28/12/2024

Có dẹp được xăng dầu giả?

Có dẹp được xăng dầu giả?

Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành kỳ vọng sẽ giúp thị trường xăng dầu lành mạnh hơn, hạn chế nạn xăng giả, kém chất lượng và có lợi cho người tiêu dùng.

 

Có dẹp được xăng dầu giả? - Ảnh 1.

Theo nghị định 95, giá xăng dầu sẽ được rút ngắn thời gian điều chỉnh – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông BÙI NGỌC BẢO – chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết. Theo ông Bảo, có nhiều yếu tố, trong đó có cơ chế dẫn đến xăng dầu lậu, kém chất lượng trà trộn vào thị trường với quy mô lớn như thời gian qua.

buingocbao 1(read-only)

Ông Bùi Ngọc Bảo

* Theo ông, vì sao nạn xăng giả lại hoành hành ở quy mô khủng như vậy?

– Hiện tại cơ cấu thuế trong giá xăng dầu quá cao, kích thích lòng tham, một số doanh nghiệp đã pha chế xăng giả để hưởng lợi. Rồi họ đưa ra mức chiết khấu cao hấp dẫn các đại lý, nhà phân phối và những nơi này thích bán hàng giả vì có lợi hơn.

Trong khi đó, đầu ra – khâu bán lẻ – chưa được quản lý chặt chẽ, không thể xác định chính xác lượng xăng dầu bán ra của đại lý, từ đó đại lý bán hàng giả lẫn với hàng thật, người tiêu dùng thiệt.

* Vậy có phần do cơ chế, chẳng hạn như chiết khấu, mức quá thấp nên đại lý chọn xăng dầu giả có chiết khấu cao hơn?

– Xét về cơ chế quản lý, chúng ta chưa tạo ra được môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, cạnh tranh lành mạnh. Với mức chi phí định mức hiện nay là 1.050 đồng, rất khó để doanh nghiệp đảm bảo chi phí, đặc biệt là khi giá tăng, nên khó tránh được gian lận.

Tuy nhiên, với nghị định 95, tôi kỳ vọng sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn không chỉ ở việc thay đổi công thức giá, mà việc bổ sung thêm các quy định về nguyên tắc quản lý, cách thức báo cáo, quản lý thị trường.

Ngoài ra mới đây, Luật về hóa đơn điện tử ra đời, yêu cầu từng cửa hàng và hóa đơn điện tử kết nối cơ quan thuế. Đây là cách quản lý hữu hiệu đến từng lít xăng dầu bán ra. Khi quản lý được đầu vào – đầu ra, sẽ triệt tiêu hàng lậu một cách cơ bản.

Có dẹp được xăng dầu giả? - Ảnh 4.

Lực lượng cảnh sát cơ động Công an Đồng Nai phong tỏa cửa hàng xăng dầu tại quận Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp ngày 25-3) – Ảnh: NHẬT THỊNH

* Nói nghị định 95 sẽ giúp thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh hơn, nhưng quan trọng là cạnh tranh đó có lợi cho người tiêu dùng, bởi thực tế, chưa thấy doanh nghiệp nào bán thấp hơn “giá cơ sở” do Nhà nước công bố?

– Đúng vậy. Xăng dầu là loại hình kinh doanh bình ổn giá, vận hành thị trường trên nền tảng giá cơ sở. Nhà nước vẫn đưa ra mức giá cơ sở (giá trần) và doanh nghiệp không được vượt qua mức giá đó song có thể giảm giá bán.

Tuy nhiên, do Nhà nước quản lý quá chặt chẽ đầu vào giá xăng dầu, từ thuế đến cơ cấu thu chi trong quỹ bình ổn… nên cơ cấu và công thức tính giá gần như không thay đổi. Vì thế, hầu hết doanh nghiệp đều đưa ra mức giá không thấp hơn giá trần, giá cơ sở được Nhà nước công bố gần như trở thành mức giá duy nhất trên thị trường.

Hiện nay, mức lãi gộp trong kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam quá thấp, chỉ 5-7%, không đủ cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, nếu doanh nghiệp có điều chỉnh giá so với giá cơ sở cũng chỉ mang tính hình thức, không đáng kể.

Tôi cho rằng cơ chế điều hành quá khó cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Như quy định trước đây, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu đã duy trì từ năm 2014 đến nay là 1.050 đồng/lít. Mức hoa hồng chỉ có 300 đồng/lít, trong khi chi phí lưu thông tối thiểu để duy trì cho hoạt động kinh doanh ít nhất phải từ 600 – 650 đồng/lít, chắc chắn doanh nghiệp lỗ rồi.

Theo tôi, mức lợi nhuận không đủ đã tạo ra “luật bất thành văn”, bất lợi cho người tiêu dùng: một là hàng giả chen vào, hai là đại lý bán theo đúng giá cơ sở do Nhà nước công bố, không hề có giảm giá để cạnh tranh. Muốn khắc phục tình trạng này, phải chữa cái gốc, đó là tăng chi phí định mức…

Có dẹp được xăng dầu giả? - Ảnh 5.

* Nhưng tăng chi phí định mức cũng làm tăng giá xăng dầu?

– Đúng là khi điều chỉnh, sẽ làm giá xăng dầu có thời điểm tăng lên. Nhưng nhìn lại quá trình điều hành để thấy có nhiều thời điểm khi giá giảm mạnh, thay vì vẫn duy trì mức thu quỹ bình ổn cao, nên dành một phần để tăng chi định mức.

Rồi năm 2024, theo lộ trình giảm thuế, thuế nhập khẩu sẽ về 0%, đó cũng là dư địa để “cởi trói” định mức chi phí cho doanh nghiệp. Nói chung, có chi phí tăng định mức, doanh nghiệp mới tính toán, khi nào khuyến mãi, lúc nào giảm giá bán mà không bị lỗ, thay vì chỉ bám và bán cho người tiêu dùng theo mức giá cơ sở do Nhà nước công bố.

Chi phí bị kiểm soát chặt đâu chỉ khiến doanh nghiệp “cứng” với người tiêu dùng mà còn “trói tay” họ trong việc thay đổi hình thức phục vụ. Chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp muốn bán xăng không thu tiền mặt.

Nhưng lấy đâu ra kinh phí để đầu tư hạ tầng kỹ thuật… Trong khi bán xăng dầu không thu tiền mặt giúp chống bán xăng lậu, xăng giả. Thực tế chỉ những doanh nghiệp lớn có khả năng bán xăng qua thẻ. Mỗi lần quẹt thẻ, phải chi 0,5-0,8%/doanh thu trả cho ngân hàng chi phí đầu tư hệ thống trong khi Nhà nước kiểm soát chặt chi phí định mức.

* Từ ngày 1-1-2022 nghị định 95 có hiệu lực sẽ dẫn đến những thay đổi gì trên thị trường xăng dầu?

– Từ năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh thêm mặt hàng đạt tiêu chuẩn Euro5. Như vậy, số lượng chủng loại xăng dầu sẽ nhiều hơn, cơ cấu sản phẩm mà doanh nghiệp được quyền định giá sẽ nhiều hơn khi quản lý nhà nước chỉ xác định giá cho một số chủng loại như E5RON92, RON95-3, dầu diesel 0.05S… còn lại do doanh nghiệp tự định giá.

Có thực tế là tuy nhu cầu loại xăng tiêu chuẩn Euro5 chưa phải là nhiều nhưng không phải doanh nghiệp xăng dầu nào cũng đáp ứng được nhu cầu và kinh doanh đa dạng các mặt hàng này.

Trong khi khách hàng sử dụng ôtô đời mới lại muốn dùng loại xăng đạt mức khí thải Euro5. Vì thế doanh nghiệp xăng dầu phải chuẩn bị, không để khách hàng không biết mua ở đâu, nên đành “tặc lưỡi” dùng loại tiêu chuẩn thấp hơn. Ngoài ra còn có việc quản lý thuế thông qua hóa đơn điện tử – yếu tố mới giúp kiểm soát đầu ra xăng dầu, tránh len lỏi xăng dầu giả…

Có dẹp được xăng dầu giả? - Ảnh 6.

Các mẫu vật chứng do công an thu giữ là nguyên liệu để các đối tượng pha trộn làm xăng giả – Ảnh: TRUNG TÂN

2 vụ xăng giả chấn động

– Vụ Trịnh Sướng và 38 bị cáo bị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả (xăng giả) ở 18 tỉnh thành. Các bị cáo đã mua dung môi, hóa chất tăng RON để pha trộn với hỗn hợp màu Azô và xăng nền tạo thành xăng giả; pha trộn dung môi với dầu DO tạo thành dầu DO giả.

Tổng số lượng hàng giả tương đương giá trị hàng thật hơn 3.835 tỉ đồng. Trịnh Sướng đã bán ra thị trường hơn 188 triệu lít xăng giả và hơn 15 triệu lít dầu DO giả, thu lợi bất chính nhiều tỉ đồng.

– Vụ bán ra thị trường 200 triệu lít xăng giả liên quan Công ty Hà Lộc, Công an Đồng Nai đang điều tra. Vụ này tinh vi và quy mô hơn: xăng dầu được mua lậu từ ngoài biển và tiêu thụ qua mạng lưới phân phối rộng khắp. Theo điều tra ban đầu, mỗi ngày đường dây này cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường.

Sắp bán xăng theo tiêu chuẩn khí thải Euro5

Theo lộ trình đã được Thủ tướng quyết định, từ ngày 1-1-2022, ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức Euro5. Bộ Giao thông vận tải cũng đã có thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 (Euro5).

Tuy nhiên đến nay trên thị trường, mới có Petrolimex chính thức bán dầu diesel tiêu chuẩn Euro5, chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu. Còn với xăng RON95, hiện các doanh nghiệp xăng dầu mới được bán theo tiêu chuẩn cao nhất là Euro4.

Các tiêu chí quy định trong tiêu chuẩn khí thải Euro5 nghiêm ngặt hơn so với tiêu chuẩn khí thải mức 2.

Cụ thể, tiêu chuẩn này thắt chặt các giới hạn về hạt phân tử động cơ diesel và yêu cầu các xe sử dụng máy dầu phải trang bị bộ lọc hạt để đáp ứng những yêu cầu mới. Euro5 cũng yêu cầu rất khắt khe về giới hạn số lượng, trọng lượng của các hạt thải. Đặc biệt, động cơ xăng cũng được áp dụng giới hạn khối lượng hạt bụi trong khí thải.

Sau 10 ngày có giá xăng dầu mới: phải quen dần

dieu chinh gia xang 1(read-only)

Tới đây giá xăng dầu sẽ biến động sau mỗi 10 ngày – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo nghị định 95, thay vì 15 ngày, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 10 ngày/lần. Như vậy, giá xăng dầu biến động nhiều hơn và sát hơn với diễn biến giá thế giới.

Nêu lý do phải giảm thời gian điều chỉnh giá, một lãnh đạo của Bộ Công thương cho hay thời gian vừa qua, có những lúc giá xăng dầu trên thị trường thế giới có biến động liên tục với biên độ lớn.

Trong khi đó giá trong nước không được điều chỉnh kịp thời do quy định chu kỳ điều chỉnh giá là 15 ngày, dẫn đến giá xăng trong nước chênh lớn với thế giới, doanh nghiệp càng bán hàng càng lỗ.

Vì vậy, việc rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu cho phù hợp với biến động giá thế giới. “Kỳ điều hành giá sẽ được xác định cụ thể vào 3 thời điểm trong tháng là ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hằng tháng để phù hợp với chu kỳ lấy giá trong tính chỉ số giá tiêu dùng CPI hằng tháng hiện nay, đồng thời thuận lợi hơn trong việc tổng hợp các dữ liệu tính giá từ báo cáo của các doanh nghiệp hằng quý, hằng tháng” – đại diện Bộ Công thương nói.

Từ góc độ doanh nghiệp phân phối, ông Nguyễn Văn Tiu – giám đốc Công ty xăng dầu Tự Lực 1 – cho rằng việc giảm thời gian điều hành giá từ 15 ngày còn 10 ngày sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đỡ căng thẳng hơn, đặc biệt trong bối cảnh giá hàng hóa tăng nhanh.

Bởi thực tế có những trường hợp khi giá đầu vào tăng nhanh nhưng chu kỳ điều hành kéo dài tới 15 ngày, giá bán không tăng tương ứng, khiến đại lý, cửa hàng bán lẻ có tư tưởng “găm hàng chờ tăng giá”.

“Nhiều trường hợp doanh nghiệp lỗ mà giá lâu không được điều chỉnh, khiến các đầu mối hạn chế bán ra, trông chờ giá lên. Vì vậy nếu thời gian điều chỉnh giá được rút ngắn chu kỳ, sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp” – ông Tiu nói.

Một lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho rằng việc điều chỉnh biên độ từ 15 ngày xuống 10 ngày để giá trong nước sát với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Báo cáo, theo dõi chặt để minh bạch hơn

Thực tế thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới tăng liên tục, cơ quan điều hành phải chi mạnh quỹ bình ổn để hạn chế đà tăng giá, khiến nhiều doanh nghiệp đầu mối khác bị âm quỹ bình ổn.

Do đó, cùng với việc rút ngắn thời gian điều hành giá, nghị định 95 quy định rõ hơn trường hợp quỹ bình ổn giá âm và doanh nghiệp được đi vay vốn ngân hàng hoặc sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp có tác dụng lớn khi thị trường có biến động sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế được những tác động và rủi ro của thị trường.

Cụ thể, tại nghị định 95 quy định rõ và chặt chẽ hơn cơ chế báo cáo, theo dõi, trách nhiệm công bố công khai số dư quỹ bình ổn giá; sửa đổi quy định về cách tính lãi suất tiền gửi đối với số tiền quỹ để tại các ngân hàng thương mại; cũng như quy định về nguồn tài chính trong trường hợp doanh nghiệp đang bị âm quỹ.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, việc sửa đổi những quy định trên để tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc thực hiện trích lập, sử dụng và quản lý số dư quỹ bình ổn xăng dầu.

NGỌC AN thực hiện
TTO