Tiền điện tử sẽ sớm “phủ sóng”
Tiền điện tử sẽ sớm “phủ sóng”
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, đã có sự dịch chuyển khá lớn sang kênh thanh toán không dùng tiền mặt. Người dân vẫn có thể thanh toán hàng hoá, sử dụng, dịch vụ mà không cần gặp mặt. Đây là điều rất quan trọng.
Ông Phạm Tiến Dũng – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh hoạt động thanh toán thời gian qua. Ông Dũng nói:
– Cả người mua và người bán đã chủ động thay đổi, chuyển sang mua, bán và thanh toán online. Các đơn vị bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã chủ động kết nối hệ thống công nghệ thông tin với các ngân hàng, cho phép người sử dụng có thể lựa chọn hàng hóa và thanh toán. Điều này cho thấy người dùng đã tin tưởng khi sử dụng các dịch vụ thanh toán số.
* Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế và đời sống xã hội, nhưng hoạt động thanh toán cũng có sự thay đổi để thích nghi, nhất là thanh toán không tiền mặt. Ông đánh giá ra sao?
– Có thể nói hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng mạnh thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó, thanh toán trên mobile đã tăng 80% về mặt số lượng và gần 100% về mặt giá trị. Điều này cho thấy sự dịch chuyển rõ nét của người tiêu dùng từ việc sử dụng tiền mặt sang các kênh thanh toán điện tử, đặc biệt là trên mobile.
Quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng hình thành các hệ sinh thái thanh toán số, kết nối dịch vụ ngân hàng với các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa khác trong nền kinh tế. Nhờ đó, các hoạt động về thanh toán không bị gián đoạn trong bối cảnh người sử dụng bị cách ly, giãn cách do dịch COVID-19.
Cũng thời gian qua, NHNN đã giới thiệu kịp thời các phương thức giao dịch hoàn toàn trên kênh điện tử, đồng thời phối hợp Bộ TT&TT, Bộ Công an để hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm về Mobile Money.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, trong đó đề ra rất nhiều mục tiêu xử lý thanh toán không dùng tiền mặt cho tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế cũng như đề ra các giải pháp cơ bản để triển khai đề án này.
* Việc thí điểm dịch vụ Mobile Money đã được cho phép, nhưng dịch vụ này khi nào được triển khai trên thực tế?
– Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định liên quan đến Mobile Money, các doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ và gửi Bộ TT&TT, NHNN và Bộ Công an để xem xét thẩm định.
Đến nay NHNN đã nhận được ý kiến của Bộ Công an, Bộ TT&TT về chấp thuận thí điểm Mobile Money. Dự kiến trong tháng 11-2021, NHNN sẽ có quyết định cho các doanh nghiệp đã đáp ứng các quy định.
* Mobile Money sẽ có đóng góp ra sao đối với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt?
– Người sử dụng Mobile Money là những khách hàng sử dụng thuê bao viễn thông, với số lượng lên đến hàng chục triệu người. Khi sử dụng Mobile Money sẽ không bắt buộc phải có tài khoản thanh toán ở ngân hàng nên Mobile Money có độ phủ rất lớn, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa.
Hy vọng rằng sau khi dịch vụ Mobile Money được cấp phép, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ có số lượng người dùng thuê bao di động sử dụng để thanh toán các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
* Yêu cầu quan trọng để phát triển dịch vụ Mobile Money là gì, thưa ông?
– Theo tôi, các nhà mạng phải xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó cần phải có hỗ trợ, tư vấn để người tiêu dùng có thể kích hoạt được tài khoản Mobile Money và sử dụng tài khoản này thanh toán khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ.
Đặc biệt phải hình thành mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán, trong đó có chấp nhận thanh toán dịch vụ Mobile Money để người tiêu dùng có thể sử dụng tài khoản Mobile Money mọi lúc, mọi nơi để thanh toán mọi hàng hóa, dịch vụ.
* Cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc thí điểm Mobile Money sẽ khiến phát hành thêm tiền, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.
– Theo quyết định thí điểm Mobile Money, khi nạp 1 đồng vào tài khoản Mobile Money, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ này phải gửi 1 đồng tương ứng vào tài khoản đảm bảo tại các ngân hàng. Ví dụ một người nạp 10 triệu đồng vào tài khoản Mobile Money, công ty viễn thông phải nộp 10 triệu đồng đó vào tài khoản ngân hàng. Các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, giám sát việc này của các nhà mạng cung ứng dịch vụ Mobile Money.
Tôi xin nhấn mạnh dịch vụ Mobile Money là một trong những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, không phải là phát hành tiền mà bản chất là tiền điện tử.
* Để đạt các mục tiêu như Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 đề ra, theo ông cần phải tập trung vào những giải pháp gì?
– Trước hết cần tập trung xây dựng cơ sở pháp lý đảm bảo đầy đủ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. NHNN đang khẩn trương hoàn thiện nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt; nghị định đổi mới sáng tạo Sandbox để có thể thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong hoạt động fintech… Kèm theo đó là sửa các thông tư liên quan như về thẻ, về mở tài khoản thanh toán… để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, phải xây dựng hạ tầng thanh toán đảm bảo có thể xử lý được khối lượng và giá trị thanh toán lớn, kết nối với các đơn vị cung ứng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ khác trong nền kinh tế. Một giải pháp cũng cần lưu ý là khuyến khích các đơn vị bán hàng, cung ứng hàng hóa, dịch vụ sử dụng các dịch vụ điện tử để cung ứng cho khách hàng có thể mua được hàng hóa dịch vụ trên kênh điện tử cũng như có thể thanh toán được trên kênh điện tử.
Cuối cùng, chúng ta phải quan tâm đến khía cạnh an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thương mại điện tử nói riêng.
* Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả triển khai chương trình Ngày không tiền mặt đối với hoạt động thanh toán không tiền mặt sau ba năm được triển khai?
– Cá nhân tôi cho rằng truyền thông là giải pháp quan trọng để đưa dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đến người sử dụng.
Việc NHNN phối hợp báo Tuổi Trẻ thực hiện truyền thông một cách cặn kẽ về các dịch vụ thanh toán, cách thức sử dụng các dịch vụ thanh toán, thậm chí đến tận nơi như cửa hàng xăng, kiôt bán hàng để hướng dẫn thực hiện những hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… đã giúp nhiều người dùng biết và sử dụng dịch vụ.
Có thể nói nhờ hoạt động của báo Tuổi Trẻ cũng như nhiều báo đài khác, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có những bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua.
Hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt”
8h30 sáng nay 19-11 diễn ra hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt” do báo Tuổi Trẻ, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông, NHNN phối hợp tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hồng – thống đốc NHNN và ông Phạm Tiến Dũng – phó thống đốc NHNN – cùng lãnh đạo các ngân hàng, doanh nghiệp…
Hội thảo gồm hai phiên. Phiên 1 với chủ đề “Đại dịch đã thay đổi thói quen thanh toán như thế nào?”, nội dung thảo luận “Doanh nghiệp thay đổi như thế nào để thích ứng với thói quen tiêu dùng của người dân?”. Phiên 2 “Chuyển đổi số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”, nội dung thảo luận “Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế số và xã hội số”.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật trực tuyến sự kiện trên tuoitre.vn và phát livestream trên nền tảng YouTube của báo Tuổi Trẻ. Thông tin về toàn bộ các hoạt động chương trình có tại https://ngaykhongtienmat.tuoitre.vn.
“Ngày không tiền mặt” 16-6 do báo Tuổi Trẻ đề xuất và phối hợp với Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông, NHNN thực hiện, bắt đầu từ năm 2019.
A.Hồng
Cuối 2025: giá trị thanh toán không tiền mặt gấp 25 lần GDP
Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP.
Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Khoảng 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Tăng số điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.