25/12/2024

Mặt trái con đường đến thịnh vượng chung của Trung Quốc

Mặt trái con đường đến thịnh vượng chung của Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang hưởng ứng chủ trương “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng không ít trong số đó cảm thấy bị áp lực khi theo chủ trương này.

 

 

Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm qua 10.11 đăng bài viết khẳng định nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đang tranh nhau chi hàng chục tỉ nhân dân tệ để hưởng ứng chủ trương “thịnh vượng chung” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hồi tháng 8. Khi đó, ông tuyên bố việc đảm bảo “thịnh vượng chung” cho nhân dân Trung Quốc có ý nghĩa sống còn đối với sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và việc chuyển đổi nước này thành một quốc gia “hùng mạnh, giàu có và phát triển toàn diện” trước năm 2049.

Ông còn nhấn mạnh phân phối lại của cải là một trong những hệ thống cơ bản giảm khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng ở Trung Quốc và khuyến khích cá nhân cũng như doanh nghiệp có thu nhập cao trả lại nhiều hơn cho xã hội.

Mặt trái con đường đến thịnh vượng chung của Trung Quốc - ảnh 1

Hồi tháng 8.2021, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh việc thiết lập một hệ thống phân phối lại của cải vì mục đích “công bằng xã hội”  REUTERS

Các “đại gia” công nghệ hưởng ứng

Chủ trương phân phối lại của cải đã được đề cập tại những phiên họp toàn thể năm 2019 và 2020 của CPC, nhưng ít thu hút sự chú ý cho đến khi ông Tập đưa ra lời kêu gọi trong cuộc họp trên. Kể từ đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tích cực dành quỹ đặc biệt cho những chương trình “thịnh vượng chung”, hỗ trợ tài chính cho các mối quan tâm hàng đầu của chính phủ, như giáo dục, chăm sóc y tế, giảm nghèo…

Trong đó, Tập đoàn Alibaba được cho là doanh nghiệp có mức đóng góp lớn nhất cho chủ trương trên, khi đưa ra tuyên bố hồi tháng 9 sẽ dành 100 tỉ nhân dân tệ (hơn 356.000 tỉ đồng) để thúc đẩy đầu tư về công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, đẩy mạnh phát triển trong các khu vực nông thôn và cải thiện cuộc sống của nhóm người lao động có công việc không ổn định.

Các cơ quan đảng và nhà nước Trung Quốc mới đây làm rõ chủ trương “thịnh vượng chung” không có nghĩa là lấy của người giàu chia cho người nghèo như nhân vật anh hùng Robin Hood trong phim và việc quyên góp tiền làm từ thiện dựa trên tinh thần tự nguyện. Ngoài ra, SCMP trích nội dung luật về hoạt động từ thiện được Trung Quốc thông qua vào năm 2016 cho hay những doanh nghiệp có đóng góp tiền làm từ thiện sẽ được giảm thuế và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tiền quyên góp.

SCMP còn dẫn số liệu mới cho thấy từ tháng 1 – 8 năm nay, 5 trong số tỉ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc đã cam kết đóng góp tổng cộng hơn 83 tỉ nhân dân tệ từ tài sản cá nhân hoặc công ty cho các tổ chức từ thiện hoặc sáng kiến liên quan. Hồi năm ngoái, ngành công nghệ Trung Quốc được xếp là ngành đóng góp cho từ thiện nhiều nhất ở Trung Quốc, khi chiếm 32% tổng số 24,51 tỉ nhân dân tệ tiền mặt được đóng góp từ 100 doanh nghiệp theo Danh sách từ thiện Trung Quốc của tạp chí Forbes.

Áp lực chính trị

Trong khi đó, nhà phân tích Ernan Cui, thuộc Công ty Gavekal Dragonomics (Hồng Kông), nói rằng nhiều người làm việc trong các công ty hoạt động ở lĩnh vực internet của Trung Quốc tin rằng lời kêu gọi “trả lại nhiều hơn cho xã hội”, mà ông Tập đưa ra, là nhằm vào các doanh nghiệp này sau khi Bắc Kinh bắt đầu gia tăng kiểm soát ngành internet từ tháng 11.2020, theo SCMP. “Cảm nhận áp lực chính trị, nhiều tỉ phú công nghệ đã đẩy mạnh mức quyên góp cho từ thiện trong năm nay”, bà Cui nhận định.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bên ngoài ngành internet cho hay cũng đang cảm thấy chịu sức ép tương tự là phải đóng góp và theo mục tiêu chung của quốc gia. Ông Tom Wang, đồng sáng lập một công ty sản xuất ở tỉnh Giang Tô, cho hay trong năm nay, ông đã đóng góp 1 triệu nhân dân tệ cho một số dự án. “Tôi không thể nói là tôi bị ép buộc. Các doanh nghiệp như chúng tôi được mời nói chuyện với giới chức địa phương hằng tháng. Khi bạn được hỏi công khai liệu có quyên góp hay không, bạn không thể nói không… Tôi cảm thấy có một chút áp lực”, ông Wang chia sẻ.

Một số chuyên gia thì nghi ngờ liệu việc quyên góp làm từ thiện nhằm hưởng ứng chính sách có hiệu quả trong việc hỗ trợ giảm khoảng cách giàu nghèo hay không. “Một khi chính phủ Trung Quốc làm rõ rằng họ yêu cầu các công ty lớn quyên góp, những công ty này sẽ tiếp tục làm việc đó cho đến khi không còn nhận được yêu cầu quyên góp nữa. Quyên góp trước nhất là để tự bảo vệ, còn các khoản quyên góp được dùng cho việc gì và như thế nào là việc thứ yếu đối với họ”, ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc SOAS thuộc Đại học London, nhận định.

 

VĂN KHOA

TNO