23/01/2025

Mối lo Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân

Mối lo Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân

Một số diễn biến gần đây có dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng, Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân, thậm chí đạt con số 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030.

 

 

Hôm qua (5.11), tờ South China Morning Post đưa tin Mỹ vừa lên tiếng cho biết Washington muốn bắt đầu đàm phán với Bắc Kinh về chương trình hạt nhân của Trung Quốc. Tờ báo dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 4.11 thúc giục các nước có vũ khí hạt nhân cần “hành động thận trọng”

Mối lo Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân - ảnh 1
Mối lo Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân - ảnh 2
Một số hình ảnh vệ tinh được cho là liên quan các hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng hầm chứa tên lửa   FAS

Trung Quốc sẽ có 1.000 đầu đạn hạt nhân ?

Phản ứng trên được đưa ra sau khi Liên đoàn Khoa học gia Mỹ (FAS) ngày 2.11 công bố hình ảnh vệ tinh chỉ ra Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể tại 3 khu vực được cho là có hầm chứa tên lửa ở miền tây nước này.

Sau khi các cấu trúc được phát hiện vào mùa hè năm nay, theo giới nghiên cứu Mỹ, Bắc Kinh nay đã có bước phát triển đáng kể ở các hạ tầng liên quan chương trình tên lửa, được xây dựng ở các thành phố Ngọc Môn (Cam Túc), Cáp Mật (Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ), Ngạc Nhĩ Đa Tư (Khu tự trị Nội Mông). Nhóm chuyên gia đã phân tích ảnh vệ tinh và ước lượng Trung Quốc đang xây khoảng 300 hầm chứa tên lửa mới mà có thể được dùng cho tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Bên cạnh đó, ngày 3.11, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo mới về đánh giá năng lực quân sự, kinh tế của Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh đang hướng đến sở hữu 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027, cán mức 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030. Báo cáo tương tự hồi năm ngoái thông tin số đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc đang sở hữu vào năm 2019 chỉ vào khoảng 200.

Trả lời Thanh Niên ngày 5.11, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: “Trung Quốc đang gia tăng đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ giảm dần kho đầu đạn hạt nhân. Tháng trước, Washington công bố đang sở hữu 3.750 đầu đạn hạt nhân và 2.000 đầu đạn trong số này đang được chờ giải trừ. Tuy nhiên, nhiều nước đang có dấu hiệu gia tăng đầu đạn hạt nhân, nên khả năng là Mỹ không giảm số lượng thêm nữa. Cụ thể như, không chỉ Trung Quốc mà Nga đang phát triển tên lửa mới mang đầu đạn hạt nhân, Anh cũng có kế hoạch tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân. Còn theo một số thông tin gần đây thì Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu có 1.000 đầu đạn hạt vào năm 2030”.

“Như thế, số lượng đầu đạn hạt nhân của Mỹ có thể không đủ để chiếm ưu thế sức mạnh đáp ứng nhu cầu răn đe các đối thủ. Điều đó khiến cho cuộc chạy đua hạt nhân có thể tiếp diễn căng thẳng. Mỹ gần đây yêu cầu Trung Quốc cũng phải tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) – trong đó có cắt giảm vũ khí hạt nhân. Trước nay, START chỉ có Mỹ và Nga tham gia, nên Trung Quốc không bị hạn chế theo hiệp ước. Nếu Trung Quốc vẫn không tham gia thì tình trạng trên có thể dẫn đến chạy đua hạt nhân, trở thành một phiên bản mới của Chiến tranh lạnh”, TS Nagao phân tích thêm.

Nguy cơ sức mạnh hạt nhân Trung Quốc ở Biển Đông

Liên quan vũ khí hạt nhân Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu thời báo, một phiên bản của tờ Nhân dân nhật báo – trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi cuối tháng 5 đăng bài viết kêu gọi nước này “tăng số lượng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là vũ khí răn đe hạt nhân trên biển đối với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm xuyên lục địa”. Lý do được đưa ra là “nhằm ngăn chặn các hành động quân sự tiềm tàng của quân đội Mỹ”. Cụ thể hơn, bài viết cho rằng: “Mỹ đã gây áp lực quân sự lớn hơn đối với Trung Quốc, điều động tàu chiến và máy bay chiến đấu tới Biển Đông và eo biển Đài Loan với tần suất ngày càng tăng”.

Cũng trong tháng 5, TS Mark J.Valencia, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc về Biển Đông, đăng bài viết trên tờ South China Morning Post với tựa đề US – China race for surveillance supremacy in South China Sea risks a needless clash (tạm dịch: Cuộc chạy đua Mỹ – Trung về năng lực giám sát Biển Đông có nguy cơ dẫn đến đụng độ không cần thiết).

Trong bài viết, tác giả đưa ra đe dọa bằng cách khoe “thành tựu”: “Hệ thống do thám, trinh sát và thu thập thông tin tình báo mà Trung Quốc thiết lập ở Biển Đông có thể giúp Bắc Kinh sớm điều động tàu ngầm hạt nhân để tạo nên “một pháo đài trên biển với khả năng răn đe hạt nhân”.

Đó có thể xem là những thông điệp hàm chứa mối đe dọa hạt nhân đối với Biển Đông.

 

HOÀNG ĐÌNH

TNO