23/01/2025

Đề xuất gói phục hồi kinh tế 800.000 tỉ đồng

Đề xuất gói phục hồi kinh tế 800.000 tỉ đồng

Bộ Kế hoạch – Đầu tư vừa trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 với quy mô khoảng 800.000 tỉ đồng (gần 35 tỉ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021.

 

 

Huy động từ nhiều nguồn

Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT), dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các nước đã triển khai nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn như Mỹ là 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Trung Quốc 6,1% GDP. Những gói hỗ trợ đó chưa từng có tiền lệ, chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế, đồng thời tận dụng cơ hội để giải quyết những hạn chế, thách thức, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Đề xuất gói phục hồi kinh tế 800.000 tỉ đồng - ảnh 1
Chính phủ cần sớm ban hành Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 NGỌC THẮNG

Trong nước, mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, năm 2021 ước khoảng 10,5 tỉ USD, tương đương 2,85% GDP, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, DN; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế.

Đề xuất gói phục hồi kinh tế 800.000 tỉ đồng - ảnh 2
Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển  NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng, sẽ tác động đến ngân sách nhà nước, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm, xã hội…; bỏ lỡ các cơ hội mới, thời cơ mới trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại toàn cầu và thích ứng, phát triển với tương lai sau dịch bệnh. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hằng năm, 5 năm, 10 năm, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới… Do vậy, việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt Chương trình) hiện nay hết sức phù hợp và cấp thiết nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Chương trình này được thực hiện giai đoạn 2022 – 2023 bao gồm 4 chương trình thành phần, gồm Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Theo Bộ KH-ĐT, dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình khoảng 800.000 tỉ đồng (khoảng 35 tỉ USD). Việc huy động vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể. Các nguồn huy động ngân sách nhà nước chủ yếu bao gồm nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

Chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn

Đánh giá về tác động của chương trình nêu trên, Bộ KH-ĐT cho rằng khi thực hiện thì tăng trưởng kinh tế 5 năm 2021 – 2025 dự báo đạt khoảng 6,4 – 6,8%/năm, cao hơn khoảng 1 điểm % so với kịch bản không thực hiện, cơ bản đạt mục tiêu đề ra (6,5 – 7%/năm). Việc huy động các nguồn lực thực hiện làm nợ công tăng lên nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát. Quy mô nợ công theo các kịch bản khoảng 47% năm 2022 và 49% năm 2023.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá đây là một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đủ lớn và thời gian đủ dài cần để triển khai. Bản thảo của Bộ KH-ĐT hội đủ các yếu tố trên, nhắm vào các lĩnh vực đáng quan tâm nhất, không chỉ hỗ trợ người lao động, cộng đồng DN vượt qua những khó khăn hiện tại mà còn thúc đẩy cải cách thể chế để bắt kịp nền móng cho bước phát triển tiếp theo. Ông Thành tính toán, với Chương trình 800.000 tỉ đồng, tương đương gần 35 tỉ USD kéo dài trong 2 năm, tương đương khoảng 9 – 10% GDP hằng năm thì có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn. Tuy nhiên, chương trình có đánh giá rủi ro và tập trung quản trị rủi ro để đảm bảo khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước khủng hoảng, nên cho dù có thâm hụt thì kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm ổn định trong trung hạn.

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch nhận định Chương trình này không chỉ để giúp phục hồi kinh tế mà phải gắn với việc chuyển đổi nhanh, xây dựng một nền kinh tế tự chủ trong bối cảnh mới. Trong đó, phải phát huy được vai trò của các DN trong nước và gắn kết với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, tận dụng các cơ hội từ những hiệp định thương mại song phương, đa phương mà VN đã tham gia. TS Lịch nhấn mạnh: tình hình hiện nay đòi hỏi phải có nguồn lực mạnh hơn giai đoạn trước từ nhà nước để hỗ trợ cho cả DN lẫn người dân đã gặp khó khăn vì đại dịch. Chẳng hạn, chính sách an sinh xã hội vẫn phải trợ cấp, đảm bảo đời sống cho những người nghèo, người yếu thế ít nhất đến hết tháng 6.2022 cũng như liên quan đến các công việc đào tạo, tìm việc làm. Do đó, Chính phủ phải chấp nhận bội chi ngân sách trong 2 năm 2022 – 2023 cao hơn mức gần 4% của năm 2021 mà Quốc hội đã phê duyệt. Từ đó cũng phải chấp nhận tăng trần nợ công nếu cần thiết. Song song đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân. Nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công theo nguyên tắc cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm, chứ không phải xin – cho. Cải thiện môi trường đầu tư để kích cầu đầu tư tư nhân sau khi nhà nước đã đầu tư công như vốn mồi cho kinh tế phát triển.

Triển khai nhanh

Một vấn đề quan trọng nếu Chương trình này được thông qua, theo các chuyên gia kinh tế, đó là triển khai nhanh mới thực sự có hiệu quả. TS Trần Du Lịch nhấn mạnh: Những DN đã bị ảnh hưởng nặng, đang cần sự nâng đỡ của nhà nước mà không làm nhanh thì họ sẽ hoàn toàn biến mất khỏi thị trường. Vì vậy, Chính phủ cần làm gấp rút để trình Quốc hội thông qua cùng lúc với các chỉ tiêu kinh tế của năm 2022. Nếu không kịp phê duyệt từ đầu năm tới mà đợi Quốc hội họp lại sau đó thì sẽ chậm trễ và nền kinh tế sẽ chậm phục hồi.

VN còn gần như nguyên vẹn 100 tỉ USD dự trữ ngoại tệ. Các kênh ngân hàng của thế giới.như WB, ADB… cũng sẵn sàng cho vay hoặc phát hành trái phiếu. Thế nên, nguồn lực để thực thi chương trình này là có.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành dẫn chứng, nên rút kinh nghiệm của các gói hỗ trợ, chương trình hỗ trợ trước đây. Tiền chưa phải vấn đề quan trọng nhất trong phục hồi kinh tế, quan trọng hơn là chúng ta triển khai được nhanh, hiệu quả, giám sát tốt để chống thất thoát cũng như bảo đảm DN đứng dậy hoặc đứng vững được. Muốn vậy, phải tăng cường cải cách hành chính, quyết liệt cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, hạn chế các thủ tục rườm ra gây tổn thất nguồn lực, tập trung vào vấn đề tái cấu trúc DN, đào tạo tay nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để phát triển các lĩnh vực mới sau này như Fintech, AI vì trong 2 năm đại dịch xảy ra, có gần 50% DN hợp tác, chia sẻ đơn hàng với nhau; 1/3 DN Việt đầu tư vào chuyển đổi số để chuyển đổi mô hình kinh doanh…

Đề xuất gói phục hồi kinh tế 800.000 tỉ đồng - ảnh 3

Còn PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, khuyến cáo cần phải đánh giá toàn diện để chọn lựa, xếp thứ tự ưu tiên các chương trình hỗ trợ, nhiệm vụ trọng tâm, từ đó cân đối với nguồn lực để đảm bảo tính khả thi. Nếu quy mô dự kiến lên đến 800.000 tỉ đồng, cần phải phân định rõ số tiền cần cho mỗi năm để cân đối với nguồn ngân sách tương ứng: tái phân bổ chi, chuyển nhượng tài sản công hay vay nợ. Nếu vay nợ, cần tính toán kỹ để đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu kiểm soát rủi ro như tỷ lệ nợ đến hạn so với tổng thu ngân sách (25%), trần nợ công (60%), trần nợ chính phủ (50%) và tỷ lệ bội chi ngân sách (3,7%).

Trong trường hợp đánh giá việc vay nợ sẽ vượt các chỉ tiêu kiểm soát rủi ro, cần phải có thời gian để trình Quốc hội phê chuẩn điều chỉnh các chỉ tiêu này và lưu ý rằng các tỷ lệ này phải được tính theo quy mô GDP, thu ngân sách theo số liệu thực tế, dự kiến sẽ giảm nhiều so với số liệu dự toán từ đầu năm 2021…

 

M.PHƯƠNG – NGUYÊN NGA

TNO