Số ca tử vong của TP.HCM tăng, tập trung ở nhóm cao tuổi và ‘không chịu tiêm vắc xin’

Số ca tử vong của TP.HCM tăng, tập trung ở nhóm cao tuổi và ‘không chịu tiêm vắc xin’

Sau một thời gian số ca tử vong do COVID-19 của TP.HCM giảm sâu, những ngày gần đây con số này có chiều hướng tăng dần. Các ca tử vong này nằm trong diện nào? Liệu có bất thường?

 

Số ca tử vong của TP.HCM tăng, tập trung ở nhóm cao tuổi và không chịu tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Sau một thời gian số ca tử vong do COVID-19 của TP.HCM giảm sâu, những ngày gần đây con số này có chiều hướng tăng dần – Ảnh: DUYÊN PHAN

59 ca tử vong tại TP.HCM là con số được Bộ Y tế công bố vào ngày 22-11. Trước đó hai ngày con số tử vong lần lượt là 50 và 55. Như vậy sau gần một tháng duy trì ở mức dưới 30 ca tử vong/ngày, số ca tử vong của TP.HCM đang tăng, giống với giai đoạn dịch bùng phát ngày 23-7.

TP.HCM đang là địa phương có số tử vong cao nhất cả nước, tỉ lệ tử vong lên tới 3,8% tổng số ca mắc, trong khi cả nước là 2,2%.

75% ca tử vong không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ liều

Tại cuộc họp báo ngày 22-11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết trong 3 ngày 19, 20, 21-11, thành phố có 151 trường hợp tử vong. Trong đó có 75% các trường hợp không tiêm mũi vắc xin nào hoặc tiêm không đủ liều.

Bà Mai cho rằng khi F0 tăng thì số ca tử vong cũng sẽ tăng. Thời gian qua, mặc dù độ phủ vắc xin của TP cao nhưng khi F0 tăng lên thì có khoảng 15-20% số F0 diễn tiến nặng, trong đó có 5% rất nặng.

TP.HCM đang điều trị 13.721 bệnh nhân, có đến 327 bệnh nhân nặng đang thở máy, 9 bệnh nhân can thiệp ECMO. “Với bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, kèm theo bệnh lý nền và điều trị thở máy dài ngày thường rất khó phục hồi và nguy cơ tử vong với nhóm này rất cao” – một chuyên gia điều trị COVID-19 nói.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, một cán bộ có trách nhiệm tại Sở Y tế TP.HCM cho hay các bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện tử vong thường tập trung ở nhóm cao tuổi và “không chịu tiêm vắc xin”, mặc dù được gia đình, chính quyền động viên. “Thống kê một ngày các ca tử vong đều có điểm chung trên 50% là chưa tiêm vắc xin” – vị này nói với Tuổi Trẻ Online.

Ngoài ra còn có một số bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu điều trị bởi một bệnh lý khác (bệnh nền), sau đó xét nghiệm tầm soát mới phát hiện mắc thêm COVID-19. Có người mắc COVID-19 không hề biết mình có bệnh nền. Các trường hợp này, COVID-19 chỉ là tác nhân, còn nguyên nhân tử vong chính vẫn là do mắc các bệnh lý khác, kèm thêm tuổi cao sức yếu.

Một nguyên nhân khác khiến số ca tử vong tăng ở TP.HCM xuất phát từ “yếu tố bên ngoài”, tức việc thành phố “gánh” một phần ca tử vong của các tỉnh. Bởi các bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành chuyển đến, TP.HCM phải tiếp nhận điều trị.

“Thường ngày có khoảng 5-6 ca nặng của tỉnh chuyển đến, còn hôm nay có đến 11 ca. Có nghĩa đang có xu hướng các ca nặng chuyển về các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM và khi tử vong các ca này đều được tính cho TP.HCM” – vị này nói.

Số ca tử vong của TP.HCM tăng, tập trung ở nhóm cao tuổi và không chịu tiêm vắc xin - Ảnh 2.

So với công thức 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng/10 giường hồi sức, một số đơn vị chưa đủ nguồn nhân lực và ngành y tế phải kịp thời bổ sung – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chưa đáp ứng công thức: 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng/10 giường hồi sức

TP.HCM đang tính toán phương án phải huy động thêm 390 nhân sự là bác sĩ, điều dưỡng từ 16 bệnh viện chi viện cho các bệnh viện dã chiến 3 tầng chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 có xu hướng gia tăng.

16 bệnh viện được huy động nhân lực, bao gồm Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Hùng Vương, An Bình, Trưng Vương, Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2, Nguyễn Trãi, Da liễu, Truyền máu huyết học, Đa khoa khu vực Thủ Đức, Nguyễn Tri Phương, Bình Dân, Tai mũi họng, Phạm Ngọc Thạch, Nhân Ái, Y học cổ truyền, Viện Tim.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trực tiếp tham dự cuộc họp với lãnh đạo 16 bệnh viện này vào chiều 22-11 nhằm động viên tinh thần lực lượng tuyến đầu. Theo ngành y tế TP.HCM, hiện toàn thành phố có 4 bệnh viện dã chiến 3 tầng tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, bao gồm Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13, số 14, số 16 và Tân Bình.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay tại các bệnh viện 3 tầng và trung tâm hồi sức tuyến cuối (Bệnh viện Chợ Rẫy, ĐH Y dược…) hiện nay đều xây dựng quy mô 150 giường hồi sức. So với công thức 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng/10 giường hồi sức, một số đơn vị chưa đủ nguồn nhân lực và ngành y tế phải kịp thời bổ sung đảm bảo chăm sóc điều trị bệnh nhân được đảm bảo.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM làm việc riêng với Hóc Môn

Ngoài cuộc họp với Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện nêu trên, chiều 22-11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức còn làm việc riêng với huyện Hóc Môn, 1 trong 5 quận, huyện có số ca mắc, chuyển nặng và tử vong tăng.

Trước đó, lãnh đạo UBND TP và lãnh đạo ngành y tế nhiều lần xuống làm việc với huyện Hóc Môn. Tuy nhiên theo đánh giá, công tác triển khai chống dịch của địa phương chưa triệt để, các ca mắc và chuyển nặng còn phát sinh.

Số liệu công bố trên Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM ngày 22-11, số ca mắc phát sinh trong ngày của huyện Hóc Môn là 202 ca, cao nhất so với 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.

HOÀNG LỘC
TTO