Người nội trợ vẫn… ‘biếng’ đi chợ
Người nội trợ vẫn… ‘biếng’ đi chợ
Niềm vui được trở lại chợ mua bán chưa được bao lâu, tiểu thương tại chợ truyền thống phải đối diện với thực tế là chợ nay không còn hấp dẫn đối với người tiêu dùng.
Có một thói quen mua sắm đã và đang được hình thành sau thời gian dài giãn cách phòng chống Covid-19 tại TP.HCM, đó là các bà nội trợ nay không còn mặn mà với việc xách giỏ đi chợ vào mỗi buổi sáng. Họ thích mua trên mạng, dừng xe ở các cửa hàng “dã chiến” ven đường… Chợ tạm đang khiến các chợ truyền thống gặp khó ngày trở lại.
Các chợ truyền thống mở trở lại gần 2 tháng, song người mua không thèm vào chợ NG.NG |
Chợ tạm “ép” hợ truyền thống
Bà Thắm bán trứng gia cầm tại chợ Tân Hưng (Q.Tân Bình) kể, quầy của bà bán ngay lối vào chợ nhưng có ngày dọn từ sáng đến trưa bán chỉ được 30 quả trứng cút. Có hôm cuối tuần nhập về chỉ 200 quả trứng gà, hết ngày thứ bảy và chủ nhật bán được 2 vỉ trứng (20 quả). Bà nói: “Chợ ế thấy thương. Bao mối lái cũ nay không thấy, 10 người mua trứng thường xuyên khi đi chợ, nay quay lại mua chỉ 1 – 2 người. Nên hàng không dám lấy về nhiều, sợ cũ lại bán lỗ”.
Như dẫn chứng cho điều mới nói, bà Thắm đưa tay chỉ rổ trứng gà ta, nói tiếp: “Trong đợt giãn cách, loại này bán 40.000 đồng/chục, lúc đó hàng lấy giá 35.000 đồng/chục. Sau đó giảm 32.000 đồng/chục, bán 35.000 đồng/chục, rồi xuống 30.000 đồng/chục. Chợ mở mình dư hơn 500 trứng lấy lúc giá cao, bán không lãi giá 85.000 đồng/3 chục. Nay rao bán lỗ 75.000 đồng/3 chục cũng không có người mua”. Đổi lại, bà Thắm cho biết, con gái đưa hàng vào giới thiệu trong các nhóm bán hàng online, miễn phí giao hàng nên bán lai rai tạm được.
Tương tự, bà Xuân Thảo bán thịt trong chợ này cho biết, từ ngày 23.9, bà đặt bàn tạm trước tiệm rửa xe trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.Tân Bình), mỗi ngày hết 1 con heo. Sau ngày 1.10, chợ mở bà quay vào bán lại, thì ngồi cả buổi sáng bán chưa hết nửa con. Cuối cùng, bà quyết định quay ra thuê mặt bằng (khu vực lề đường) vài mét vuông trước một nhà nhỏ đặt bàn bán thịt heo. Khách tới, qua lớp khẩu trang và mặt nạ chống bắn, nhưng nghe giọng mời quen thuộc, cả người bán và mua chợt nhận ra người quen. Hỏi ra mới biết, bà Thảo đã không bám trụ trong chợ mãi được vì chợ mở nhưng không ai vào mua hàng. Bà nhận xét: “Người dân bỏ hẳn thói quen vào chợ một phần do lo ngại đi chợ bị nhiễm dịch, rồi ngại đo nhiệt độ, khai báo, trình thẻ xanh… rắc rối. Nay khách không có chuyện gửi xe vào chợ mua hàng nữa đâu nghen. Gặp đâu mua đó à”.
Người mua thay đổi thói quen mua sắm
Đúng như bà Thảo nói, sau khi bà đặt bàn bán thịt heo trên con đường này, nguyên dãy phố này hình thành khu chợ tạm bán đủ các món nhu yếu phẩm. Ngôi nhà mà bà Thảo đang thuê bán thịt heo ở trước bên trong là tiệm tạp hóa, có đủ mặt hàng từ gạo, nước mắm, gừng, hành tỏi, đến bông ngoáy tai, giấy vệ sinh và thậm chí sau nhà còn luôn có sẵn lồng nhốt vài ba con gà, con vịt sống. Khách mua, chủ quán có thể làm thịt gà, vịt luôn. Cách đó vài căn, tiệm giặt ủi trước đây nay thành điểm bán rau củ quả Đà Lạt, lên 2 căn là điểm bán gạo, đối diện thêm 1 bàn bán thịt heo ngay bên lề đường trước tiệm cà phê vườn. Khách sống trong khu vực này, nếu từng có thói quen đi chợ Tân Phước, Tân Hưng… nay chỉ cần chạy xe qua, dừng mua chưa đầy 5 phút đã có đủ đồ cần dùng. “Nay đi chợ khỏe lắm, bà ngoại trong nhà bỏ hẳn thói quen đi chợ mỗi ngày. Trong nhà giờ cần rau ghé sát nhà mua, cần thịt đi qua bên kia đường, cần gạo đi bộ tới 2 căn nữa…”, anh Thanh (ngụ trên đường Tô Hiến Thành, Q.10) nói.
Quả thật trước đây thói quen, mỗi ngày bà Hoa (77 tuổi, nhà ở đường Trần Quang Diệu, Q.3) đều đi chợ Nguyễn Văn Trỗi để mua thức ăn. Với bà Hoa, đi chợ thành niềm vui, cho dù chỉ ra chợ mua 1 bó rau hay 2 miếng đậu khuôn. Nay gặp lại, hỏi bà chợ Nguyễn Văn Trỗi mở rồi, bà vui không. Bà có đi chợ không? Bà đáp gọn lỏn: “Quan trọng là có tiền mà mua thôi, chứ nay đâu cần vào chợ mới mua được hàng. Ngay trong hẻm này có chỗ bán đủ thứ từ hàng khô đến hàng tươi, miễn có tiền thôi. Dịch giã, con cái thất nghiệp, tiền bạc không có, ăn chi nhiều…”.
Chị Trương Ngọc Ánh, nhân viên ngân hàng TMCP tại Q.5, trước hay ghé chợ thực phẩm trên địa bàn quận để mua rau thịt cá sau giờ tan tầm, trên đường đi làm về. Chị Ánh kể, khi ở nhà giãn cách 4 tháng, lắm khi nhớ chợ, nhớ vanh vách từng thau cá, rổ rau. Cứ mong thành phố mở cửa để đi chợ cho đã. Thế nhưng, hơn 2 tháng chợ thực phẩm này được mở bán lại, chị chưa một lần “bén” gót đến chợ. “Em không còn thói quen gửi xe vào chợ nữa, không biết sau này thế nào chứ đến nay thấy chưa có nhu cầu”, Ánh nói.
Quan sát tại một số siêu thị BigC, LotteMart, Co.opMart… vào một ngày giữa tuần, lượng người vào siêu thị chỉ khoảng 30% so với ngày thường. Đại diện chuỗi siêu thị của nhà đầu tư đến từ Thái Lan cho biết, vào 2 ngày cuối tuần, lượng khách đi siêu thị đông hơn, tuy nhiên, mãi lực còn lâu mới trở lại bình thường được. Nhiều người đang mong chờ thị trường nóng trước dịp Tết âm lịch.
Không chỉ với chợ thực phẩm, các chợ chuyên kinh doanh hàng thời trang may mặc, giày dép… cũng chịu cảnh đìu hiu không kém vì… khách không đến chợ. Bà Thái Vân (chợ An Đông, Q.5) cho biết khi chợ chưa mở lại, sốt ruột hỏi thăm nghe ngóng ngày đêm. Nhưng nay mở lại hơn 2 tháng, khách đến chợ hằng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khách tỉnh vẫn chưa lên được vì quy định người vào chợ phải tiêm đủ 2 mũi, mà ở tỉnh lên đa số mới được một mũi, nên có lên họ tìm đến mấy mối đang bỏ hàng tại nhà bán, hoặc mua ngay ở các tuyến đường cho thuê bán ngoài khu vực quanh chợ Tân Bình, chợ Bình Tây, An Đông…
Chợ đầu mối cũng ế
Riêng với 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức, đến nay, cũng chỉ có 2 chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn hoạt động trở lại, còn chợ Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa. Tại 3 chợ này, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường chưa tới 3.000 tấn mỗi đêm, trong khi trước đây là trên chục ngàn tấn. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, nói các khu vực tập kết bán rau củ quả và thịt bên ngoài chợ, thậm chí trước mặt chợ khiến người mua không thèm vào chợ đầu mối vẫn mua được hàng mang về bán.
Tương tự, ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc Công ty quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết chợ đầu mối Thủ Đức vẫn duy trì phương thức là trạm tập kết và trung chuyển hàng hóa, chủ yếu hàng trái cây, từ 100 – 150 tấn về điểm tập kết mỗi đêm. “Do tình hình dịch vẫn còn quá phức tạp nên chúng tôi cũng đã làm việc với TP.Thủ Đức và Sở Công thương, giải pháp đến hết năm vẫn tiếp tục duy trì mô hình tập kết và trung chuyển, chưa mở lại chợ”, ông Bình nói. Hiện chỉ có khoảng 12 – 13 thương nhân tham gia đưa hàng vào khu tập kết trong khi thực tế ngày thường chưa bùng phát dịch, phải lên đến 1.000 thương nhân với lượng người lao động, người vào mua sắm tại chợ đầu mối này lên đến 10.000 lượt người/ngày đêm. Ông Bình nói tiếp: “Mãi lực tại chợ đầu mối nói chung còn thấp nhưng đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Nhu cầu nay giảm nhiều, chẳng hạn, trước chợ về 3.000 – 3.500 tấn trái cây, rau củ mỗi đêm, nay con số 100 – 150 tấn như muốn bỏ bể, nhưng nhiều khi thương nhân đưa hàng về bán không hết do nay có quá nhiều kênh bán hàng, chợ tự phát… nên ngay người đi mua sỉ về bán lại cũng không thèm đến chợ đầu mối cũng có hàng”.
NGUYÊN NGA
TNO