24/12/2024

Giá hàng hoá thiết yếu vẫn cao ngất ngưởng

Giá hàng hoá thiết yếu vẫn cao ngất ngưởng

Chợ đầu mối đã hoạt động trở lại, hàng hóa về ngập chợ, thế nhưng giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng mạnh. Hay nói đúng hơn, thị trường đã thiết lập một mặt bằng giá mới, cao hơn rất nhiều so với trước đó.

 

 

Còn lâu mới về giá “bình thường mới”

Ngày 4.11, khảo sát tại một số chợ dân sinh ở TP.HCM cho thấy giá nhiều mặt hàng rau củ quả Đà Lạt đang tăng chóng mặt, từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, thậm chí có loại tăng 15.000 đồng/kg so với 2 tuần đầu tháng 10 sau khi TP mở cửa trở lại. Chẳng hạn, rau xà lách từ 45.000 đồng lên 60.000 đồng/kg, súp lơ xanh từ 35.000 lên 40.000 đồng/kg, cà chua loại thường từ 25.000 – 30.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; các loại rau ăn lá như cải, dền, lang, cải thảo… cũng tăng 5.000 – 7.000 đồng/kg.

Mức giá này tương đương giá bán trên các chợ online hồi tháng 8 và tháng 9, khi TP.HCM giãn cách tăng cường, rau củ không về TP được.

Đặc biệt, giá các loại trái cây bán tại chợ ngày 4.11 cũng khá cao so với giá trong siêu thị. Xoài cát loại 1 tại chợ dân sinh 75.000 đồng/kg, thanh long 45.000 đồng/kg, còn trong siêu thị BigC Phú Thạnh (Q.Tân Phú) giá lần lượt 60.000 đồng/kg và 22.000 đồng/kg.

Theo Sở Công thương TP.HCM, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố tiếp tục ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới. Đến ngày 4.11, đã có 150 chợ trên tổng số 234 chợ truyền thống tại TP.HCM hoạt động bình thường trở lại. Như vậy, còn 84 chợ truyền thống vẫn tạm ngưng hoạt động. Đặc biệt, sau khi hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền đã chính thức hoạt động, lượng hàng về hai chợ này tăng mạnh.

Cũng tại chợ dân sinh, giá thịt heo bán lẻ chưa kịp giảm theo đà giảm sốc của giá heo hơi, nay có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, sườn non, ba rọi rút sườn từ 170.000 đồng lên 180.000 đồng/kg, ba rọi từ 140.000 đồng lên 150.000 đồng/kg; nạc đùi, cốt lết từ 110.000 đồng lên 130.000 đồng/kg; thịt xay từ 120.000 đồng lên 130.000 đồng/kg, xương các loại 90.000 đồng/kg, thịt bò nạm 250.000 đồng/kg, bò thăn 280.000 đồng/kg. Các loại bột giá tăng mạnh trong đợt dịch, nay giảm về bình thường như bột mì 18.000 – 22.000 đồng/kg, các loại bột làm bánh (bột gạo, bột đổ bánh xèo, bột bánh cuốn, bột lọc…) trong thời gian giãn cách đội lên 20.000 – 25.000 đồng/gói, nay xuống 13.000 – 15.000 đồng/gói.

Trong khi đó, các mặt hàng ăn liền như bánh mì, bún, phở… đều tăng giá mạnh so trước dịch và thậm chí cao hơn cả trong đợt giãn cách. Nếu như trước bùng phát dịch đợt 4, một ổ bánh mì xíu Tuấn Mập giá 15.000 đồng thì từ ngày mở bán trở lại đã đội lên 18.000 đồng/ổ. Bánh mì hoa cúc giá trước dịch 50.000 đồng/ổ nhỏ, trong dịch lên 60.000 đồng/ổ và nay giữ nguyên giá 60.000 đồng; bánh mì hoa cúc nhập khẩu 120.000 đồng/ổ tăng lên 140.000 đồng/ổ trong đợt giãn cách và đến giờ cũng giữ nguyên giá đó. Tương tự, bánh mì chả Minh Châu (Q.4) ổ nhỏ trước dịch 15.000 – 20.000 đồng/ổ, nay 25.000 – 30.000 đồng/ổ; bánh cua nhỏ 10.000 đồng/chiếc nay lên 12.500 đồng.

Gói xôi mặn ngay tiệm xôi nổi tiếng ngã tư Âu Cơ – Lạc Long Quân từ 18.000 – 20.000 đồng/hộp nay 25.000 đồng, xôi đậu các loại từ 10.000 đồng/hộp nay lên 15.000 đồng. Đến tô bún bò bình dân bán trong hẻm nhỏ đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) trước dịch giá 30.000 – 35.000 đồng, trong đợt giãn cách xã hội người bán tăng lên 40.000 đồng/tô với lý do khó mua thịt, rau các loại thì nay những cái khó đó đã hết nhưng giá bán vẫn giữ nguyên 40.000 đồng/tô. Tương tự, tô bún mắm trước dịch 40.000 đồng, trong giãn cách tăng lên 50.000 đồng và nay vẫn không giảm.

Mang thắc mắc này hỏi bà Bảo An (ngụ Lạc Long Quân, Q.Tân Bình; bán bún bò) thì được giải thích: “Giá rau thơm, hành lá, ngò, dưa leo, cà chua các loại tăng quá mạnh. Gas nấu bán cũng tăng dữ lắm, sáng nay tôi mới trả tiền bình gas đến 536.000 đồng, trong khi trước dịch hồi tháng 5 chỉ 380.000 đồng; nên đừng trách sao tô bún bò nay tăng cả chục ngàn vậy. Tôi nói thật, gọi là bình thường mới nhưng giá cả nguyên liệu thế này thì còn lâu tô bún bò và ổ bánh mì mới về giá “bình thường mới” được”. Bà Nguyễn Thị Hiếu, chủ vựa rau ở Đà Lạt thì cho biết giá một số mặt hàng rau xanh tăng mạnh do hết vụ, vào mùa mưa chưa đến kỳ thu hoạch. Nhưng số này rất ít, chủ yếu là xà lách, bó xôi tăng 5.000 – 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mặt bằng chung các sản phẩm cà chua, cà rốt, súp lơ, bắp cải… vẫn còn mức giá thấp hơn so vụ trước.

Giá hàng hóa thiết yếu vẫn cao ngất ngưởng - ảnh 1

“Tát giá theo xăng”?

Có một thực tế là người chăn nuôi đang chịu lỗ nặng vì phải bán heo hơi, gà dưới mức giá thành, trong khi giá các sản phẩm thịt heo, thịt gà trên thị trường lại rất cao. Tương tự, giá rau mua tại vườn không tăng, hàng hóa về chợ đầu mối dồi dào, nhưng giá bán đến tay người mua vẫn tăng mạnh.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng giá cả đến nay vẫn tăng trong bối cảnh bình thường mới (lưu thông dễ hơn, hàng hóa phong phú hơn…) xuất phát từ 2 lý do: Giá đầu vào tăng thật và cả tâm lý “tát giá theo xăng”. Thực tế, giá xăng từ đầu năm đến nay tăng trên 40%, từ 17.000 đồng lên trên 24.000 đồng/lít, tức việc tăng không phải mới trong tháng 10 mà tăng lai rai từ 10 tháng qua. Trong khi đó, giá hàng hóa trong tháng 10 so với tháng 5 (thời điểm trước bùng dịch đợt 4) lại chênh lệch quá lớn cho thấy có hiện tượng “tát giá theo xăng”. Bên cạnh đó là tâm lý dịch bệnh, hàng hóa khó khăn đang ăn vào tiềm thức người bán, nên cứ tăng mới “hợp hoàn cảnh”. Ông Phú nói thẳng điều hành giá cả để người kinh doanh “tát giá theo xăng” là lỗi của ngành công thương.

Ông Lã Văn Kính, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, nhận xét sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất nói chung hiện hết sức bất hợp lý. Nhiều ý kiến lý giải là do giá xăng dầu tăng nên đẩy giá đầu vào, giá hàng hóa tăng. Song thực tế khi giá xăng dầu chưa tăng, chúng ta vẫn chưa quản lý được khoảng cách chênh lệch giữa nơi sản xuất và tiêu thụ. Nếu Bộ Công thương làm tốt công tác quản lý giá thì lượng tiêu thụ sẽ tăng mạnh, giá heo gà xuất chuồng tăng, rau củ từ nhà vườn cũng tăng, giá bán lẻ cho người dân phải giảm.

“Chẳng hạn, trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay, người chăn nuôi là người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất vì đầu vào do các công ty quyết định, còn đầu ra lại do người bán lẻ quyết định. Có thể nói người chăn nuôi và cả người tiêu dùng đang không có quyền gì trong chuỗi cung ứng cả. Ổ bánh mì kẹp thịt tăng từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng vẫn phải chấp nhận trả cho dù giá heo hơi đã giảm còn một nửa so trước dịch. Thế nên, khi hàng hóa về nhiều, giá nhà nông bán ra vẫn không tăng mà giá bán lẻ tại khâu cuối cùng tăng thì không nên đổ lỗi cho giá xăng dầu mãi được”, ông Kính nói.

 

NGUYÊN NGA

TNO