Châu Âu rơi vào tình cảnh phải tái phong toả
Châu Âu rơi vào tình cảnh phải tái phong toả
Châu Âu lại một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới, khiến chính phủ các nước phải xem xét tái phong toả hoặc siết chặt các biện pháp hạn chế.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 12.11 đưa 10/27 thành viên Liên minh Châu Âu (EU) vào danh sách các nước có tình hình dịch Covid-19 “rất đáng quan ngại”. Các nước này bao gồm Bỉ, Bulgaria, Croatia, CH Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan và Slovenia. Đức cùng 12 quốc gia EU khác nằm trong danh sách “đáng quan ngại”, theo AFP.
|
Người dân trên đường phố Eindhoven, Hà Lan ngày 12.11 AFP |
Càng thêm nghiêm trọng
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cùng ngày cho biết gần 2 triệu ca mắc Covid-19 được ghi nhận ở châu Âu vào tuần đầu tiên của tháng 11. Đây là con số cao nhất tại châu Âu từ khi đại dịch bắt đầu. Châu lục này cũng có gần 27.000 ca tử vong do Covid-19 trong tuần trước, chiếm hơn một nửa số người chết được báo cáo trên toàn cầu.
Trong bối cảnh nhiệt độ xuống thấp, khiến người dân ở trong không gian kín nhiều hơn, cùng mùa cúm đang đến gần, dịch bệnh ở châu Âu được dự báo sẽ càng thêm nghiêm trọng. ECDC cảnh báo số ca bệnh và trường hợp tử vong trong 2 tuần tới ở khu vực này sẽ tăng khoảng 50%.
Việc châu Âu lại một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới là điều đáng báo động vì đây là một trong những khu vực đầu tiên triển khai tiêm vắc xin Covid-19. Theo Reuters, khoảng 65% dân số của Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), bao gồm EU, Iceland, Liechtenstein và Na Uy, đã được chủng ngừa 2 mũi.
Tuy nhiên, ngay cả các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm mới. Dù số trường hợp tử vong giảm đáng kể so với các đỉnh dịch trước đó, số ca mắc Covid-19 mới hằng ngày ở nhiều nước như Đức, Hà Lan và Áo đang liên tục phá kỷ lục. Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết hiệu quả vắc xin giảm dần, tốc độ tiêm chủng chậm lại cùng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đã gây ra “mùa đông Covid-19”. “Bài học cho châu Âu là không được rời mắt khỏi tình hình”, theo nhà vi rút học Lawrence Young tại Trường Y Warwick ở Anh.
The Washington Post cũng dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros tuyên bố: “Chúng tôi đã liên tục nhấn mạnh rằng dù đã tiêm vắc xin, chúng ta không thể lơ là trước Covid-19. Vắc xin làm giảm nguy cơ nhập viện, bệnh nặng và tử vong, nhưng không ngăn vi rút lây lan hoàn toàn”.
Quay lại các biện pháp hạn chế
Tình hình nghiêm trọng khiến một loạt chính phủ châu Âu phải lập kế hoạch và tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo nước này quay lại phong tỏa một phần trong 3 tuần kể từ ngày 13.11 vì “vi rút đang có ở khắp nơi”. Theo đó, các nhà hàng và cửa hiệu phải đóng cửa sớm và khán giả bị cấm tham dự các sự kiện thể thao.
Tại Đức, quyền Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết nước này sẽ xét nghiệm Covid-19 miễn phí từ ngày 13.11. Quốc hội Đức cũng đang xem xét một dự luật cho phép nhà chức trách bắt buộc người dân đeo khẩu trang và giãn cách xã hội ở nơi công cộng cho đến tháng 3.2022.
WHO kêu gọi ngừng phân phối liều vắc xin tăng cường
The Hill đưa tin Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus kêu gọi các nước dừng ngay việc phân phối liều vắc xin tăng cường. Ông Tedros đã chỉ trích các quốc gia có tỷ lệ phủ vắc xin cao nhất về việc những nước này thu gom vắc xin và ưu tiên tiêm cho công dân của mình mũi thứ ba, thứ tư thay vì những đối tượng có nguy cơ cao ở nơi khác. Theo ông Tedros, số liều tăng cường được tiêm trên toàn cầu nhiều hơn 6 lần so với số mũi tiêm ban đầu ở các nước thu nhập thấp.
Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho biết chính phủ nước này ngày 14.11 sẽ quyết định về việc buộc những người không chủng ngừa phải ở nhà. Quốc hội Latvia ngày 12.11 quyết định cấm các nghị sĩ chưa tiêm chủng tham gia bỏ phiếu và thảo luận. Nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 4 tuần từ giữa tháng 10.
CH Czech, Slovakia và Nga cũng đã thắt chặt các hạn chế. Theo RT, Nga đang chuẩn bị đưa ra những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới. Người dân nước này sẽ phải quét mã QR để vào cửa hàng, quán ăn và các địa điểm công cộng cho đến giữa năm 2022 nếu luật mới được quốc hội thông qua. Trong khi đó, quy định buộc người lao động ở Đan Mạch phải có giấy thông hành Covid-19 cũng dự kiến có hiệu lực vào tuần tới.
ĐÔNG A
TNO