23/01/2025

Pháp quay sang Ấn Độ, Indonesia sau khi bị Mỹ-Anh-Úc ‘qua mặt’ với liên minh AUKUS

Pháp quay sang Ấn Độ, Indonesia sau khi bị Mỹ-Anh-Úc ‘qua mặt’ với liên minh AUKUS

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Ấn Độ và Indonesia sau khi Paris bị liên minh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc “cho ra rìa”.

 

 

Pháp quay sang Ấn Độ, Indonesia sau khi bị Mỹ-Anh-Úc 'qua mặt' với liên minh AUKUS - ảnh 1
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Rome vào ngày 30.10 AFP

AFP ngày 31.10 đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cố gắng thắt chặt quan hệ với Indonesia và Ấn Độ sau khi bị Úc hủy hợp đồng tàu ngầm và thay bằng tàu Mỹ.

Tổng thống Macron đã gặp người đồng cấp Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 đang diễn ra tại Rome (Ý). Các cuộc gặp này tập trung vào tình hình kinh tế của khu vực và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Hai bên có chung thiện chí muốn tiến xa hơn trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, theo tuyên bố của Văn phòng tổng thống Pháp sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi. Ấn Độ và Pháp sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào tuần tới để vạch ra chương trình nghị sự chung.

Paris và New Delhi đã tìm thấy “điểm chung lớn trong các nguyên tắc định hướng hành động của chúng tôi ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đó là sự tin cậy, độc lập và thống nhất”, Văn phòng tổng thống Pháp cho biết.

Tổng thống Macron và Tổng thống Indonesia Widodo cũng có cuộc hội đàm kéo dài nửa giờ và “quyết định xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược thực sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Điện Élysée cho biết.

Quan hệ này “sẽ hướng đến quá trình chuyển đổi sinh thái, hỗ trợ việc làm, tăng trưởng và phục hồi kinh tế hậu Covid-19 ở Indonesia”, theo Văn phòng tổng thống Pháp. Ông Widodo và người đồng cấp Pháp cũng đã xem xét quan hệ hợp tác tại ASEAN.

Các cuộc hội đàm này diễn ra trước chuyến thăm Jakarta của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Sau Ý, Indonesia sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của nhóm G20.

Tổng thống Macron cũng đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Rome. Hai bên đã “đồng thuận về việc hợp tác để đưa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở thành một khu vực ổn định và thịnh vượng”.

Pháp, đất nước sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của EU vào năm 2022, xem mình là một cường quốc ở Thái Bình Dương nhờ các lãnh thổ hải ngoại như New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp. Paris cũng đang theo đuổi mục tiêu trở thành quốc gia có ảnh hưởng lớn hơn đối với khu vực, đặc biệt là thông qua Đông Nam Á.

 

ĐÔNG A

TNO