26/12/2024

Thấy gì từ thượng đỉnh Mỹ – Trung?

Thấy gì từ thượng đỉnh Mỹ – Trung?

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra đầu tuần tới, khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có những động thái cải thiện lặng lẽ gần đây.

 

Thấy gì từ thượng đỉnh Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh: AP

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tuần này, ông Tập tỏ ý không muốn đối đầu với Mỹ khi nói: “Khu vực châu Á – Thái Bình Dương không thể và không nên tái diễn sự đối đầu và chia rẽ của thời kỳ chiến tranh lạnh”.

Không dễ dàng

Trong tuần này, hai đặc phái viên khí hậu của Mỹ và Trung Quốc là John Kerry và Giải Chấn Hoa đã đưa ra tuyên bố chung hiếm hoi về hợp tác chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26 của Liên Hiệp Quốc tại Glasgow, Scotland.

Tuyên bố gây ngạc nhiên này được coi là cách Trung Quốc thể hiện “thiện chí” sau chỉ trích của ông Biden về sự vắng mặt của ông Tập tại COP26.

Tuy nhiên, để hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp trực tuyến như vậy không phải chuyện dễ dàng. Thời gian qua, hai bên thường xuyên đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi về Đài Loan, cùng với đó là mối lo của Washington về kho vũ khí hạt nhân đang mở rộng của Bắc Kinh.

Thực tế, kế hoạch cuộc họp giữa ông Biden và ông Tập chỉ được “chốt” sau cuộc gặp mặt kéo dài 6 giờ giữa Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì vào đầu tháng 10 tại Thụy Sĩ.

Đây là một bước tiến lớn so với cuộc gặp mặt trực tiếp rất căng thẳng hồi tháng 3 giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Jake Sullivan với Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị tại tiểu bang Alaska, Mỹ. Cuộc gặp đó không mang lại kết quả nào khi hai bên cáo buộc nhau có thái độ “kẻ cả” và thiếu hợp tác.

Cũng như thế, trong tháng 7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nêu ra hàng loạt yêu cầu khi tiếp đón người đồng cấp Mỹ là bà Wendy Sherman, trong đó yêu cầu Mỹ không nên kiềm tỏa sự phát triển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Jake Sullivan cho rằng chính quyền Mỹ hiện nay đã “bớt tập trung vào việc cố gắng làm chậm tốc độ của Trung Quốc mà chú trọng nhiều hơn vào việc cố gắng chạy nhanh hơn Trung Quốc”.

Cũng giống như thời tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Biden coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và đang triển khai các chính sách để cạnh tranh tốt hơn với Bắc Kinh.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố cuộc họp tới “không phải để tìm kiếm những cam kết cụ thể”, mà chỉ là “một phần trong những nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm quản lý sự cạnh tranh giữa hai quốc gia một cách có trách nhiệm”.

Ông Biden tiếp cận khác

Do kỳ vọng về cuộc họp chỉ ở mức thấp nên dự đoán sẽ không có đột phá nào với những bất đồng lớn đang tồn tại giữa hai nước như căng thẳng về Đài Loan, thương mại, an ninh mạng, khí hậu, nhân quyền, vấn đề Tân Cương và Hong Kong.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định hai nhà lãnh đạo có thể đưa ra các tuyên bố về thiết lập khuôn khổ đối thoại song phương để hạn chế xung đột và chuyển một số lĩnh vực từ đối đầu sang hợp tác. Hai bên hiểu rằng họ cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu không hợp tác để cùng đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch và phục hồi kinh tế.

Ông Tập Cận Bình sẽ bước vào hội đàm với tâm thế thoải mái sau khi nghị quyết lịch sử của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ông lên ngang hàng với các bậc tiền bối như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Điều này sẽ giúp ông Tập tăng thêm “vốn liếng chính trị” để theo đuổi một chính sách ngoại giao “quyết đoán” hơn với Mỹ trong tương lai.

Trong khi đó, khảo sát mới nhất của Gallup cho thấy uy tín trong nước của ông Biden khá thấp khi tỉ lệ ủng hộ chỉ còn 42% sau 9 tháng nhậm chức. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại với Trung Quốc của ông Biden được cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ. Do đó, chính quyền Biden vẫn sẽ không chệch khỏi chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc họp tới.

So với thời tiền nhiệm, chính sách của thời ông Biden giống về cách nhìn nhận Trung Quốc nhưng khác về cách tiếp cận. Washington hiện đang đầu tư nhiều hơn vào khả năng cạnh tranh của Mỹ, củng cố hệ thống liên minh và quan hệ đối tác mà thỏa thuận AUKUS gần đây là một ví dụ. Chính quyền ông Tập cũng hiểu ngoại giao chỉ là sự kéo dài của các biện pháp chính trị.

Hai cuộc điện đàm trước đây giữa ông Biden và ông Tập vào tháng 2 và tháng 9 vẫn không giúp quan hệ Mỹ – Trung tốt đẹp hơn. Do đó, cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới không phải tín hiệu cải thiện tích cực cho quan hệ song phương.

Hai nước đều coi các cuộc gặp chỉ là kênh duy trì liên lạc, thể hiện quan điểm, tránh gây hiểu lầm và tìm kiếm các cơ hội hợp tác nhỏ nhoi trong bối cảnh hai bên vẫn đang theo đuổi các chính sách ngược hướng nhau.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TTO