25/12/2024

Phản đối Đài Loan đưa tàu ngầm đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Phản đối Đài Loan đưa tàu ngầm đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, việc Đài Loan triển khai tàu ngầm tập trận tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam” và yêu cầu không được tái diễn.

 

Phản đối Đài Loan đưa tàu ngầm đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh 1.

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Ảnh: CSIS/AMTI

Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 18-11, bà Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để chứng minh chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Ngoại giao nêu rõ hành động của Đài Loan “đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

“Yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Theo truyền thông quốc tế, vùng lãnh thổ Đài Loan đã triển khai một trong hai tàu ngầm tối tân nhất có trong biên chế đến tập trận gần đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hiện chưa rõ thời gian diễn ra cuộc tập trận. Thông tin triển khai tàu ngầm đến Ba Bình được chính Đài Loan đưa ra trong một báo cáo của Cơ quan phòng vệ Đài Loan công bố ngày 9-11.

Đảo Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa và bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1956 đến nay.

Cũng liên quan Biển Đông, đại diện Bộ Ngoại giao đã trả lời khi được đề nghị bình luận về thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu tiếp tế Philippines đến bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa.

Theo thông tin trên báo South China Morning Post, tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng xịt vào tàu tiếp tế của Philippines hôm 16-11. Không ai bị thương sau sự việc nhưng tàu Philippines phải hủy nhiệm vụ và trở lại đất liền.

“Lập trường của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vấn đề Biển Đông nói chung là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần vào trật tự pháp lý trên biển”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.

BẢO DUY
TTO