Làm thế nào để xây 1 triệu căn nhà cho công nhân?
Làm thế nào để xây 1 triệu căn nhà cho công nhân?
UBND TP.HCM có ý tưởng xây dựng khoảng 1 triệu căn nhà cho công nhân. Quỹ đất có sẵn nhưng để làm được điều này vẫn cần kèm theo nhiều điều kiện.
Để giữ chân công nhân và chống dịch
Đợt dịch Covid-19 lần này cho thấy, các khu nhà trọ chật chội, ẩm thấp khiến nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Do hạ tầng, điều kiện sống không đảm bảo nên việc cách ly, giãn cách tại chỗ cũng không mang lại nhiều hiệu quả. Chính vì vậy, chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân trở nên cấp thiết.
Tại TP.HCM, trong cuộc tiếp xúc cử tri, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề cập đến việc nghiên cứu xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và lao động nhập cư để giữ chân họ khi thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Cần yêu cầu các khu công nghiệp bắt buộc phải giành quỹ đất để làm nhà lưu trú cho công nhân ĐÌNH SƠN |
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM trong buổi làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng khẳng định, trong 1 năm thành phố có thể xây dựng được khoảng 300.000 căn nhà cho công nhân bởi hiện nay thành phố có nhiều quỹ đất lớn sẵn.
Theo ông Lê Hòa Bình, đại dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quản lý đô thị của thành phố, trong đó có chuyện lo nhà ở cho người lao động. Như tại quận 7 có 100.000 nhà trọ cho công nhân thuê, có phòng trọ chỉ rộng 20 – 30 m2 nhưng đến 5 – 6 người ở. Công nhân thuê ở rải rác trong các khu nhà trọ tự phát, không tập trung nên ngoài lây nhiễm chéo thì các doanh nghiệp muốn thực hiện mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến” hay “3 tại chỗ” cũng không thể áp dụng. Do đó, thành phố sẽ mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân từ quỹ đất có sẵn để giãn người lao động ra khỏi các khu nhà ở trọ chưa đủ tiêu chuẩn.
Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân
Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết việc phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp sẽ được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM đến năm 2025. Hiện Sở Xây dựng đã trình lãnh đạo thành phố, dự kiến sẽ sớm được xem xét thông qua để hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lại đời sống của người lao động trên địa bàn TP.HCM.
Các khu công nghiệp phải làm nhà lưu trú cho công nhân
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho biết, hiện nay 70% công nhân là người từ các tỉnh về làm việc. Dù đã cống hiến 20 – 30 năm cho TP nhưng số người mua được nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa số công nhân là ở nhà trọ. Chính vì không có chỗ ở ổn định nên mỗi khi TP có vụ việc gì xảy ra, họ thường lui về quê trú ẩn, điển hình như đợt dịch Covid-19 vừa qua. Do đó, việc xây nhà cho công nhân là điều nên làm để giúp họ an cư, lạc nghiệp, giữ chân người lao động ở lại cống hiến cho TP.
“23 khu công nghiệp, khu chế xuất nên dành đất để xây nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân để họ đi làm thuận tiện và sống chung với dịch lâu dài. Những nơi đã có quy hoạch đất xây nhà lưu trú cho công nhân, TP bắt buộc các chủ đầu tư phải làm. Nếu chưa có, cần quy hoạch thuê quỹ đất. Về lâu dài vẫn phải sống chung với dịch nên nhà lưu trú, ký túc xá gần các khu công nghiệp, khu chế xuất là an toàn nhất vì nếu để họ về sống trọ thì nếu người dân bị F0, công nhân cũng bị và ngược lại”- ông Bé nói và cho biết thời gian qua những công ty có nhà lưu trú cho công nhân mùa dịch vừa rồi họ rất chủ động, ít bị ảnh hưởng. Nên các khu công nghiệp, khu chế xuất có làm nhà cho công nhân sẽ không sợ dịch. “Để làm được điều này ngoài việc bắt buộc các chủ đầu tư khu công nghiệp phải quy hoạch quỹ đất xây nhà lưu trú cho công nhân thì nên phát động cho các nhà trọ làm theo quy chuẩn, quy cách, mẫu mã…đủ tiêu chuẩn thì cho hoạt động”, ông Bé đề xuất.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiệp hội đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng đồng ý về xây dựng đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp, dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới. Mục tiêu là phát triển được loại căn hộ có diện tích 25 – 50 m2, mức giá không quá 25 triệu đồng/m2 có thể đáp ứng chỗ ở cho công nhân. Để làm được điều này cần ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuê đất… Ví dụ, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi cho dự án nhà ở thương mại giá thấp sẽ được giảm 30 – 50% so với tiền sử dụng đất phải nộp. Đồng thời giảm 70% thuế VAT, giảm 70% thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất ưu đãi như đối với ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội.
Đề xuất thêm gói 30.000 tỉ đồng
Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ đã kiến nghị sửa luật Nhà ở trong đó cần có cơ chế, chính sách về đất, lãi suất, diện tích sử dụng… để xây nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Cụ thể, trong quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê, giao chủ đầu tư khu công nghiệp phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân, diện tích sử dụng tối thiểu khoảng 10 m2/người.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho rằng, cần có cơ chế ưu đãi miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp.
Để giữ chân công nhân và chống dịch hiệu quả không thể thiếu các khu nhà lưu trú, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp ĐÌNH SƠN |
Trong khi chờ đợi sửa luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp ngắn hạn về nhà ở công nhân là đề nghị UBND cấp tỉnh rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp nghiên cứu dành một phần quỹ đất dịch vụ trong khu công nghiệp làm nhà lưu trú công nhân.
Các địa phương rà soát đối với các khu công nghiệp, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân. Việc này góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân), thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.
ĐÌNH SƠN
TNO