23/01/2025

Đưa ‘game’ vào bài giảng học trực tuyến

Đưa ‘game’ vào bài giảng học trực tuyến

Trong mỗi tiết học trực tuyến, để thay đổi không khí hay tâm trạng của sinh viên, giảng viên hoàn toàn có thể thiết kế một bài kiểm tra đánh giá như là một trò chơi.

 

 

Đoạt giải nhất cuộc thi về thiết kế dạy học trực tuyến, thạc sĩ Phạm Văn Mạnh, giảng viên tiếng Anh Trường cao đẳng Công thương TP.HCM, cho biết mỗi người thầy đều phải tìm “bí quyết” để giúp sinh viên hứng thú hơn với những tiết học qua mạng.

Sau 3 vòng thi, vượt qua 600 giảng viên, giáo viên đến từ các trường cao đẳng, trung cấp của 50 tỉnh thành trên cả nước, thạc sĩ Phạm Văn Mạnh đã giành giải nhất cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức mới đây.

Đưa 'game' vào bài giảng học trực tuyến - ảnh 1

Thạc sĩ Phạm Văn Mạnh thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi  M.N

Kết hợp nhiều chức năng vào bài giảng

Thạc sĩ Mạnh cho biết: “Tôi đã thiết kế bài giảng này trên nền tảng Moodle theo ý tưởng bài giảng tích hợp kết hợp với giảng dạy trực tuyến, vận dụng thang đo “bloom” vào bài thiết kế để chọn kênh chữ, kênh hình hay video để phù hợp với cấp độ của sinh viên. Việc thiết kế phải đảm bảo các hoạt động theo tiến trình, nên tôi áp dụng công nghệ điều hướng video theo chuẩn quốc tế SCORM”.

Theo đó, bài giảng của thạc sĩ Mạnh đã đáp ứng mọi yêu cầu phục vụ cho việc học của sinh viên, gồm phần giới thiệu bài, nội dung, luyện tập vận dụng, kiểm tra đánh giá, tương tác với người học, tài liệu tham khảo và đa phương tiện. Bài thiết kế còn kết hợp với một số trang web về học thuật để giúp sinh viên hiểu và vận dụng dễ dàng hơn.

Thạc sĩ Mạnh cũng đã tự quay các video hướng dẫn làm mẫu, quy trình thực hành… để làm tư liệu, đồng thời kết hợp các video của một số người bản xứ để sinh viên luyện tập và thực hành.

Thiết kế bài giảng như một trò chơi

Để có được bài giảng đoạt giải cao nhất này, thạc sĩ Phạm Văn Mạnh đã rất trăn trở với việc dạy trực tuyến khi một thời gian dài sinh viên không thể đến trường học trực tiếp vì dịch Covid-19.

“Theo tôi, muốn việc học trực tuyến đạt chất lượng thì vai trò người thầy rất quan trọng, có thể nói là then chốt. Giáo viên sẽ là người hướng sinh viên theo phương pháp đúng nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất khi điều kiện tương tác có nhiều hạn chế so với học trực tiếp. Phải tạo được sự hứng thú, kích thích sự tương tác của các em. Tất nhiên, sinh viên cũng cần có ý thức tự giác, chủ động và có trách nhiệm với việc học của mình”, thạc sĩ Mạnh chia sẻ.

Thạc sĩ Mạnh cho rằng trong mỗi tiết học, để thay đổi không khí hay tâm trạng của sinh viên, giảng viên hoàn toàn có thể thiết kế một bài kiểm tra đánh giá như là một trò chơi. Trò chơi đó không đặt nặng vấn đề bao hàm tất cả các kiến thức, mà chỉ cần tập trung vào những kiến thức cần thiết, sẽ giúp sinh viên hứng thú hơn hẳn so với việc cho làm kiểm tra bằng một bài trắc nghiệm khô khan thông thường.

Vì những bí quyết này mà thạc sĩ Phạm Văn Mạnh đã thu hút sinh viên trong suốt thời gian học trực tuyến vừa qua, góp phần giúp cho sản phẩm được đánh giá cao nhất tại cuộc thi.

 

MỸ QUYÊN

TNO