Trung Quốc thách thức năng lực không gian của Mỹ
Trung Quốc thách thức năng lực không gian của Mỹ
Lãnh đạo Lực lượng Không gian Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể chiếm vị thế hàng đầu của quân đội Mỹ trong không gian nếu Washington không triển khai nhanh các công nghệ mới.
Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 2F mang tàu vũ trụ Thần Châu 13 lên không gian hôm 16.10 AFP |
Tướng David Thompson, Phó tham mưu trưởng Lực lượng Không gian Mỹ, vừa đưa ra cảnh báo rằng quân đội Mỹ cần triển khai nhanh các công nghệ mới để duy trì ưu thế trong lĩnh vực tác chiến tương lai, theo tờ The Washington Times.
Trung Quốc tăng tốc
Ông Thompson cho biết từ năm 2007, Trung Quốc và Nga đã chú ý đến cách Mỹ sử dụng không gian để phục vụ các hoạt động quân sự và đã bắt đầu phát triển các vũ khí nhằm tước đi năng lực đó của Mỹ. Nhân vật số 2 của Lực lượng Không gian Mỹ nhấn mạnh 10 năm tới sẽ là giai đoạn quan trọng khi Trung Quốc và các đối thủ sẽ ngày càng triển khai những năng lực không gian mới.
Tướng Thompson cho rằng những hoạt động không gian của Trung Quốc ngày càng giống với những nước đi của Mỹ. Bên cạnh đó, ông cho biết số lượng vệ tinh của quân đội Trung Quốc ngày càng gia tăng và dàn trải ra quy mô toàn cầu thay vì tập trung tại khu vực Tây Thái Bình Dương như trước, giúp nước này quan sát, theo dõi và phòng thủ từ không gian.
Ông Thompson nhận định điểm quan trọng nhất là quá trình phát triển và triển khai các năng lực không gian mới của Trung Quốc ngày càng được rút ngắn. Cùng một hệ thống có năng lực tương đương nhưng Trung Quốc đang tiến gần đến khả năng triển khai trong khoảng thời gian chỉ bằng nửa thời gian của Mỹ.
Viện Nghiên cứu không gian vũ trụ Trung Quốc thuộc Đại học Không quân Mỹ gần đây cũng công bố báo cáo cho rằng quân đội Trung Quốc đang phát triển và triển khai một loạt hệ thống tác chiến không gian như tên lửa chống vệ tinh và vũ khí tác chiến mạng nhằm kiểm soát không gian.
Báo cáo nêu rằng quân đội Trung Quốc xác định không gian là vùng tác chiến phải chiếm giữ nếu muốn thắng cuộc chiến trong tương lai. “Các sĩ quan và nhà phân tích của Quân giải phóng nhân dân xác định rằng ai kiểm soát không gian sẽ là người kiểm soát trái đất”, báo cáo nhấn mạnh.
Thành viên Lực lượng Không gian Mỹ tuyên thệ gia nhập lực lượng tại căn cứ ở Qatar hồi tháng 2KHÔNG LỰC VỆ BINH QUỐC GIA MỸ |
Thách thức với Mỹ
Theo tướng Thompson, thách thức chủ chốt mà Lực lượng Không gian Mỹ đối diện là cần rút ngắn thời gian triển khai năng lực không gian mới.
Năm 2019, Lầu Năm Góc thành lập Văn phòng đẩy nhanh các năng lực không gian nhằm xây dựng những công nghệ tiên tiến hoàn toàn mới trong thời gian ngắn, từ 2-3 năm thay vì khung thời gian chuẩn là 6-7 năm. Hồi tháng 2, Lực lượng Không gian cũng thành lập Cơ quan Phát triển không gian nhằm nâng cấp các hệ thống sẵn có để phục vụ cho lĩnh vực không gian với mục tiêu là rút ngắn thời gian biên chế.
Tướng Thompson nhận định điều rất quan trọng là không chỉ giữ tốc độ phát triển mà còn phải duy trì thế dẫn đầu so với mối đe dọa từ các hệ thống của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Lực lượng Không gian Mỹ từ khi được Tổng thống Donald Trump thành lập đã vấp phải sự phản đối từ phía đảng Dân chủ, những người chỉ trích việc thành lập là đe dọa hòa bình trong không gian và lãng phí. Một số nghị sĩ thậm chí công bố dự luật kêu gọi giải thể lực lượng này.
Bên cạnh đó, vì là quân chủng “trẻ nhất” trong các lực lượng vũ trang Mỹ, nên những khả năng mà lực lượng này có thể thực hiện vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo chỉ số sức mạnh quân đội Mỹ 2022 do tổ chức Quỹ Di sản công bố trong tuần này, Lực lượng Không gian được đánh giá mức “yếu”, mức kề cuối, trong các quân chủng Mỹ, xét về năng lực, khả năng và độ sẵn sàng.
VI TRÂN
TNO