Nuôi lươn không bùn thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm
Nuôi lươn không bùn thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm
Áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn có cải tiến, mỗi năm, ông Tô Phước Mạnh (44 tuổi, ngụ xã Vĩnh Kim, H.Cầu Ngang, Trà Vinh) thu lãi hàng trăm triệu đồng.
|
Lươn sinh trưởng và phát triển tốt nhờ ông Mạnh có cải tiến giá thể và cách nuôi. DUY TÂN |
Luôn ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Mạnh thường dành thời gian đi tham quan, tìm hiểu các mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh. Năm 2016, biết được mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao, ông mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp. “Lươn tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong khi lươn nuôi có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, đầu ra thuận lợi…nên tôi quyết định đầu tư nuôi cho bằng được”, ông Mạnh nói.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, lươn nuôi bị hao hụt nhiều, hiệu quả thấp. Thất bại vụ đầu tiên, ông Mạnh không nản chí mà tìm mọi cách khắc phục. Ông tìm tòi tư liệu, xin tham quan các trại nuôi lươn có tiếng để học hỏi kinh nghiệm.
Ông Mạnh vệ sinh trại lươn. DUY TÂN |
Năm 2017, sau khi tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm, ông tái khởi động nuôi lươn song song cải tiến cách nuôi. “Lúc đầu nuôi trong vèo nên khâu vệ sinh rất cực. Sau đó, chuyển sang nuôi bể xi măng, giá thể bằng cây và ống mủ nhưng xập xệ, khó kiểm soát. Thế là tôi chuyển sang làm bể xi măng lót gạch men phía dưới để dễ vệ sinh, dễ thay nước; giá thể làm bằng phao thuận lợi cho lươn phát triển”, ông Mạnh chia sẻ.
Hiện trang trại có diện tích 600 m2, gồm 19 bể xi măng và composite nuôi lươn thương phẩm cùng 10 bể ươm lươn giống. Ưu điểm bể composite ít đóng rong, dễ vệ sinh, vận chuyển dễ. Mỗi bể cao 40 cm, thành ốp vào 10 cm để tránh lươn bò ra, giữa đáy để vỉ inox thoát nước…
Theo ông Mạnh, nuôi lươn không bùn chỉ sử dụng giá thể, khác hoàn toàn với tập tính và môi trường sống dưới bùn đất, ưa bóng tối của lươn. Do đó, phải tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng phao quây lưới, rồi cho vào bể chất chồng lên nhau.
Với giá thể phao này, khi cho nước vào đến đâu thì dâng đến đó. Phao có 3 lớp, lớp dưới cùng để lươn đu bám, lớp giữa để lươn chui rúc tập trung vào một chỗ để trú ẩn, lớp trên cùng để lươn dễ bò lên ăn hoặc có lớp rêu ủ ấm. Nhờ lớp phao này giúp lươn ít bơi lội gây đuối sức, nhanh phát triển, tăng trọng.
Ông Mạnh cho lươn ăn. DUY TÂN |
Ngoài ra, ông Mạnh còn xây dựng hệ thống xử lý nước khép kín để đảm bảo nguồn nước sạch. Tận dụng tất cả phụ phẩm từ nuôi lươn như đưa thức ăn thừa, phân lươn để nuôi cá trê, rắn ri voi… Nước thải được sử dụng tưới cỏ, rồi cắt cho bò ăn, sử dụng phân bò nuôi trùng quế.
Ông Mạnh cho biết, ưu điểm của mô hình nuôi lươn không bùn là ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định ở mức cao… Lươn nuôi khoảng 6 tháng có thể thu hoạch. Với 19 bể nuôi, mỗi năm ông thu hoạch 2 vụ, sản lượng đạt gần 15 tấn, giá bán từ 105.000 – 115.000 đồng/kg. Nhờ đó, ông thu lãi hơn 500 triệu đồng. Thương lái từ TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang… đến mua nhiều nhất.
DUY TÂN
TNO