Nghề Việt – Nét Việt: Nghề trai Chuôn Ngọ
Nghề Việt – Nét Việt: Nghề trai Chuôn Ngọ
Chuôn Ngọ là làng duy nhất cung cấp nguyên liệu các loại vỏ trai, ốc cho cả nước để làm đồ cẩn, khảm, thủ công mỹ nghệ… với tuổi nghề tương truyền đã gần ngàn năm (từ thời Lý).
Trong hàng trăm vỏ ốc to đều bằng hai bụm nắm tay nằm la liệt dưới đất, chẳng khác gì nhau, giá bình quân 500.000 đồng/con, thợ trai Đỗ Thành Đô nhặt lên một con, định giá… hơn 10 triệu đồng. Nhìn vỏ biết ruột, chỉ là một trong nhiều biệt tài của thợ nghề làng khảm trai Chuôn Ngọ.
Nghệ thuật cẩn ốc sử dụng rộng khắp cả nước, nhưng xuất xứ từ nguyên liệu, chỉ có làng Chuôn Ngọ (H.Phú Xuyên, Hà Nội). Trưởng thôn Ngọ, anh Nguyễn Đắc Luyện giới thiệu: “Ngày xưa thì nhà nhà làm trai, ốc, nhưng giờ cả làng chỉ còn khoảng 30% hộ dân theo nghề. Nhu cầu thị trường vẫn tăng hằng năm, nhưng có sự hỗ trợ của công nghệ, máy móc phụ trợ, nên lượng lao động giảm”.
Nghề tách vỏ trai
Đến công xưởng của thợ trẻ Đỗ Thành Đô, câu chuyện về nghề trai được tiết lộ: “Ốc nguyên liệu ở Việt Nam gần như không còn, phần đa nhập từ Indonesia, Ấn Độ, Thái, Nhật, Trung Quốc. Cùng một loại ốc, nhưng ở mỗi vùng, mỗi nước chất lượng sẽ khác nhau. Biệt tài của người Chuôn Ngọ là phải nhìn cho ra đâu là mẻ ốc có nhiều giá trị sử dụng”.
Hội làng khảm trai Chuôn Ngọ với đám rước bài vị thành hoàng làng, người khai sinh ra nghề khảm trai LAM PHONG |
Đứng trước hàng trăm vỏ ốc na ná nhau bày la liệt, thật khó để phân định màu sắc, Đô cười: “Người Chuôn Ngọ giữ được nghề, không ai theo được cũng là chỗ đấy thôi. Tiếp xúc với con ốc từ nhỏ, mổ xẻ mỗi ngày, nên nhìn qua là biết chất lượng thế nào, cái này có dạy cũng khó mà tiếp thu ngay được. Có những mẻ ốc chênh giá nhau từ 10 – 20 lần. Nhìn qua lớp vỏ, biết ngay con ốc đấy đến từ quốc gia nào, bên trong màu gì. Gặp những lô ốc tốt, phải đấu giá với các bạn hàng nước ngoài mới mua về được. Ở thị trường, ốc trung bình từ Nhật chỉ khoảng 50 – 60 triệu đồng/tạ, ốc Thái có khi lên đến 400 – 500 triệu đồng. Tôi từng mua 100 kg ốc Thái Lan với mức giá 1 tỉ đồng. Không giỏi nghề, khi mua không thể chọn được ốc tốt”.
Nói về màu sắc của ốc, đỏ sẽ là phẩm đắt nhất, rồi đến vàng chanh. Cái hay của thợ ốc là chỉ dựa vào đường vân, có thể áng ngay tỷ lệ phần trăm của màu sắc trên con ốc, từ đó ra giá phù hợp. Ở làng Chuôn Ngọ, cách chế biến ngày xưa là phải đục chẻ, tách vỏ ốc, người kinh nghiệm kỹ thuật đục tốt, ốc ít bị vỡ mảnh, đỡ hao nguyên liệu, còn thợ mới vào nghề bóc tách dễ vỡ, hao hụt nhiều hơn, dẫn đến thu lợi thấp. Khoảng 7 – 8 năm trở lại, thợ làm nghề chế các loại máy phụ trợ nên việc chẻ ốc không dùng tay nữa. Xưa 1 con chỉ ra được 1 miếng ốc tốt, bây giờ năng suất từ 3 – 5 miếng, kích cỡ lại to tối đa, phẳng lì. Xưa mỗi người ngày làm tối đa chỉ 1 kg ốc, bây giờ năng suất lên gấp 10 lần.
Thợ nghề Đỗ Thành Đô tự hào: “Chơi ốc kén người lắm, phải người hiểu mới thấy hay, thấy quý. Vì ốc là đồ tự nhiên, qua thời gian vẻ đẹp không đổi và sẽ càng đắt lên. Do tính phản quang cao, nhất là dòng ốc đỏ, ốc vàng chanh, ban đêm chỉ một đốm sáng cũng đủ phản chiếu những lung linh từ ốc”.
Ốc thành phẩm có xuất đi nước ngoài? Đô cho biết: “Cũng có nhưng rất ít. Các làng nghề sử dụng ốc cho cẩn khảm lớn như Đồng Kỵ, Nam Định, Huế… đủ bao hết sản phẩm cho cả làng rồi. Nhưng cẩn khảm xong, rồi xuất đồ cẩn ốc đi nước ngoài thì nhiều. Trong nước người chơi cũng yêu cầu cao hơn, có những người chơi họ tuyển lựa ốc, chỉ dùng ốc tốt, cân đắt hơn cả vàng. Nhu cầu chung của thị trường lớn lắm nên làm quanh năm không hết việc”.
Chơi đồ cẩn ốc
Trong lần gặp gỡ nhà sưu tập Loan de Fontbrune – một chuyên gia về cổ vật và văn hóa Á Đông, đang sống tại Paris (Pháp) – cũng đúng dịp nhà Aguttes ở Drouot tổ chức phiên đấu giá các hiện vật nghệ thuật xuất xứ từ châu Á. Đến triển lãm 2 ngày trước phiên đấu giá, trong số nhiều cổ vật xuất xứ từ Việt Nam, chúng tôi chú ý đến một khay trà cẩn ốc đỏ, được cẩn khảm rất sắc nét, chi tiết, với kỹ thuật xen lọng theo phong cách cẩn ốc của thợ Huế xưa.
Nhà sưu tập và nghiên cứu văn hóa Á Đông Loan de Fontbrune |
Chị Loan de Fontbrune cho hay: “Đồ cẩn ốc thời tôi mới sang Pháp những năm 1980 – 1990 nhiều lắm. Ngay trong gia đình tôi, ông nội khi sang Pháp cũng mang theo các khay trà cẩn ốc rất đẹp, nét mềm mại, màu sắc tươi và thay đổi ánh sáng phản chiếu theo góc cạnh rất cuốn hút nên từ nhỏ tôi đã thích đồ cẩn ốc của Việt Nam”.
Chiếc khay cẩn lúc đó có giá khởi điểm 150 euro, chị Loan bảo: “Ngày trước ít người để ý dòng đồ này, nên giá rẻ, bây giờ ngày càng nhiều người săn tìm nên hiếm dần. Thỉnh thoảng mới gặp ngoài chợ trời, chợ đồ cổ, được người Việt mang sang hoặc được người Pháp ngày trước sinh sống làm việc ở Việt Nam mua mang về dùng. Chiếc khay này nếu ra giá, tôi chỉ đặt khoảng 1.000 – 1.200 euro, ai đó bỏ giá cao hơn thì đành nhường lại”. Ngày diễn ra phiên đấu giá, chiếc khay được chốt giá gõ búa với gần 2.500 euro. Giá trị của đồ cẩn ốc Việt cũng tạo nhiều hấp dẫn ở thị trường nước ngoài.
Hộp trầu rượu với kỹ thuật cẩn ốc xen lọng kiểu Huế xưa |
Trở lại câu chuyện trong nước, từ xa xưa, cứ nhìn vào không gian phòng khách, thờ tự, nếu có đồ cẩn ốc, đủ xác định gia chủ có cuộc sống sung túc, khá giả. Tùy vào độ dày, độ tinh tế, sắc sảo của nét cẩn ốc trên gỗ cũng phần nào đoán biết đẳng cấp và tầm cỡ gia chủ trong xã hội đương thời.
Trong những hiện vật cẩn ốc, khay trầu rượu, khay trà… được sử dụng khá phổ biến. Tương truyền ngày xưa trong làng xóm, khi gia tộc xảy ra bất hòa, để làm lành, tạ lỗi, khay trầu rượu trở thành cầu nối, nếu đồng ý đón nhận và uống cạn nghĩa là hiềm khích được xóa bỏ. Trong lễ lạt, cưới xin, khay trầu rượu cũng là vật đại diện quan trọng, không thể thiếu. Dĩ nhiên với hỷ sự, khay càng đẹp, ốc cẩn càng tinh tế, càng khiến cho phần lễ thêm trang trọng, vui tươi, cũng là một tự hào của nhà trai khi đem sính lễ đến đằng gái hỏi vợ. Thế nên, trong nhiều gia đình, những món đồ cẩn ốc, không chỉ đẹp, mà còn gắn liền với nhiều kỷ niệm, được lưu truyền qua thế hệ.
Muôn kiểu cẩn ốc
Nam bộ chuộng lối cẩn theo mảng, miếng, ốc có kích cỡ lớn.
Huế chuộng về độ tinh tế, đường nét chi li, phức tạp theo kiểu cẩn ốc trong ốc (xen lộng). Lối cẩn Bắc là sự cân đối hài hòa, có nét mảnh, có mảng lớn, được bố cục đan xen, hài hòa.
Đề tài cẩn ốc rất đa dạng, thường đi theo tuồng tích, hoa văn, họa tiết, khi thì tứ thời (mai – lan – cúc – trúc), khi mẫu đơn trĩ, bát bửu, cổ đồ, tuế hàn tam hữu (tùng – trúc – mai), văn vương cầu hiền, tam cố thảo lư… thể hiện trên nền ốc đủ sắc độ khác nhau từ đỏ, đỏ tía, vàng chanh, vàng, xanh lấp lánh…
Vô đối trong nghề trai, ốc
Chuôn Ngọ là làng duy nhất cung cấp nguyên liệu các loại vỏ trai, ốc cho cả nước để làm đồ cẩn, khảm, thủ công mỹ nghệ… với tuổi nghề tương truyền đã gần ngàn năm (từ thời Lý).
Sự tích của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ gắn với nhân vật khai sinh ra nghề là Trương Công Thành – một công thần thời Lý – thành hoàng làng Chuôn Ngọ, từ 1099 đã truyền nghề khảm trai (cẩn xà cừ) cho dân làng và phát triển từ đó đến nay.
Kỹ thuật chọn vỏ ốc, bóc tách, cưa xẻ theo đường vân, kỹ thuật ép cho vỏ ốc phẳng, giúp tận dụng tối đa nguyên liệu là kinh nghiệm truyền đời của người làng Chuôn Ngọ. Biệt tài này không dễ theo kịp nên từ gần ngàn năm qua, làng nghề Chuôn Ngọ không đối thủ cạnh tranh trong nghề trai, ốc.
LAM PHONG
TNO