Số ca mắc cả nước lại lên 5 con số, vì sao vẫn ‘thích ứng an toàn với dịch’?
Số ca mắc cả nước lại lên 5 con số, vì sao vẫn ‘thích ứng an toàn với dịch’?
Chiều nay 22-11, bản tin chiều của Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 10.321 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày thứ 2 trong khoảng 1 tuần vừa qua số mắc mới lên lại mức 5 con số, cơ sở nào để thực hiện tiếp ‘thích ứng an toàn’?
Số ca mắc COVID-19 cả nước đang có dấu hiệu gia tăng mạnh và hiện đã gần bằng giai đoạn cao điểm. Trong khoảng 1 tuần qua, số mắc mới cả nước đã có 2 ngày lên lại mức trên 10.000 ca, bình quân ca mắc mới mỗi ngày đã gần gấp đôi thời điểm đầu tháng 10.
Nhưng những số liệu từ Bộ Y tế cho thấy có những cơ sở để tiếp tục thực hiện được “thích ứng an toàn với dịch”, do số ca nặng, ca tử vong đều giảm mạnh so với giai đoạn cao điểm của dịch.
Theo số liệu của Bộ Y tế, so sánh ngày 23-9 và ngày 21-11 cho thấy ca bệnh mới ngày 21-11 là 9.890, gần bằng con số ngày 23-9 (10.018), nhưng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện giảm 20% và số tử vong (238 và 136) giảm gần 1/2.
Tại các tỉnh thành Đông và Tây Nam Bộ, khu vực dịch nóng nhất cũng đang có tình trạng tương tự: số ca bệnh mới có tăng so với thời điểm tháng 10, nhưng số đang theo dõi, điều trị tại các bệnh viện và số ca tử vong đều giảm (xem đồ họa).
Tại Hà Nội, Bộ Y tế cho biết hiện có 2.600 bệnh nhân đang điều trị, nhưng số bệnh nhân chuyển nặng đang phải hỗ trợ thở oxy, thở máy chỉ có 23 ca. Trong khi thông thường số bệnh nhân nặng, cần hỗ trợ thở phải chiếm 10%/tổng số bệnh nhân. Việc tiêm phủ vắc xin và điều trị sớm đã có ý nghĩa lớn trong việc giảm số bệnh nhân chuyển nặng và số ca tử vong.
Điểm nóng đề nghị chi viện nhân lực và thuốc
Tuy nhiên số tử vong vẫn đang đứng ở mức cao, riêng TP.HCM ngày 21-11 ghi nhận tới 50 ca tử vong, ngày 22-11 ghi nhận 59 ca. So với cao điểm dịch số bệnh nhân COVID-19 tử vong đã giảm nhiều, nhưng so với tháng 10 và những ngày đầu tháng 11, con số này đã có những dấu hiệu tăng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, số ca mắc mới tăng và số tử vong cũng tăng theo, dù mức độ tăng không bằng so với mức tăng số ca mới. Trong đó, hầu hết ca tử vong ở người cao tuổi và có bệnh nền.
Bộ Y tế cho biết vừa cấp thêm 5.000 liều thuốc Molnupiravir điều trị cho F0 cách ly tại nhà cho TP.HCM. TP.HCM là địa phương có số tử vong cao nhất cả nước, tỉ lệ tử vong lên tới 3,8%/tổng số ca mắc, trong khi cả nước là 2,2%.
TP.HCM đề nghị bộ cấp thêm 100.000 liều Molnupiravir do số lượng bệnh nhân tăng trở lại. Phủ vắc xin và có thuốc điều trị sớm sẽ là 2 điểm quan trọng nhất để thích ứng an toàn với dịch.
Bên cạnh đó, đã có một số điểm nóng đề nghị chi viện nhân lực. UBND tỉnh Tây Ninh có văn bản đề nghị Bộ Y tế cấp thuốc, thiết bị y tế, đồng thời đề nghị chi viện 100 bác sĩ, 250 điều dưỡng, 10 kỹ thuật viên X-quang (có 20 bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu) để điều trị bệnh nhân tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3.
Tại Vĩnh Long có một đoàn 12 y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nội tiết trung ương vừa vào chi viện gần 1 tuần trước. Bộ Y tế cũng đã có thông báo cho các địa phương, đề nghị địa phương cần hỗ trợ có văn bản gửi Bộ Y tế.
Ngoài TP.HCM và khu vực lân cận có số mắc tăng trở lại, hiện Tây Nam Bộ cũng có số mắc hằng ngày khá lớn.