Bình ổn giá xăng dầu để hàng hoá hạ nhiệt
Bình ổn giá xăng dầu để hàng hóa hạ nhiệt
Giá xăng dầu liên tục gia tăng khiến nguy cơ đẩy giá hàng hóa lên theo là điều khiến nhiều người dân lo lắng.
Đề xuất bình ổn giá xăng dầu
Trao đổi với Thanh Niên chiều 19.11, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết cơ quan này đang bàn thảo một số giải pháp để đảm bảo bình ổn giá hàng hóa từ nay đến cuối năm. Trong đó sẽ có kiến nghị với Bộ Công thương sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để ổn định hoặc giảm giá sản phẩm này từ nay đến cuối năm.
Nhìn chung giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tươi sống tại các siêu thị vẫn ổn định nhưng một số mặt hàng như xăng dầu, gas đã tăng giá. Giá xăng dầu trong nước tăng theo biến động trên toàn thế giới và đó là một trong những yếu tố sẽ làm giá hàng hóa tăng theo. Việc cân nhắc, sử dụng quỹ bình ổn giá như thế nào sẽ do liên bộ Công thương – Tài chính quyết định nhưng đơn vị này cho rằng giá năng lượng là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất nên cần phải được ổn định, nhất là trong thời điểm cuối năm. Song song với việc các doanh nghiệp đã bắt đầu tổ chức sản xuất trở lại, hàng hóa sẽ được cung cấp đầy đủ ra thị trường, góp phần hạ nhiệt và từ đó kéo theo sự ổn định về giá cả.
Giá xăng dầu tăng mạnh từ đầu năm đến nay KHẢ HOÀ |
Thế nhưng, điều này không đơn giản. Thông tin công bố từ Bộ Tài chính ngày 18.11 cho thấy số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến quý 3/2021 là 824,08 tỉ đồng. Trong đó, quý 3/2021 (từ ngày 1.7 đến hết 30.9), tổng số trích quỹ xăng dầu là 502,28 tỉ đồng nhưng tổng số chi sử dụng từ quỹ để bình ổn giá xăng dầu bán lẻ lên tới 802,9 tỉ đồng. Số lãi phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá trong thời gian trên là 1,84 tỉ đồng.
So với đầu năm, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu giảm mạnh hơn 8.410 tỉ đồng (tại thời điểm ngày 31.12.2020, tổng số dư quỹ là 9.234,614 tỉ đồng). Theo liên bộ Công thương – Tài chính, sở dĩ quỹ bình ổn giá mặt hàng này liên tục giảm mạnh kể từ đầu năm 2021 đến nay vì liên tục tăng chi mạnh để bình ổn giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu bình quân thế giới tăng 59 – 76% và liên bộ đã sử dụng quỹ giá xăng dầu để hạn chế mức trong nước, vì vậy giá sản phẩm này trong nước tăng thấp hơn từ 40,23% đến gần 53%…
Mới đây nhất, ngày 10.11, cơ quan quản lý quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu hỏa ở mức 150 đồng/lít, dầu mazút ở mức 500 đồng/kg và không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng, dầu hỏa, dầu diesel. Cùng với đó, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 800 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 8 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 44 đồng/lít. Riêng dầu mazút không chi.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như trên, giá bán lẻ xăng E5RON92 tăng 559 đồng/lít lên 23.669 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 658 đồng/lít, giá bán ra lên 24.996 đồng/lít…
Sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu linh hoạt
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng giá xăng dầu trên thế giới từ đầu năm đến nay tăng quá cao. Thậm chí theo dự báo của Bank of America, trong năm 2022 giá dầu thô có thể tăng lên tới 120 – 140 USD/thùng, cao hơn rất nhiều so với giá hiện nay. Trong những ngày gần đây, giá dầu thế giới đã hạ nhiệt từ mức cao xuống dưới 80 USD/thùng. Vì vậy, có thể trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu sắp tới, cơ quan quản lý có thể không giảm giá bán lẻ trong nước để trích lập gia tăng vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì số dư còn rất ít. Ngược lại, nếu giá dầu thô tăng vọt thì cần mạnh tay sử dụng tiền từ quỹ để giá trong nước chỉ tăng nhẹ. Trong thực tế, cơ quan quản lý nhà nước vẫn chấp nhận có thời điểm số dư của quỹ bị âm và sau đó sẽ chờ cơ hội để trích lập bù lại.
“Nếu không có Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì Việt Nam chưa có công cụ nào để góp phần điều tiết giá mặt hàng này. Trong khi đó, giá xăng dầu vẫn được nhiều tổ chức lớn trên thế giới dự báo còn biến động mạnh từ nay đến năm sau. Ngay cả như Mỹ dù không có Quỹ bình ổn giá xăng dầu như Việt Nam thì họ có quỹ bình ổn dưới dạng các kho dự trữ dầu. Nếu giá xăng dầu lên quá cao thì có thể những nước có lượng dầu dự trữ lớn sẽ xuất ra để tăng nguồn cung, góp phần bình ổn giá sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng là một cơ chế giám sát đơn vị nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam để tránh việc đầu cơ”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng Quỹ bình ổn giá là công cụ cần thiết để nhà nước quản lý giá cả xăng dầu vì đây vẫn được xem là mặt hàng chiến lược. Về bản chất, quỹ này xem như là tiết kiệm hôm nay để chi tiêu trong ngày mai và đảm bảo giá hàng hóa không tăng sốc, giúp các doanh nghiệp có thể ổn định được sản xuất trong 10 – 15 ngày mà không phải “điên đầu” vì phải tính toán thay đổi hằng ngày. Nhưng theo ông, từ nay đến cuối năm, giá dầu thô thế giới có thể cũng chỉ dao động ở mức hơn 80 USD/thùng hoặc cao nhất là 90 USD/thùng vì các quốc gia xuất khẩu hàng đầu sản phẩm này cũng sẽ không để giá tăng quá cao. Nếu giá dầu vượt lên trên 100 USD/thùng thì sản xuất đình trệ, các quốc gia sẽ nghiên cứu sử dụng nhiều sản phẩm khác thay thế cho dầu mỏ, từ đó lượng tiêu thụ sẽ bị giảm mạnh và cũng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của chính các nước sản xuất dầu thô. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể điều hành linh hoạt để giá bán lẻ trong nước bình ổn. Có thể không trích lập vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm giá bán hoặc mạnh tay chi tiền từ quỹ để giữ giá ổn định khi thế giới tăng…
Góp phần ổn định giá hàng hóa cuối năm
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại, việc giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng khác trong thời gian tới. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sức mua còn yếu, việc tăng giá này sẽ khiến quá trình hồi phục kinh tế chậm lại. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay là nhanh chóng kìm hãm đà tăng của giá xăng để ngăn chặn những biến động tiêu cực của thị trường.
Việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn cần tiếp tục. Đồng thời, để giúp kéo giảm hoặc không làm tăng giá sản phẩm này là xem xét và giảm các mức thuế liên quan. Trong 4 loại thuế gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu thì có thể giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây cũng là giải pháp trong dài hạn để kìm đà tăng của giá xăng dầu.
Thực hiện tốt việc quản lý để tránh kiểu “tát nước theo mưa”
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giá xăng dầu tăng thì sẽ kéo theo hàng loạt mặt hàng khác lên giá như tác động trực tiếp đến khách hàng mua lẻ và các ngành vận tải, còn tác động gián tiếp là giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác. Nguyên nhân, do các ngành sản xuất và tiêu dùng đều cần đến nhiên liệu để vận hành máy móc, thiết bị và thông qua các khâu vận chuyển, nếu giá xăng tăng sẽ khiến giá chi phí nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm.
Cùng với việc sử dụng Quỹ bình ổn giá linh hoạt, ông cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện tốt việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại… để không tác động quá lớn đến hàng hóa hay theo kiểu “tát nước theo mưa” khi có biến động lớn. Ví dụ, chi phí vận chuyển thường chỉ chiếm khoảng 3 – 4% giá hàng hóa. Nếu trường hợp giá xăng dầu tăng cao thì cũng chỉ tác động gián tiếp làm tăng từ 1 – 1,5% giá thành hàng hóa. Nếu sản phẩm nào tăng mạnh lên 10% và giải thích nguyên nhân do giá xăng dầu là bất hợp lý. Khi đó cần có sự kiểm soát, kiểm tra và ngăn chặn các hoạt động tăng giá vô lý của doanh nghiệp hoặc có thể thông tin cho người tiêu dùng hiểu rõ để không bị người bán “lập lờ”.
MAI PHƯƠNG
TNO