26/12/2024

Kế hoạch lập lực lượng vũ trang chung của EU

Kế hoạch lập lực lượng vũ trang chung của EU

Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận kế hoạch thành lập lực lượng chung, hành động độc lập với Mỹ và sẵn sàng được điều động đến các điểm nóng của khu vực vào năm 2025.

 

 

 

Từ ngày 15 – 16.11 tại Brussels (Bỉ), các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng EU đã tiến hành thảo luận kế hoạch thành lập “lực lượng phản ứng nhanh” của khối trong 4 năm nữa, theo Reuters. Trước đó, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Josep Borrell đã đề xuất dự thảo có tên La bàn chiến lược. Đây có thể được xem là tài liệu trình bày “học thuyết quân sự” của EU, tương tự tài liệu Khái niệm chiến lược của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn quy định lộ trình hành động chung của liên minh quân sự này.

Kế hoạch lập lực lượng vũ trang chung của EU - ảnh 1
EU đang thảo luận về chính sách quân sự chung của khối trước các mối đe dọa mới nhất EUROPA.EU

Sáng kiến quân đội chung

Một trụ cột quan trọng trong La bàn chiến lược là đề án thành lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 5.000 lính, cấu thành 3 mũi nhọn chủ lực là bộ binh, hải quân và không quân. Thành phần quân nhân được chọn lọc từ quân đội thường trực của 27 quốc gia thành viên, với nhân sự thay đổi tùy theo nhu cầu ngăn chặn và giải quyết khủng hoảng trong những giai đoạn và điểm nóng cụ thể. Nội dung họp bàn của các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng EU nhằm xử lý các bất đồng trước khi đệ trình bản dự thảo cuối cùng vào tháng 3.2022, theo trang Euractiv.

Cách đây hai thập niên, các lãnh đạo EU lần đầu tiên nhất trí thành lập quân đội chung gồm 50.000 – 60.000 lính, nhưng cuối cùng vẫn không thể triển khai. Vì thế, dự thảo chiến lược của Cao ủy Josep Borrell đánh dấu nỗ lực rõ ràng nhất để tiến tới xây dựng lực lượng vũ trang chung và hoạt động độc lập với Mỹ. “EU cần trang bị năng lực phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ và linh hoạt hơn nếu muốn đáp ứng đầy đủ yêu cầu giải quyết khủng hoảng quân sự”, dự thảo nhấn mạnh.

Nỗ lực độc lập với Mỹ

Theo dự thảo, không nhất thiết toàn bộ 27 quốc gia thành viên phải góp quân vào lực lượng chung, nhưng bất kỳ việc điều động nào cũng cần đạt được nhất trí của tất cả các bên. Bên cạnh đó, ông Borrell yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết “cung cấp các khí tài liên quan và những nền tảng hỗ trợ chiến lược cần thiết”. Điều này có nghĩa là khối phải xây dựng năng lực hậu cần, vận tải hàng không tầm xa và thiết lập các đầu não chỉ huy vận hành chiến dịch. Đến nay, Mỹ vẫn cung cấp và đáp ứng các yêu cầu trên cho đồng minh châu Âu và khối NATO, theo Đài Euronews.

Nhu cầu thành lập lực lượng phản ứng nhanh của EU đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết sau một loạt diễn biến quân sự và an ninh trong thời gian qua. Hồi tháng 8, cuộc khủng hoảng bùng nổ tại Afghanistan, nhưng các nhà ngoại giao EU cho hay họ không được thông tin đầy đủ về kế hoạch rút quân của Mỹ. Vào thời điểm đó, khoảng 7.000 lính thuộc NATO bị đẩy vào tình trạng bị động và buộc phải rút quân theo Mỹ. Căng thẳng hiện xảy ra tại biên giới Belarus – Ba Lan cũng đòi hỏi EU phải thành lập lực lượng chung để ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo đang chực chờ bùng nổ.

Hướng tiếp cận mới

Từ năm 2007, EU thành lập tổng cộng 4 nhóm tác chiến đa quốc gia. Tuy nhiên, đến nay các lực lượng này vẫn chưa được triển khai trên thực tế. Vì vậy, với sáng kiến lực lượng phản ứng nhanh, ông Josep Borrell đề nghị áp dụng cách tiếp cận theo từng đơn vị nhỏ, số lượng tùy vào từng chiến dịch cụ thể, chứ không áp đặt quy chế như một lực lượng vũ trang thường trực.

 

THUỴ MIÊN

TNO