Trung Quốc cho phép thử nghiệm tiêm tăng cường bằng vắc xin mRNA nội địa
Trung Quốc cho phép thử nghiệm tiêm tăng cường bằng vắc xin mRNA nội địa
Trung Quốc đã phê duyệt việc thử nghiệm vắc xin mRNA Covid-19 phát triển và sản xuất trong nước làm liều tiêm nhắc lại.
Vắc xin ARCoVax của Trung Quốc dùng công nghệ mRNA sẽ được thử nghiệm làm liều tiêm tăng cường CHỤP MÀN HÌNH HOÀN CẦU THỜI BÁO |
South China Morning Post ngày 12.11 đưa tin Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc thông báo cơ quan này đã cho phép thử nghiệm tính hiệu quả và an toàn của vắc xin mRNA dùng làm liều tăng cường trên người lớn đã được tiêm vắc xin virus bất hoạt.
Loại vắc xin mRNA này được gọi là ARCoVax, do Học viện Khoa học Quân y và 2 công ty Tô Châu Abogen Biosciences cùng Walvax Biotechnology phát triển. Vắc xin đang được thử nghiệm giai đoạn cuối trên người ở nhiều nước với hy vọng thu hút khoảng 30.000 người tham gia. Vào tháng 9, các tình nguyện viên ở Mexico đã được tiêm vắc xin và người tham gia thử nghiệm ở Malaysia cũng được chủng ngừa hồi tháng trước.
Trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng, Trung Quốc chủ yếu dùng vắc xin virus bất hoạt. Tuy nhiên, nước này đang thực hiện các cuộc thử nghiệm để xem vắc xin được sản xuất bằng kỹ thuật mới hơn có thể tăng cường khả năng miễn dịch hay không.
Nghiên cứu chưa được bình duyệt công bố vào tháng 9 trên trang medRxiv.org cho thấy vắc xin CanSino, được sản xuất bằng công nghệ vector virus, khi dùng làm liều tiêm tăng cường có khả năng sinh miễn dịch cao hơn đáng kể so với vắc xin virus bất hoạt.
Hiện Trung Quốc chỉ cho phép tiêm nhắc lại bằng loại vắc xin tương tự liều tiêm ban đầu. Đất nước này cũng mới chỉ cấp phép cho 2 loại vắc xin bất hoạt do Sinopharm và Sinovac sản xuất cùng vắc xin vector do CanSino Biologics sản xuất làm liều tăng cường.
Ông Vương Hoa Thanh, chuyên gia đứng đầu chương trình tiêm chủng tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), cho biết các loại vắc xin này được phê duyệt vì Trung Quốc đã có được một số dữ liệu trong giai đoạn đầu của đại dịch. Tuy nhiên, nhà chức trách sẽ phải xem xét các yếu tố khác như nguồn cung khi phê duyệt liều tăng cường.
Ông Tăng Quang, cựu trưởng nhóm chuyên gia tại CDC Trung Quốc, tuần trước phát biểu tại một diễn đàn ở Thượng Hải rằng việc sử dụng cùng một công nghệ để tiêm nhắc lại sẽ an toàn hơn và được công chúng chấp nhận rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, ông Tăng nói thêm rằng dữ liệu ở các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Lebanon cho thấy việc sử dụng vắc xin mRNA hoặc vắc xin protein tái tổ hợp làm liều tăng cường cho vắc xin virus bất hoạt sẽ đạt được kết quả tốt hơn.
Ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Brazil và Indonesia, những người được tiêm vắc xin virus bất hoạt của Trung Quốc được quyền chọn vắc xin mRNA làm liều tăng cường.
Công ty Walvax đã đăng ký thử nghiệm giai đoạn cuối trên 2.000 người tham gia ở các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Tháng trước, công ty này đã hoàn thành một cơ sở sản xuất ở Vân Nam có thể sản xuất 200 triệu liều vắc xin mRNA và vắc xin vector mỗi năm. Nhà máy của Abogen ở Tô Châu với năng suất ước tính 40 triệu liều mỗi năm cũng được cấp giấy phép sản xuất vắc xin mRNA vào đầu tháng 11.
ĐÔNG A
TNO