19/11/2024

Công nghiệp văn hoá Việt Nam: Bức chân dung khuyết

Công nghiệp văn hoá Việt Nam: Bức chân dung khuyết

Chúng ta đang nói tới một nền công nghiệp văn hoá được gọi tên mà chưa định hình. Thế nào là công nghiệp văn hoá? Văn hoá và công nghiệp văn hoá có phải là một? Khi nào tác phẩm văn hoá nghệ thuật trở thành sản phẩm công nghiệp văn hoá?

 

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Bức chân dung khuyết - Ảnh 1.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn – ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội – nêu ý kiến trong buổi thảo luận chiều 25-10 – Ảnh: Website Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch

Chúng ta đang tồn tại tất cả các ngành nghệ thuật nhưng lại chưa có các ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Đâu là lực lượng sản xuất của công nghiệp văn hóa? Câu hỏi căn bản tưởng chừng không cần thiết phải đặt ra này lại là câu hỏi mà bản Chiến lược năm 2016 cũng cùng các biện giải của các nhà quản lý đã trả lời bằng một bức chân dung khuyết về chủ thể công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Bắt đầu từ định nghĩa

Công nghiệp văn hóa – theo định nghĩa của UNESCO và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch GATT – là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ.

Không gian phát triển của công nghiệp văn hóa là văn hóa, nghệ thuật, song quá trình tạo thành sản phẩm công nghiệp văn hóa không dừng lại ở sáng tạo tác phẩm, mà bắt đầu từ sáng tạo để một quy trình sản xuất, đóng gói, phân phối và lưu thông được vận hành, tạo nên nguồn doanh thu và lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp cho các chủ thể trong quy trình đó.

Các ngành công nghiệp văn hóa là những lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Như vậy, việc tồn tại các ngành nghệ thuật không bảo đảm rằng các ngành này đã đương nhiên trở thành các ngành công nghiệp văn hóa.

Đây là lý do tại sao chúng ta thấy dù chúng ta đang tồn tại tất cả các ngành nghệ thuật nhưng lại chưa có các ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa của nó. Để có các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta cần hội tụ và kết nối đầy đủ 4 thành tố là tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Điều này có nghĩa là, để hình thành một ngành công nghiệp điện ảnh chẳng hạn, chúng ta phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp giữa thành phần sáng tạo điện ảnh là đạo diễn, biên kịch, diễn viên…, khai thác giá trị văn hóa của dân tộc, kết hợp với sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ năng kinh doanh là xây dựng thương hiệu cho bộ phim, đạo diễn, diễn viên, tổ chức sự kiện, phát triển khán giả…

Đó là sự kết hợp cần thiết để một bộ phim được sản xuất và ra thị trường trở thành một sản phẩm của công nghiệp điện ảnh.

PGS TS Bùi Hoài Sơn – ủy viên Thường vụ Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật Quốc gia

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Bức chân dung khuyết - Ảnh 4.

Ơ kìa Hà Nội – không gian sáng tạo do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sáng lập là điểm đến của các nhà sản xuất điện ảnh độc lập và cái nôi của nhiều dự án thử nghiệm được đánh giá cao. Nhà sáng lập cùng cộng sự chi trả chi phí duy trì không gian bằng nguồn tài trợ cho một số sự kiện và bằng cả nguồn thu từ bán cà phê và thực phẩm chế biến sẵn – Ảnh: Nguyễn Hoàng Điệp trong không gian Ơ kìa Hà Nội do chính cô sáng lập

Chủ thể của công nghiệp văn hóa là ai?

Quả thực, chúng ta đang tồn tại tất cả các ngành nghệ thuật nhưng lại chưa có các ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa. Thậm chí, chúng ta còn chưa xác định được chủ thể của công nghiệp văn hóa là ai?

Tổ chức nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, hay nghệ sĩ, người làm văn hóa? Đối tượng hướng tới của Chiến lược 2016 vẫn tập trung vào các bộ, ngành, các cơ quan văn hóa – nghệ thuật do các bộ, ngành trung ương và sở, ngành địa phương quản lý, và các văn nghệ sĩ, người làm văn hóa.

Và như vậy, phần lớn các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được phê duyệt năm 2016 không tác động trực tiếp đến các ngành công nghiệp văn hóa bởi ngoài những câu chữ chung chung như “khuyến khích các doanh nghiệp”, “thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường”, doanh nghiệp công nghiệp văn hóa cũng như thị trường công nghiệp văn hóa hầu như không được đề cập đến…

Thậm chí, việc đặt nhiệm vụ “nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng” còn thể hiện nhận thức sai lầm về công nghiệp văn hóa khi coi đây là một phần chiến lược kinh doanh và phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Sản xuất và kinh doanh cung cấp trải nghiệm, dịch vụ văn hóa – nghệ thuật là một ngành kinh tế sánh ngang các ngành công nghiệp khác như công nghiệp chế tạo máy, công nghiệp dệt may hay công nghiệp thực phẩm.

Các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tạo ra sản phẩm và nguồn doanh thu khi đáp ứng được những yêu cầu của thị trường. Và chính các doanh nghiệp này mới chính là chủ thể của ngành công nghiệp văn hóa.

Nói một cách cụ thể:

Khi nói đến công nghiệp là nói đến tổ chức một cách có hệ thống, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật nay trở thành sản phẩm, dịch vụ được bảo vệ bởi bản quyền, có thể được nhân rộng về quy mô, có sự phân chia lao động được chuyên môn hóa rõ ràng, được kinh doanh khai thác một cách có hệ thống.

Lúc đó có thể bắt đầu nói đến một nền công nghiệp văn hóa. Các đơn vị và cá nhân làm văn hóa, nghệ thuật cần được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, và hoạt động theo các quy luật vận hành của thị trường, ra các quyết định sáng tạo có tính đến các dữ liệu thu thập được từ công chúng mục tiêu là khách hàng mua và tiêu thụ sản phẩm văn hóa.

Ông Nguyễn Đình Thành – chuyên gia truyền thông và văn hóa

Các thiết chế văn hóa nghệ thuật được Nhà nước xây dựng để quản lý văn hóa có thể tác động đến hướng đi cũng như khả năng phát triển của công nghiệp văn hóa, có thể tác động đến thị trường công nghiệp văn hóa, nhưng không thể tạo nên ngành công nghiệp văn hóa nếu không có doanh nghiệp.

Và đã là doanh nghiệp tham gia thị trường, cơ chế xin cho để giải ngân ngân sách nhà nước cho các bộ phim điện ảnh không chiếu rạp, cho các chương trình nghệ thuật không bán vé, cho các tượng đài nghìn tỉ để đọ với nắng mưa… với họ không tồn tại.

Và đã là doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, việc đào tạo và tự đào tạo đội ngũ nhân sự để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế và theo đòi hỏi của thị trường là một bước bắt buộc của quy trình sáng tạo, là yếu tố “sống còn” để tồn tại trên trị trường công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Bức chân dung khuyết - Ảnh 6.

Một trong những hoạt động về bình đẳng giới mà Ơ kìa Hà Nội tổ chức

Trả lời câu hỏi “Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đang xây dựng có xác định phải xây dựng một nền công nghiệp văn hóa, bộ sẽ xây dựng thế nào?”.

Ngoài việc hoàn thiện chính sách pháp luật thì rất cần đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật mà hiện nay đang có nhiều khó khăn… Đòi hỏi bức thiết là phải nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực làm văn hóa văn nghệ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng

Cùng quan điểm với bộ trưởng, tháng 8-2019, ông Bùi Nguyên Hùng – cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và Thứ trưởng Lê Quang Tùng cùng nhấn mạnh một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai các đề án xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa là… tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm tại một số quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Dường như, nguồn nhân lực làm văn hóa văn nghệ hay đối tượng cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển trong câu trả lời của các lãnh đạo ngành, cũng như đối tượng được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ trong các giải pháp được nêu trong chiến lược là những chủ thể khác chứ không phải lực lượng doanh nghiệp đã và đang thực sự “tham chiến”, giành giật thị trường nội địa từ những đế chế công nghiệp văn hóa đến từ Hollywood, Trung Quốc, Hàn Quốc, càng không phải là những doanh nghiệp đã bắt đầu từng bước trên con đường đưa sản phẩm văn hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Họ – những doanh nghiệp này không có mặt với đúng vai trò và nhu cầu phát triển của mình trong bản Chiến lược năm 2016, cũng không có mặt trong 11 đề án, chương trình cần trình Thủ tướng Chính phủ và 11 đề án, chương trình do các bộ phê duyệt nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt mới đây trong quyết định 1909 ký ngày 12-11-2021.

Nhưng chính họ đã và đang dò dẫm những bước đầu tiên để xây lên con đường phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thành tựu công nghiệp văn hóa được tạo nên từ khối kinh tế tư nhân nhưng những chủ thể dám đầu tư vào công nghiệp văn hóa đang đối diện rất nhiều rủi ro.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn trong bài phỏng vấn năm 2018, khi ông là viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đã thẳng thắn nhìn nhận những thành tựu ghi nhận được trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa Việt Nam những năm gần đây chủ yếu đến từ nỗ lực của các cá nhân.

Nhưng những cá nhân dám đầu tư vào công nghiệp văn hóa đó phải đối diện với rất nhiều rủi ro:

“Ví dụ như dù chúng ta rất vui mừng với sự nở rộ của mô hình không gian sáng tạo thời gian gần đây, nhưng mặt trái là số lượng không gian sáng tạo biến mất cũng nhanh không kém so với số lượng mới ra đời.

Trong số 60 không gian sáng tạo được thống kê vào năm 2016, giờ gần như đã biến mất hết. 140 địa chỉ không gian sáng tạo được thống kê vào năm 2018 là hoàn toàn mới và đang đối diện nguy cơ biến mất trong vòng… một năm”.

TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG
TTO