trường. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, toàn thế giới tiêu thụ trung bình hơn 97 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2021, và dự kiến con số sẽ là 100 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm sau.

Trả lời Thanh Niên, ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao – Công ty tài chính OANDA (Mỹ), đánh giá: “Việc Mỹ xả kho 50 triệu thùng dầu sẽ khó đủ sức đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nước này. Trong số 50 triệu thùng đó, 32 triệu thùng được tung ra thị trường dưới hình thức khoản vay được hoán đổi, thay vì bán”. Nói một cách khác, 32 triệu thùng dầu này được xả kho để cho “mượn tạm”.

Không những vậy, ông Moya còn lo ngại: “Việc xả kho dự trữ của chính quyền Tổng thống Biden không đủ sức gây ảnh hưởng, đồng thời còn tạo phản ứng ngược từ nhóm OPEC+ vốn có thể khiến thị trường dầu bị thiếu nguồn cung hơn. Giá dầu thô có thể sẽ tăng, trừ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở châu Âu diễn biến xấu hơn nữa và thời tiết phía bắc bán cầu ấm sớm hơn”.

Cũng trả lời Thanh Niên, Tập đoàn tài chính Ngân hàng ING (Hà Lan) đã chia sẻ các nhận định liên quan các diễn biến trên của thị trường dầu mỏ. Theo đó, ông Warren Patterson, đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa – ING, dù lạc quan rằng động thái xả kho của Mỹ và một số nước đã có tác động nhất định đối với thị trường. Nếu không có động thái này, giá dầu có lẽ đã tăng cao hơn. “Tuy nhiên, đầu tháng 12 thì OPEC+ tiếp tục có cuộc họp mới nên vẫn phải chờ thêm động thái của nhóm này. Xa hơn, trong các năm tiếp theo thì vẫn còn phải chờ thêm cán cân cung và cầu dầu trên thị trường như thế nào”, ông Patterson đánh giá.

AP dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ John Barrasso (đảng Cộng hòa) chỉ trích rằng động thái của Tổng thống Biden chỉ là giải pháp tạm thời, đang sửa sai cho chính sách của Nhà Trắng. “Năn nỉ OPEC và Nga tăng sản lượng và sử dụng nguồn dự trữ chiến lược là những nỗ lực tuyệt vọng để giải quyết thảm họa do ông Biden gây ra”, AP dẫn lời nghị sĩ Barrasso chỉ trích.

Nhà phân tích kinh tế – tài chính Rick Newman cũng đánh giá chính quyền Biden không giải quyết bài toán cốt lõi là làm tăng nguồn cung cho thị trường một cách căn cơ hơn. Cụ thể, theo ông Newman, Mỹ hiện nay là quốc gia có sản lượng khai thác dầu lớn nhất thế giới, trên cả Nga lẫn Ả Rập Xê Út, nhưng chính quyền Washington lại không hỗ trợ các công ty dầu khí Mỹ gia tăng khai thác. Nguyên nhân của vấn đề bắt nguồn từ việc chính sách của ông Biden dường như không muốn cởi trói để các công ty dầu mỏ Mỹ tăng cường hoạt động.

Liên quan vấn đề này, tờ The Washington Post có bài nhận định chỉ có 2 cách để giảm giá dầu: tăng sản lượng khai thác để tăng nguồn cung cho thị trường, hoặc giảm tiêu thụ xăng dầu. “Đảng Cộng hòa nhấn mạnh sản xuất dầu trong nước. Đảng Dân chủ nhấn mạnh việc loại bỏ các nhiên liệu sử dụng nhiều carbon. Cả hai đều có lý”, bài viết chỉ ra. Nhưng vấn đề là sau nhiều năm, Mỹ vẫn theo đuổi chính sách “hàng hai” giữa 2 cách trên, khiến cho chưa có giải pháp căn cơ để ứng xử tình trạng giảm cán cân cung cầu.

Cắt giảm tiêu thụ

Theo tờ The Washington Post, việc tăng sản lượng khai thác dầu có thể giúp Mỹ vượt qua ảnh hưởng của OPEC và hạn chế ảnh hưởng địa chính trị của các quốc gia săn mồi như Nga. Tuy nhiên, cách này chỉ có ý nghĩa như một chính sách chuyển tiếp. Lâu dài, nước này phải cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ bằng cách khuyến khích sử dụng ô tô điện, đầu tư vào giao thông công cộng nhiều hơn… Kèm theo đó là đánh thuế khí đốt cao hơn.

 

NGÔ MINH TRÍ

TNO