26/12/2024

Vàng ‘leo thang’ lên mức kỷ lục

Vàng ‘leo thang’ lên mức kỷ lục

Tăng liên tục, giá vàng đang ở mức cao nhất trong 15 tháng qua, vượt 60 triệu đồng mỗi lượng. Thế nhưng, một số dự báo cho rằng kim loại quý sẽ còn tiếp tục tăng khi lạm phát không được kiểm soát.

 

 

Tăng gần 4% trong tuần

Diễn biến giá vàng miếng SJC trên thị trường ngày 12.11 khá sôi động khi tăng thêm 750.000 đồng mỗi lượng. Eximbank đã liên tục thay đổi giá 25 lần trong ngày, đây là mức thay đổi nhiều nhất trong mấy tháng trở lại đây. Giá mua vàng của nhà băng này lên 60,25 triệu đồng/lượng và bán ra lên 60,75 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào lên 60,05 triệu đồng/lượng và bán ra 60,75 – 60,72 triệu đồng/lượng… Đây là mức giá cao nhất trong vòng 15 tháng trở lại đây của kim loại quý trong nước.

Vàng 'leo thang' lên mức kỷ lục - ảnh 1

Thận trọng khi mua vàng với mức giá “đắt” hơn thế giới gần 10 triệu đồng/lượng  NGỌC THẮNG

Đà tăng giá của kim loại quý vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi tốc độ tăng ngày càng nhanh trong tuần này, cộng thêm gần 2 triệu đồng/lượng, tương đương 3,6%. Mức tăng nhanh khiến vàng SJC đang đắt hơn vàng thế giới đến 9,85 triệu đồng/lượng. Phiên hôm qua, vàng trong nước tăng giá bất thường khi thế giới lại giảm 10 USD/ounce, xuống còn 1.852 USD/ounce.

Đại diện Công ty SJC cho biết tốc độ tăng giá của vàng trong nước đang nhanh hơn so với giá thế giới do giá kim loại nội địa đã thoát ly khỏi quốc tế, biến động dựa theo cung cầu trong nước là nhiều. Giá tăng khiến giao dịch thị trường tăng lên 10 – 20% so với tuần trước. Không như thời hoàng kim cách đây khoảng 10 năm, thị trường mỗi ngày giao dịch vài chục ngàn lượng thì nay chỉ cần vài trăm lượng, giá đã biến động tăng giảm khó lường. Nhu cầu mua vàng mấy ngày gần đây xuất hiện 5 – 10 lượng mỗi lệnh và liên tục đã làm cho giá vàng chạy nhanh hơn. Trong khi đó, cung ít vì không ai bán vàng ra dù mức giá mua đã tăng cao kỷ lục. Vị này cho rằng những người nắm giữ vàng hiện kỳ vọng giá còn có thể tăng nên không bán ra. Thực tế vào thời điểm giá vàng xoay quanh mức 57 – 58 triệu đồng/lượng, nhiều người mang vàng ra bán để lấy vốn chuyển qua các hình thức kinh doanh chứng khoán, bất động sản kiếm lời hơn. Thế nhưng, vàng đã bật tăng trở lại khiến họ tiếc hùi hụi.

Đại diện Eximbank giải thích khi giá vàng lên 60 triệu đồng/lượng, thị trường xuất hiện lực mua nhỏ lẻ vài lượng, nhưng nhiều người mua nên đơn vị này hỏi đơn vị kia, do đó giá cứ thế tăng lên. Ở mức giá cao và biến động bất thường như hiện nay, các đơn vị mua được vàng mới dám bán ra cho khách chứ không tích trữ sẵn như trước. Hỏi qua hỏi lại cũng đẩy cầu trên thị trường, góp phần làm giá vàng tăng.

Bị “kẹp” bởi lạm phát

Mức giá kỷ lục của vàng SJC ghi nhận vào tháng 8.2020 với giá bán ra trên 62 triệu đồng/lượng, nên những ai ôm vàng mức giá này nay đã có thể “về bờ”.

Chị Thanh Ngân (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết đang phân vân không biết có nên bán ra 3 lượng vàng mua với giá trên 60 triệu đồng/lượng hồi năm ngoái hay không. Bán ra thời điểm này thì huề vốn, chứ suốt hơn 1 năm qua, vàng liên tục giảm, có lúc lỗ gần 10 triệu đồng cho số vàng trên nên chị kiên quyết không bán. Chị Ngân tính toán bán ra gửi tiết kiệm ngân hàng còn có lãi hằng tháng chứ sợ giá vàng lại giảm nữa rồi hồi hộp.

Một số chuyên gia, tổ chức nước ngoài mới đây đưa ra dự báo vàng thế giới lên 2.000 – 4.000 USD/ounce, tương đương 55 – 115 triệu đồng/lượng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là mức giá “ảo”.

Nguyên nhân khiến kim loại quý tăng giá đột biến gần đây đến từ lạm phát Mỹ tăng cao. Trong ngắn hạn, lạm phát không thể kéo giảm xuống nhanh nên vàng sẽ được hưởng lợi từ điều này. Thế nhưng, chính vì lạm phát cao nên Mỹ cũng như các nước châu Âu có khả năng sẽ tăng lãi suất nội địa để kìm hãm. Khi lãi suất tăng, giá USD sẽ hưởng lợi tăng cao và gây sức ép làm cho vàng giảm giá. Những dự báo của các cá nhân, tổ chức thế giới lên 2.000 USD/ounce, thậm chí 4.000 – 5.000 USD/ounce chỉ để tham khảo bởi những yếu tố tác động đến giá khá nhiều.

Đại diện Eximbank

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho biết mức giá dự báo không hợp lý đến giữa năm sau. Kim loại quý tăng mạnh gần đây đến từ chỉ số lạm phát của Mỹ tăng cao 6,2%. Mức cản 1.900 USD/ounce đang là thách thức đối với vàng vào thời điểm cuối năm nay – đây là mức giá mà vàng đã 2 lần vượt kể từ đầu năm nhưng không duy trì được lâu. Lạm phát Mỹ tăng do thiếu hụt lao động và nguồn cung ứng. Sự thiếu hụt người lao động đã làm cho giá nhân công tăng cao. Trước đây, lao động phục vụ được trả công 14 USD/giờ thì nay hơn 17 USD/giờ. Thế nhưng, theo Chính phủ Mỹ, lạm phát chỉ là tạm thời tăng nên vàng khó có lực hỗ trợ mạnh tăng giá trong thời gian tới. Một yếu tố khác là để kiểm soát lạm phát, Mỹ và một số nước châu Âu dự báo tăng lãi suất, điều này sẽ thúc đẩy giá USD tăng. Ngoại trừ thời điểm khá hiếm như hiện nay USD và vàng cùng tăng giá thì trong thời điểm bình thường, USD tăng giá thì vàng sẽ giảm. Thêm vào đó, vàng bị kìm hãm bởi dòng vốn trên thị trường đổ nhiều vào chứng khoán, tiền kỹ thuật số.

Còn với VN, ông Trần Thanh Hải cho rằng với mức độ lạm phát hiện đang được kiểm soát tốt dưới 4% thì việc dòng vốn tìm đến trú ẩn vào vàng không nhiều. Tuy nhiên, những ai lo ngại có thể tìm đến mua vàng nhẫn, nữ trang 4 số 9 với mức giá hợp lý hơn. Cùng chất lượng với vàng miếng SJC nhưng vàng nhẫn, nữ trang có giá cao hơn thế giới chỉ 5% (dao động từ 52,6 – 53,4 triệu đồng/lượng) còn vàng miếng SJC đang đắt hơn đến 18%. Vàng miếng SJC hiện nay không phản ánh thật quan hệ cung cầu trên thị trường khi mức giá quá cao trong khi vàng nhẫn, nữ trang đang giao dịch tăng lên 20 – 30% so với trước đây. Vàng miếng SJC cao hơn thế giới gần 10 triệu đồng/lượng sẽ là rủi ro cho người mua vào thời điểm hiện nay.

 

THANH  XUÂN

TNO