23/01/2025

TP.HCM chính thức cho bán tại chỗ từ hôm nay

TP.HCM chính thức cho bán tại chỗ từ hôm nay

Cuối ngày hôm qua, TP.HCM đã ban hành Công văn số 3569 cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ kể từ hôm nay (28.10) với một số điều kiện cụ thể.

 

 

TP.HCM chính thức cho bán tại chỗ từ hôm nay - ảnh 1
Từ ngày 28.10 hàng quán tại TP.HCM được bán tại chỗ với 50% công suất NGỌC DƯƠNG

Bán tại chỗ nhưng cấm bán rượu, bia

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được bán tại chỗ khi đảm bảo theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được ban hành cùng ngày theo Quyết định số 3677. Thời gian hoạt động của nhà hàng, quán ăn sẽ kết thúc trước 21 giờ hằng ngày; Công suất hoạt động tối đa 50%; Không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn.

Bên cạnh đó, TP.HCM giao UBND Q.7 và UBND TP.Thủ Đức quyết định cụ thể địa bàn được thực hiện thí điểm hoạt động kinh doanh ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn và thời gian thí điểm đến hết ngày 15.11. Sau thời gian thực hiện thí điểm, Chủ tịch UBND Q.7 và TP.Thủ Đức tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; báo cáo đề xuất UBND TP làm cơ sở để tiếp tục triển khai và nhân rộng tại các địa bàn khác.

TP.HCM chính thức cho bán tại chỗ từ hôm nay - ảnh 2
Từ ngày 28.10 hàng quán tại TP.HCM được bán tại chỗ với 50% công suất  NGỌC DƯƠNG

Như vậy, quy định với các điều kiện chi tiết nêu trên giống như đề xuất mới nhất của Sở Công thương TP.HCM. Trong khi đó, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống rút ngắn từ 6 tiêu chí theo kiến nghị của Ban Quản lý an toàn thực phẩm xuống còn 4 tiêu chí (trong đó bỏ yêu cầu không bật máy lạnh, không phục vụ rượu, bia).

Thực tế lâu nay các nhà hàng, quán ăn trông ngóng được bán tại chỗ, đặc biệt các quán có mặt bằng rộng, thoáng, đảm bảo sắp xếp cho khách ngồi giãn cách thoải mái.

Nhà hàng vẫn gặp khó

Mặc dù khá phấn khởi trước thông tin TP cho bán trở lại, nhưng theo ông L.N.H, chủ hệ thống nhà hàng H.D, quy định chỉ cho các nhà hàng, quán ăn ở Q.7 và TP.Thủ Đức mới được phép bán bia, rượu là chưa hợp lý. Bởi việc phòng chống dịch bệnh không thể dựa trên địa giới hành chính, khoanh vùng vì không hiệu quả. Hơn nữa, TP.HCM đã cho phép người dân đi lại không hạn chế trên tất cả quận huyện nên việc khoanh vùng này sẽ gây ra nhiều hệ quả khó lường.

Chúng ta đã xác định vi rút biến thể Delta này có tần suất lây lan nhanh, chúng ta không ủng hộ cho tập trung đông người trong không gian chật hẹp, không đảm bảo được khoảng cách. Vậy các nhà hàng quán ăn cũng như chợ truyền thống và siêu thị, bắt đầu mở từ không gian thoáng, các nước yêu cầu tuần thủ 3K (khoảng cách, khẩu trang, khử khuẩn), chúng ta có tận 5K nên tự tin cho mở và tìm mọi cách hỗ trợ để doanh nghiệp kinh doanh tăng doanh thu là tốt nhất.

Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa (Giám đốc Công ty tư vấn IME Vietnam)

Chẳng hạn, người dân từ các quận khác sẽ có khả năng đổ xô đến các nhà hàng tại Q.7 và TP.Thủ Đức và từ đó lại tạo ra nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn cho hai vùng này. Hoặc quy định đó dù là thí điểm cũng khiến các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống cạnh tranh với nhau quá khó khăn. Ông nhấn mạnh: quy định cấm bán rượu, bia sẽ khiến các nhà hàng mở lại cũng dễ bị “chết” vì dễ vi phạm khi không kiểm soát được việc khách hàng mang theo thức uống có cồn vào nhà hàng. Còn nếu tiếp tục đóng cửa hay chỉ bán mang về thì “cũng chết”, vì doanh thu không đủ bù chi phí.

Ông L.N.H cũng kiến nghị giờ hoạt động nên kéo dài đến 22 giờ như hoạt động của các trung tâm thương mại, siêu thị hiện nay. Vì nếu phải kết thúc trước 21 giờ thì quá sớm, không đủ thời gian cho khách ăn uống tại chỗ buổi tối.

Còn đại diện Mylife Company và hệ thống nhà hàng Yen Sushi & Sake Pub cho rằng đối với DN, sức khỏe của nhân viên và khách hàng luôn đặt trên hết nên luôn sẵn sàng, chủ động và tuân thủ, chấp hành quy định của nhà nước trong công tác phòng chống dịch. DN đồng tình với yêu cầu xét nghiệm tầm soát, sàng lọc định kỳ, nhưng chi phí xét nghiệm cao kéo theo chi phí vận hành cao hơn trong khi công suất/doanh thu nhà hàng thì tối đa chỉ bằng 50% ngày thường. Vị này hy vọng nhà nước có thể hỗ trợ DN chi phí xét nghiệm, tiền thuê mặt bằng… để giảm bớt áp lực cũng như sớm phục hồi, tạo công việc, thu nhập cho người lao động.

Việc bị hạn chế về cả công suất, thời gian và đồ uống thì sẽ không có hiệu quả về lợi nhuận kinh doanh, DN khó có thể hoạt động trở lại. “Có thể thấy rằng việc phục vụ sau 21 giờ hay sử dụng rượu bia không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến dịch bệnh phát triển nên chúng tôi hy vọng nhà nước nới lỏng quy định đối với dịch vụ ăn uống, tập trung vào việc kiểm soát 5K, tiêm vắc xin, ngồi giãn cách nhưng không giới hạn thời gian hoạt động và phục vụ thức uống”, đại diện Yen Sushi & Sake Pub nói.

TP.HCM chính thức cho bán tại chỗ từ hôm nay - ảnh 3
Từ ngày 28.10 hàng quán tại TP.HCM được bán tại chỗ với 50% công suất  KHẢ HÒA

Chỉ quy định 5K là đủ

Chuyên kinh doanh món Hoa, chủ nhà hàng D. tại Q.5 tỏ ra vui mừng khi TP chính thức cho bán tại chỗ sau nhiều ngày trông ngóng. Tuy nhiên, việc cấm bán rượu bia ở các quận, huyện, trừ Q.7, TP.Thủ Đức lại khiến ông lo lắng khách hàng sẽ “khó chịu” và không đến nhà hàng. Vị này nói: “Lâu nay cứ nghe cho mở bán tại chỗ trở lại, chúng tôi tưởng sẽ triển khai sớm ngay đầu tháng 10, vì nhà hàng lớn, diện tích rộng, phục vụ giãn cách hoàn toàn đáp ứng được. Ngoài ra, nhân viên tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nên rất nhiều khách gọi đến đặt bàn. Tôi giải thích riết đến mức thuộc Bộ tiêu chí số mấy và thay đổi thế nào. Nhưng mà quy định chỉ có Q.7, Thủ Đức được bán bia, rượu, vậy các nhà hàng ở các quận 1, 3, 5… chắc cũng tiếp tục bán hàng mang về. Chứ bán cho khách ăn tại chỗ mà không phục vụ cho họ chai bia, ly rượu thì quá khó. Hơn nữa, cho mở cửa cả ngày tại sao không mở đến 22 giờ mà phải 21 giờ, cũng đâu có gì khác nhau?”.

Không chỉ nhà hàng lớn, các hộ kinh doanh cũng thấy bất tiện với quy định mới. Chị Thu Thủy, chủ tiệm bún bò trên đường Ni Sư Huỳnh Liên (Q.Tân Bình), cho rằng chỉ cần quy định thực hiện 5K từ quán đến khách hàng là đủ, vì nay rất nhiều người dân tại TP.HCM đã tiêm vắc xin 2 mũi. Nhân viên hàng quán nếu có dấu hiệu ho, sốt… thì cũng sẽ xét nghiệm nhanh. Quán có diện tích nhỏ nên quy định 50% công suất cũng sẽ khiến lượng khách hạn chế, chưa như mong đợi của nhiều quán ăn nhỏ, quán vỉa hè.

TP.HCM chính thức cho bán tại chỗ từ hôm nay - ảnh 4

Đồng quan điểm, chị Hoa, chủ quán cà phê Nemo (Q.Tân Phú), cho hay từ hôm nay 28.10, chị mới cho nhân viên ra làm vệ sinh quán để sắp xếp hoạt động, dù từ đầu tháng 10 đến giờ ngóng hoài. Chị cho biết tất cả nhân viên phục vụ của quán đều đã tiêm 2 mũi vắc xin từ lâu, yêu cầu trong suốt thời gian hoạt động sẽ đeo khẩu trang, găng tay y tế, giữ khoảng cách với khách. Vì thế, TP không cần quy định hoạt động 50% công suất, vì hiện nay nhiều hàng quán mở bán lại khách cũng chưa thể đông như trước. Trong khi đó, hàng quán đều chủ động sắp xếp bàn ghế cách xa nhau, nhất là với hệ thống cà phê sân vườn… Chưa kể, hiện nay nhiều khách đi uống cà phê cũng có ý thức phòng dịch rất cao, mang theo chai sát khuẩn tay, tự động “né” những nơi quá đông người.

“Tôi cho rằng chỉ cần cho phép các hàng quán mở bán tại chỗ với quy định đảm bảo 5K là đủ. Nếu đưa ra nhiều tiêu chí cụ thể thì gây khó cho các cơ sở và nhà nước cũng không thể đi kiểm tra hết”, chị Hoa chia sẻ thêm.

MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA

TNO