23/11/2024

Quy định mới doanh nghiệp cần biết khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Quy định mới doanh nghiệp cần biết khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Cơ sở sản xuất không được nuôi chó, bao bì đóng gói phải in chữ Trung Quốc, có 500 loài sinh vật gây hại phải kiểm soát là những quy định mới khi xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc từ đầu năm 2022.

 

 

Đây là những thông tin mà Tổ điều hành Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản 970 Bộ NN-PTNT thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp trong ngày 6.11 trong diễn đàn trao đổi, giới thiệu lệnh 248, 249 mà Trung Quốc bắt đầu áp dụng từ năm 2022 đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào nước này.

Phải thay đổi tư duy, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và iểkm dịch thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam), thị trường Trung Quốc có nhiều quy định đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu vào nước này.

Đối với Việt Nam, trong 10 tháng qua, phía Trung Quốc đã có 42 thông báo về những thay đổi liên quan đến các thay đổi về thực phẩm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thú y và thực vật…

Quy định mới doanh nghiệp cần biết khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - ảnh 1
Nông sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc phải áp ứng nhiều điều kiện, quy định mới theo lệnh 248, 249 từ phía Trung Quốc  CTV

Gần đây nhất, Bộ NN-PTNT, Ủy ban Y tế quốc gia và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc đã thống nhất ban hành Tiêu chuẩn mới GB2763-2021, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm.

Cũng theo TS Ngô Xuân Nam, nếu so sánh với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại (tăng 16,7%); giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại (tăng 42%).

“Đối với Việt Nam, Trung Quốc vẫn có nhu cầu rất lớn nhập khẩu nông sản nhưng đây không còn là thị trường dễ tính nữa. Doanh nghiệp cần phải tìm hiểu và buộc phải tuân thủ các quy định kiểm soát, và những tiêu chuẩn để mở cửa thị trường cũng như các thông báo SPS”, ông Nam chia sẻ.

TS Nam nhấn mạnh, từ lệnh 248, 249 của Trung Quốc, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản và phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để chuẩn hóa điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho rằng theo quy định mới, phía Trung Quốc đưa ra danh sách áp dụng kiểm dịch thực vật đối với 500 loài vi sinh vật khác nhau. Trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến như rệp, ruồi đục thân, đục hạt quả… thường đi theo các loại quả tươi xuất khẩu từ Việt Nam.

“Các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu, nếu bị phía Trung Quốc phát hiện khi kiểm tra tại cửa khẩu thì trước hết ảnh hưởng ngay đến lợi ích của doanh nghiệp và uy tín của Việt Nam”, ông Đạt nói và cho biết Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói.

Cơ hội doanh nghiệp Việt thể hiện mình

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt, bày tỏ: “Đến hôm nay, chúng tôi mới biết nếu trong cơ sở kinh doanh có nuôi chó thì vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc rồi. Tôi thấy hầu như tất cả các nhà máy đều nuôi chó hết, thậm chí có chỗ đông nhất hơn 20 con làm nhiệm vụ bảo vệ và tới đây các doanh nghiệp cũng phải chú ý vấn đề này”, bà Hương nói.

Nhìn ở góc độ tích cực, Bà Hương cho rằng, lệnh 248, Lệnh 249 và các yêu cầu mới Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra là hoàn toàn xác đáng, cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thể hiện, khẳng định chính mình.

Theo bà Hương, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt đã xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc từ năm 2013 nhưng chắc chắn không ai biết vì chỉ làm trung gian xuất khẩu cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Nhưng tới đây, các lệnh này tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam được thể hiện mình trên bao bì đóng gói.

“Đối với các quy định mới từ thị trường Trung Quốc, Việt Nam phải có chiến lược để làm thương hiệu cho nông sản tại thị trường này. Nhưng muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt đầu từ quản lý chất lượng nông sản, cho đến quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói và vận chuyển”, bà Hương kiến nghị.

Bà Ngô Tường Vy, Phó tổng giám đốc Công ty Chánh Thu, cho rằng những quy định mới của thị trường Trung Quốc là tín hiệu khiến tư duy sản xuất nông sản của Việt Nam cần phải thay đổi. Để xuất khẩu được thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải đảm bảo được các tiêu chuẩn mà phía đối tác đưa ra một cách thực sự.

Bà Vy đề xuất, các cơ quan quản lý nên điều phối, thông báo cho Sở NN-PTNT các tỉnh để khảo sát các doanh nghiệp, các cơ sở đã có mã số trước khi phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra trực tuyến.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết với lệnh 249, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp lựa chọn những đối tác đảm bảo, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng); chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc.

“SPS Việt Nam tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT tổ chức thông tin về các quy định mới của thị trường Trung Quốc để doanh nghiệp nắm chắc và áp dụng tránh để việc xuất khẩu hàng hóa bị ngưng trệ.

 

PHAN HẬU

TNO