Nên nấu ăn bằng loại chất béo này để tránh bị đột quỵ

Nên nấu ăn bằng loại chất béo này để tránh bị đột

Kết quả nghiên cứu chỉ ra loại chất béo để ngăn ngừa bệnh tim mạch kể cả đột quỵ.

 

 

Theo một nghiên cứu mới, ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến và mỡ động vật làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngược lại, tiêu thụ nhiều dầu thực vật làm giảm nguy cơ này, theo Hindustan Times.

Nên nấu ăn bằng loại chất béo này để tránh bị đột quỵ - ảnh 1
Nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu ô liu, dầu bắp, dầu đậu nành để nấu ăn nhằm giảm nguy cơ bị đột quỵ  SHUTTERSTOCK

Các phát hiện của nghiên cứu đã được trình bày tại Phiên họp Khoa học năm 2021 của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, từ ngày 13 đến ngày 15.11. Đây là cuộc trao đổi toàn cầu về những tiến bộ khoa học, nghiên cứu mới nhất về tim mạch của các chuyên gia trên toàn thế giới.

Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên phân tích toàn diện tác động của các loại chất béo, bao gồm chất béo thực vật, từ sữa và từ động vật, đối với nguy cơ đột quỵ.

Người dẫn đầu nghiên cứu, tiến sĩ Fenglei Wang, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại khoa dinh dưỡng Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan (Mỹ), cho biết: “Các phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng, đối với việc ngăn ngừa bệnh tim mạch kể cả đột quỵ, thì loại chất béo và các nguồn chất béo khác nhau quan trọng hơn là lượng chất béo nhiều hay ít”.

Trong nghiên cứu, những người tham gia ở lứa tuổi trung bình là 50 và tất cả đều không mắc bệnh tim và ung thư ngay từ lúc bắt đầu nghiên cứu.

Những người tham gia hoàn thành bảng khảo sát về tần suất thực phẩm được sử dụng một lần khi bắt đầu và 4 năm một lần trong suốt quá trình nghiên cứu,

Các nhà nghiên cứu đã tính toán và phân loại chất béo được người tham gia tiêu thụ thành 5 nhóm, là thịt mỡ, thịt đỏ, thịt chế biến, dầu thực vật và chất béo từ sữa.

Trong quá trình nghiên cứu, có 6.189 người bị đột quỵ.

Nên nấu ăn bằng loại chất béo này để tránh bị đột quỵ - ảnh 2
Ăn nhiều thịt mỡ và thịt đỏ dễ bị đột quỵ hơn SHUTTERSTOCK

Kết quả, đã phát hiện những điều sau:

Tại sao không nên ăn thịt mỡ?

Kết quả cho thấy, những người ăn thịt mỡ nhiều nhất có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 16% so với những người ăn ít nhất, theo Hindustan Times.

Ăn thịt đỏ có hại như lời đồn không?

Nghiên cứu cũng đã phát hiện, những người tiêu thụ nhiều hơn một khẩu phần thịt đỏ – tương đương khoảng 100 gram thịt tươi – mỗi ngày, có nguy cơ đột quỵ cao hơn 8%.

Thịt đỏ gồm thịt bò, thịt heo hoặc thịt cừu.

Còn thịt chế biến thì sao?

Đồng thời, những người tiêu thụ nhiều hơn 1 khẩu phần thịt chế biến – tương đương 100 gram xúc xích hoặc thịt xông khói, có nguy cơ đột quỵ cao hơn 12%.

Các loại thịt chế biến bao gồm thịt xông khói, xúc xích, giăm bông và các loại thịt nguội khác.

Tại sao nên ăn dầu thực vật?

Ngược lại, những người ăn nhiều nhất các loại dầu thực vật có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 12% so với những người ăn ít nhất, theo Hindustan Times.

Sữa nguyên kem có hại không?

Riêng chất béo từ sữa như sữa nguyên kem, pho mát, bơ, kem không ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ.

Nghiên cứu khuyến cáo điều gì?

Từ những kết quả này, mọi người nên giảm tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến, giảm thiểu thịt mỡ, nên thay thế bằng các loại dầu thực vật như dầu ô liu, dầu bắp, dầu đậu nành để nấu ăn nhằm giảm nguy cơ bị đột quỵ, tiến sĩ Wang khuyến cáo, theo Hindustan Times.

Nhiều loại thịt chế biến có nhiều muối, chất béo bão hòa và ít dầu thực vật.

Nghiên cứu cho thấy rằng, thay thế thịt chế biến bằng các nguồn đạm khác, đặc biệt là đạm thực vật, sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, theo tiến sĩ Alice H. Lichtenstein, nhà khoa học kỳ cựu, giáo sư tại Trường Y Đại học Tufts (Mỹ), tác giả chính của “Hướng dẫn Chế độ ăn uống nhằm cải thiện sức khỏe tim mạch” – được công bố tại Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm nay.

Tiến sĩ Lichtenstein nói thêm, các điểm chính của chế độ ăn uống tốt cho tim mạch là cân bằng lượng calo và duy trì cân nặng hợp lý, chọn ngũ cốc thô, đạm nạc và đạm thực vật cũng như nhiều loại trái cây và rau quả; hạn chế muối, đường, mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn và rượu, theo Hindustan Times.

 

THIÊN LAN

TNO