23/01/2025

‘Điện sạch’ tăng quá nhanh, lo ở tiền bù giá

‘Điện sạch’ tăng quá nhanh, lo ở tiền bù giá

Tỉ trọng năng lượng tái tạo ngày càng cao sẽ khiến chi phí giá thành điện ngày càng lớn cũng như ảnh hưởng vận hành an toàn hệ thống nếu không sớm có pin lưu trữ, tích năng và phát triển dịch vụ phụ trợ.

 

Điện sạch tăng quá nhanh, lo ở tiền bù giá - Ảnh 1.

Đã có thêm khoảng 4000 MW điện gió đưa vào vận hành, nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống ngày càng tăng – Ảnh: N.K.

Sáng 24-11, hội đồng khoa học tạp chí Năng Lượng Việt Nam tổ chức hội thảo “Ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam”.

Theo ông Hoàng Trọng Hiếu – phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, song dự án phát triển nhanh nên trong một số thời điểm xảy ra mất cân đối nguồn phụ tải theo miền.

Đáng chú ý, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo cao hơn so với nguồn năng lượng truyền thống nên EVN đang được giao để mua toàn bộ sản lượng điện với mức giá do Nhà nước quy định.

Theo đó, EVN đang thực hiện chức năng thay Nhà nước bù giá và chi phí bù giá năng lượng tái tạo được hòa với chi phí của ngành điện nên chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện.

Vì vậy, ông cho rằng khi tỉ trọng năng lượng tái tạo càng tăng thì thành phần bù giá thành ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn chi phí giá thành ngành điện.

Theo ông Trần Tuệ Quang – phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), tính đến năm 2020, tổng công suất lắp đạt 69.300 MW, riêng nguồn năng lượng tái tạo là 17.400 MW. Tháng 11-2021 có thêm gần 4000 MW điện gió vào vận hành, đưa nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng lên gần 28%.

Mặc dù là nguồn năng lượng xanh nhưng không ổn định, với tỉ lệ ngày càng tăng đặt ra thách thức vận hành ổn định an toàn, vấn đề kỹ thuật của hệ thống. Việc giảm mạnh phát điện do quá tải lưới, nhu cầu phụ tải thấp, cũng làm giảm hiệu quả chung, đòi hỏi đầu tư công nghệ tăng tính linh hoạt, tăng nhu cầu dịch vụ phụ trợ, ổn định điện áp.

“Hệ thống lưu trữ năng lượng về lâu dài là không thể thiếu, tránh rủi do giảm phát, tăng hiệu quả điện mặt trời và điện gió. Song khó khăn đặt ra là cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật, vận hành, đơn cử như thiếu văn bản hướng dẫn mô hình dịch vụ phụ trợ…” – ông Quang nói.

Ông Nguyễn Thái Sơn – thành viên hội đồng khoa học tạp chí Năng Lượng Việt Nam – cho rằng Chính phủ cần sớm có chính sách cho mô hình dịch vụ phụ trợ, pin lưu trữ. Theo đó, cần đưa cơ cấu tỉ trọng hệ thống pin lưu trữ vào Quy hoạch điện 8, đưa ra các cơ chế chính sách cho đầu tư pin lưu trữ, tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ của hệ thống điện, hạch toán vào chi phí truyền tải và phân phối…

“Hiện pin lưu trữ năng lượng chưa được tham gia cung cấp dịch vụ hệ thống nên sẽ không được tham gia thị trường điện. Vì vậy cần nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, kỹ thuật, các quy định đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để tạo cơ sở cho sự xuất hiện các pin lưu trữ” – ông Sơn nói.

N.AN
TTO