Căng thẳng Pháp-Úc sẽ sớm hạ nhiệt vì lợi ích chung ở Thái Bình Dương?
Căng thẳng Pháp-Úc sẽ sớm hạ nhiệt vì lợi ích chung ở Thái Bình Dương?
Giới quan sát cho rằng căng thẳng Pháp-Úc từ vụ hủy hợp đồng tàu ngầm sẽ không kéo dài vì hai bên hiểu rõ những lợi ích chung trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở các đảo quốc Thái Bình Dương.
Sau gần 2 tháng kể từ khi Úc hủy hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 90 tỉ AUD (1,4 triệu tỉ đồng) với tập đoàn quốc phòng Pháp Navy Group, cuộc khẩu chiến song phương vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hôm 3.11, Đại sứ Pháp tại Canberra Jean-Pierre Thebault tiếp tục xem vụ hủy hợp đồng là “cú đâm sau lưng”, cáo buộc Thủ tướng Úc Scott Morrison cố tình lường gạt, theo trang 7news.com.au. Ông Thebault khẳng định quyết định hủy hợp đồng là do Úc đơn phương đưa ra và Pháp không được tham vấn dù có “vô số cơ hội”.
“Mối đe dọa đối với sự hợp tác”
Đại sứ Thebault trở lại Canberra vào ngày 17.10, gần một tháng sau khi được triệu hồi về Paris theo sau việc Thủ tướng Morrison ngày 15.9 tiết lộ Úc sẽ làm việc với Mỹ và Anh về đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo một thỏa thuận lập liên minh mới Úc-Anh-Mỹ (AUKUS). Thỏa thuận này đã phá hủy 5 năm phối hợp giữa Úc và Pháp về dự án đóng tàu 12 tàu ngầm chạy bằng diesel để thay thế đội tàu lớp Collins “đang lão hóa” của Úc.
Một tàu ngầm lớp Collins của Úc AFP |
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cáo buộc Thủ tướng Morrison nói dối với ông về kế hoạch hợp tác với Mỹ và Anh để có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thủ tướng Morrison đã bác bỏ cáo buộc đó và hôm 3.11, ông tuyên bố sẽ không bao giờ xin lỗi về việc hủy thỏa thuận tàu ngầm với Pháp, theo tờ The Guardian. Cũng trong ngày 3.11, báo National Post dẫn lời giới chức Điện Elysee cho rằng ông Morrison đã không tìm kiếm một cuộc gặp hòa giải với ông Macron tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ý từ ngày 30-31.10 và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Scotland, từ ngày 31.10-12.11.
Phát ngôn nói trên của Đại sứ Thebault và mối quan hệ Úc-Pháp đang xấu đi đã khiến các nhà ngoại giao căng thẳng, theo đài ABC của Úc. ABC trích lời Đại sứ Nhật Bản tại Úc Yamagami Shingo cho hay tuy Tokyo hiểu được sự thất vọng của Paris, ông lo lắng về mối đe dọa đối với sự hợp tác giữa các nền dân chủ có cùng quan điểm trong khu vực. “Tình hình của chúng ta không cho phép tình trạng tranh cãi này tiếp tục giữa các đối tác. Ai sẽ vui mừng trong những diễn biến này? Đó là câu hỏi mà chúng ta phải tự hỏi chính mình”, ông Shingo nhấn mạnh.
Biết rõ lợi ích chung của nhau?
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng căng thẳng Pháp-Úc sẽ không kéo dài vì hai bên đều biết rõ lợi ích chung của nhau trong lúc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở các đảo quốc tại Thái Bình Dương, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Ông Alexandre Dayant, chuyên gia Pháp nghiên cứu về châu Á và các đảo Thái Bình Dương, làm việc tại Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney, nhận định cả Pháp và Úc đều là nước lớn ở Thái Bình Dương và biết rõ lợi ích chung của hai bên. Ông chỉ ra xét về mặt địa lý, Úc ở Thái Bình Dương, trong khi Pháp thì có lãnh thổ ở khu vực. Pháp có 3 lãnh thổ ngoài khơi bờ biển phía đông của Úc, gồm New Caledonia, Wallis và Futuna, và French Polynesia. Hiện có khoảng 1.000 binh sĩ Pháp đóng tại một căn cứ ở New Caledonia.
Ngoài ra, chuyên gia Bill Hayton thuộc viện nghiên cứu chính sách Chatham House ở London cho rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Pháp xây dựng từ năm 2012 “được dựa trên 3 quan hệ đối tác: với Ấn Độ, Úc và Nhật Bản”. “Úc thực tế là “cầu nối” giữa các lãnh thổ Pháp ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nên hợp tác là hợp lý đối với hai quốc gia này”. Từ đó, ông Hayton cho rằng tình hình căng thẳng Pháp-Úc liên quan việc hủy thỏa thuận tàu ngầm khó có thể kéo dài một khi các cuộc bầu cử quốc gia ở Úc và Pháp kết thúc. Thủ tướng Morrison được cho là sẽ phải kêu gọi tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước cuối tháng 5.2022, trong khi cuộc tổng tuyển cử ở Pháp dự kiến diễn ra vào tháng 4.2022.
Chuyên gia Dayant cũng đề cập cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Pháp và Úc, cho rằng căng thẳng song phương hiện nay liên quan “chính trị cá nhân và một chương trình nghị sự trong nước cần phải được đáp ứng, nhưng không có liên quan sự phối hợp” ở Thái Bình Dương. Úc, Mỹ và các đồng minh được cho là ngày càng chú ý tới khu vực, trong lúc Trung Quốc gia tăng hoạt động đầu tư và ảnh hưởng ở các đảo quốc Thái Bình Dương, theo SCMP.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp Thủ tướng Úc Scott Morrison tại Điện Elysee ngày 16.6.2021 AFP |
Trong khi đó, Pháp đang lo ngại về một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập lần thứ 3 ở New Caledonia, dự kiến diễn ra vào ngày 12.12.2021. Một New Caledonia độc lập có thể xua đuổi hạm đội hải quân của Pháp ở đó, tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Nếu New Caledonia trở thành nước độc lập, Pháp sẽ mất một tài sản chiến lược quan trọng, theo chuyên gia Dayant. Ông chỉ ra Pháp là một trong hai nước duy nhất có sự hiện diện toàn cầu thông qua các căn cứ quân sự ở hải ngoại. Quốc gia còn lại là Mỹ.
Với những phân tích như trên, ông Dayant cho rằng Úc có thể thực hiện bước đầu tiên để cải thiện mối quan hệ song phương bằng cách tập trung vào những lĩnh vực hợp tác khác với Pháp. “Những gì Pháp muốn từ Úc là thể hiện bằng chứng rõ ràng về mối quan hệ này. Pháp đang chờ hành động, hơn là lời nói”, ông Dayant bình luận.
VĂN KHOA
TNO