Hợp tác vì tương lai tươi sáng hơn cho Biển Đông
Hợp tác vì tương lai tươi sáng hơn cho Biển Đông
Các chuyên gia cho rằng những giải pháp hướng đến sự hợp tác, chia sẻ thực chất sẽ giúp tạo ra một tương lai tươi sáng hơn ở Biển Đông.
Cần sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN
“Việc lấy ASEAN làm trung tâm không chỉ là triết lý chung chung mà còn là thực tế. Tuy nhiên, vấn đề khai thác tài nguyên, việc kết nối các tuyến đường biển đang ngăn chặn ASEAN đạt được sự đồng thuận”, ông Sujan Chinoy, Giám đốc Viện Nghiên cứu – Phân tích quốc phòng Manohar Parrikar (New Delhi, Ấn Độ) nói tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, ngày 19.11.
Ông Sujan Chinoy cho rằng, ASEAN cần tăng cường sự nhất trí để hỗ trợ giải quyết tranh chấp cũng như xây dựng tiếng nói chung. Đây cũng là ý kiến được nhiều học giả đồng tình tại phiên thảo luận “ASEAN và Bộ Tứ (QUAD) trong cấu trúc khu vực” – một trong 8 nội dung thảo luận của hội thảo năm nay.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra trong 2 ngày 18 – 19.11 BỘ NGOẠI GIAO |
Theo chuyên gia Rizal Sukma, thành viên cấp cao của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) ở Jakarta, Indonesia, những thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt lớn hơn trước đây gồm sự cạnh tranh giữa các nước lớn, trật tự thế giới mới nổi… “Để giải quyết, cần tới sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN”, ông nói và cho rằng, cần phải có những hành động thực tế, như tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển, tăng cường hợp tác ASEAN về giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. “ASEAN không thể chỉ dựa vào các quy tắc hay học thuyết, mà cần những hành động cụ thể hơn”, ông nhấn mạnh.
Về mối quan hệ giữa ASEAN và QUAD, Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Úc) đánh giá những lợi ích và mối quan tâm chung có thể là nền tảng cho sự hợp tác. Trong khi đó, ông Sujan Chinoy cho rằng, sự quan tâm của QUAD hiện nay đối với khu vực mang đến cơ hội cho ASEAN phối hợp giải quyết nhiều vấn đề, như việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Giám đốc Viện Nghiên cứu – Phân tích quốc phòng Manohar Parrikar nhấn mạnh bối cảnh các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc gây gia tăng căng thẳng, Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là khuôn khổ pháp lý duy nhất để giải quyết các tranh chấp. Dù vậy, việc phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 không được Trung Quốc thực thi cho thấy UNCLOS cần được xây dựng mang tính bao trùm hơn và có những quy định yêu cầu các quốc gia phải tuân thủ.
Quan ngại về hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc
Trong phiên thảo luận “Thúc đẩy ngoại giao khoa học vì lợi ích chung của đại dương”, TS Sophie Boisseau du Rocher, Trung tâm nghiên cứu châu Á, thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, cho biết các quan sát của bà cho thấy Trung Quốc là quốc gia có nhiều hoạt động khảo sát, nghiên cứu nhất trên Biển Đông. Hiện Trung Quốc có hơn 200 cơ quan khác nhau đang hoạt động nghiên cứu liên quan Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc gần như rất ít chia sẻ các kết quả nghiên cứu. Dẫn chứng vào năm 2014, Trung Quốc công bố một dự án nghiên cứu với kinh phí lên tới 200 triệu USD, cùng sự tham gia của hơn 1.000 nhà khoa học và gần đây nhất là 4 con tàu nghiên cứu có trọng tải lên tới 1.000 tấn với các phòng thí nghiệm hiện đại thường xuyên hoạt động ở Biển Đông…
“Tiến bộ về công nghệ, tiềm năng tài chính, nhân lực, đội tàu khiến các nước ASEAN tụt hậu rất nhiều và gần như bị đặt ra ngoài lề”, TS Sophie nói và cho rằng, Trung Quốc đang “độc quyền”, “đơn phương” nghiên cứu Biển Đông, khi các quốc gia ASEAN rất thiếu cơ chế bình đẳng, hợp tác song phương với Trung Quốc còn Trung Quốc chưa tham gia đề xuất nghiên cứu khoa học nào của các quốc gia ASEAN hay khối này. TS Sophie cũng chỉ ra rằng nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học của Trung Quốc nằm ngoài mục tiêu khoa học, thực chất là mục tiêu chính trị, triển khai các lực lượng quân sự, đi ngược lại mục tiêu hòa bình, ổn định. Bà Sophie cho rằng sự thiếu hụt hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kết quả nghiên cứu sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng, dài hạn cho khu vực Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương thuộc Sáng kiến Đại sự ký Biển Đông dẫn chứng các dữ liệu của công nghệ giám sát khẳng định việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động tàu nghiên cứu thực chất là nhằm mục tiêu kiểm soát vùng biển tranh chấp, khẳng định chủ quyền, vừa là dân sự vừa là quân sự, vừa khảo sát tài nguyên nhưng kết nối cả hệ thống giám sát dưới nước. “Đây là hoạt động sẽ tiếp tục được Trung Quốc gia tăng trong tương lai, gây quan ngại với các bên liên quan”, ông Phương nhận định và đề nghị cần phải sử dụng công nghệ vào mục đích hòa bình, nâng cao tính minh bạch, thông qua hệ thống thông tin đầy đủ, có kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau.
LÊ HIỆP – ĐẬU TIẾN ĐẠT
TNO