23/12/2024

Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải khí nhà kính

Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải khí nhà kính

Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình nhưng cũng mong muốn có sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về tài chính, công nghệ để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo Thỏa thuận Paris.

 

 

 

Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào 2050

Thông điệp trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam phát biểu trước phiên Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu, diễn ra đêm 1.11 (chiều cùng ngày theo giờ địa phương) tại TP.Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh.

Phát biểu trước gần 130 nhà lãnh đạo các quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và nỗ lực của chính phủ Anh trong việc đăng cai tổ chức COP26, hội nghị mà Thủ tướng cho là “có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tương lai trái đất, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta” bởi biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. “Lời cảnh báo này của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu”, Thủ tướng bày tỏ, đồng thời vạch rõ những nội dung sẽ hành động.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải khí nhà kính - ảnh 1
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (phải) đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26   REUTERS

Đầu tiên, Thủ tướng cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. “Khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nói.

Thứ hai, Thủ tướng cho rằng tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia và ông nhấn mạnh “đây là đòi hỏi tất yếu để kiềm chế mức tăng nhiệt độ của trái đất”. Thủ tướng chia sẻ, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, nhưng Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

“Cần mục tiêu tài chính tham vọng hơn”

Dù vậy, Thủ tướng lưu ý rằng tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sẽ đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. “Các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ để đạt được sự thịnh vượng kinh tế ngày nay cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng bày tỏ thêm, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Nhắc lại câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thúc giục, để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với biến đổi khí hậu, đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất. “Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững. Những cam kết và hành động của tất cả chúng ta hôm nay sẽ giúp để lại một hành tinh xanh, một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho các thế hệ mai sau. Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững”, Thủ tướng nói.

Hội nghị COP26 đang diễn ra tại TP.Glasgow từ ngày 31.10 – 12.11. Trong đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư mời lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh từ ngày 1 – 2.11. Trên cương vị Chủ tịch COP26, Anh đang nỗ lực để hội nghị đạt được thỏa thuận về mục tiêu tài chính huy động đủ 100 tỉ USD/năm nhằm tài trợ cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển; nhất trí được về cách thức xác định trước năm 2025 mục tiêu tài chính mới cho giai đoạn sau năm 2025. Về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng hướng dẫn thực hiện đối với một số điều khoản quan trọng còn lại của Thỏa thuận Paris: thu hẹp khoảng cách giữa cam kết của các quốc gia nêu trong đóng góp do quốc gia tự quyết định và cam kết giảm phát thải khí nhà kính cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ trái đất ở 1,5 độ C; khuyến khích các nước đưa ra chiến lược dài hạn hướng tới phát thải ròng bằng “0”.

Standard Chartered cấp vốn 8 tỉ USD cho các dự án xanh tại Việt Nam

Sáng cùng ngày, thông điệp sẵn sàng cắt giảm phát thải, khí mê tan, cải tạo đất, trồng rừng… cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi chủ trì đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp do Ngân hàng Standard Chartered phối hợp cùng Bộ KH-ĐT tổ chức. Thủ tướng cũng nêu rõ “sẵn sàng thực hiện đi cùng với công lý, công bằng của các nước có nền kinh tế phát triển”. Thủ tướng cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, toàn dân nên cũng phải tiếp cận theo hướng toàn cầu, lấy con người làm trung tâm vừa là mục tiêu, vừa là động lực và nhấn mạnh “mục tiêu nhất quán của Việt Nam là không hy sinh tiến bộ, công bằng, môi trường, an sinh xã hội để theo đuổi tăng trưởng”.

Tại đối thoại, Thủ tướng đã chứng kiến các thỏa thuận tín dụng được Ngân hàng Standard Chartered cam kết cấp cho các dự án vì phát triển bền vững tại Việt Nam lên đến 8 tỉ USD từ nay đến 2030. Trong đó đáng chú ý là thỏa thuận cấp vốn cho Tập đoàn T&T đầu tư vào các dự án năng lượng, xử lý rác thải; và khoản cho vay 500 triệu USD đối với Tập đoàn giáo dục Văn Lang để thực hiện dự án đô thị đại học tại tỉnh Quảng Ninh.

 

CHÍ HIẾU

TNO