Có nên quy định bất động sản bắt buộc phải bán qua sàn ?
Có nên quy định bất động sản bắt buộc phải bán qua sàn ?
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo đề cương luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó có quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua,cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua các sàn giao dịch bất động sản. Quy định này gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Qua sàn để kiểm soát đầu cơ
Theo Bộ Xây dựng, việc bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua các sàn giao dịch (theo luật Kinh doanh bất động sản 2006) đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: tạo cơ sở cho việc hình thành nên các dự án ma, các vụ việc lừa đảo khách hàng từ chính các chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật; tạo ra khó khăn, thậm chí không quản lý được thông tin về thị trường bất động sản đúng với những gì đang diễn ra, trốn thuế…
Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), cho rằng để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, vì lợi ích của khách hàng, các quy định pháp luật nên quy định sàn giao dịch trở thành hoạt động có điều kiện, các chủ đầu tư bán bất động sản bắt buộc phải qua sàn.
Việc giao dịch bất động sản bắt buộc và cần thiết phải thông qua một tổ chức chuyên nghiệp. Khi đó mọi thông tin sẽ được niêm yết, công khai và minh bạch, tính pháp lý sẽ được mang vào giao dịch và sẽ kiểm soát được tình trạng đầu cơ đất như hiện nay.
Cũng theo ông Đính, sàn giao dịch bất động sản cần được định vị là trung tâm của thị trường, là đối tượng trung gian, cân bằng mọi hoạt động. Nếu không làm được điều này, thị trường sẽ luôn luôn hỗn loạn do các hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật, gây rủi ro cho nhà đầu tư, khách hàng trên thị trường bất động sản.
|
Quy định bắt buộc bất động sản phải bán qua sàn đã gây nhiều tranh cãi ĐÌNH SƠN |
Người đứng đầu VARs nhận định, các quy định pháp luật về nghề môi giới hiện nay đang đặt môi giới bất động sản và các sàn giao dịch vào vị trí rất yếu thế do không bắt buộc bán dự án bất động sản phải qua sàn. Trong khi đó, môi giới bất động sản giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống các kênh phân phối trên thị trường, họ là trung gian giữa người bán và người mua, hướng đến sự minh bạch của thị trường và là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
“Vấn đề cốt lõi nhất là cần nâng cao chất lượng của đội ngũ môi giới cũng như nâng cao các quy định về điều kiện được thành lập sàn giao dịch bất động sản. Số lượng các nhà môi giới bất động sản hoạt động đúng quy định pháp luật hiện nay rất thấp. Để khắc phục tình trạng này, tôi cho rằng, cần phải quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp chứng chỉ nghề môi giới”, ông Đính nói.
Tạo lợi thế cho sàn giao dịch ?
Phản đối kịch liệt quy định này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhấn mạnh, nó không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật. Nếu đề xuất này được thông qua, sẽ tạo lợi thế không chính đáng và “đặc quyền, đặc lợi” cho các sàn giao dịch bất động sản. Không phù hợp với quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật; không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật. “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật”, ông Châu nói.
Người đứng đầu Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng quy định này đang đi thụt lùi ĐÌNH SƠN |
Nếu sàn giao dịch bất động sản có uy tín, năng lực và cung cấp dịch vụ tốt với giá cả hợp lý thì sẽ được bên cung hoặc bên cầu lựa chọn thuê để thực hiện dịch vụ theo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận, bình đẳng của pháp luật về dân sự và việc trả phí dịch vụ cũng là tự nguyện, tự thỏa thuận theo nhu cầu của các bên. Do vậy, không thể quy định bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích các bên thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản.
Quản chặt nhân viên môi giới
Cũng theo ông Châu, hoạt động môi giới và dịch vụ bất động sản ở các nước công nghiệp phát triển đạt chuẩn mực rất cao về tính minh bạch, chuyên nghiệp và cả văn hóa kinh doanh, điển hình là hoạt động của Hiệp hội các nhà môi giới bất động sản Mỹ (National American Realtors – NAR) có tới hơn 2 triệu hội viên.
Tại Việt Nam hiện cả nước có khoảng 320.000 nhân viên môi giới bất động sản, nhưng mới chỉ có khoảng 10% được cấp chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chỉ yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nên đã dẫn đến không ít vụ việc làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu tài sản và người tiêu dùng, nhà đầu tư. Thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vụ việc Công ty Alibaba.
“Cần bổ sung quy định chặt chẽ về nội dung chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ đã hoàn thành khóa đào tạo về hoạt động môi giới bất động sản và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, phải có chứng chỉ mới được hành nghề”, ông Châu đề xuất.
ĐÌNH SƠN
TNO