23/01/2025

Kế hoạch ‘bẻ khoá’ vắc xin Moderna

Kế hoạch ‘bẻ khoá’ vắc xin Moderna

Tổ chức Y tế thế giới có động thái hiếm thấy khi thuê một công ty châu Phi nghiên cứu bào chế vắc xin Covid-19 giống của Moderna.

 

 

Theo Đài NPR, Tổ chức Y tế thế giới ((WHO)) mới đây đã thuê Công ty sinh học và vắc xin Afrigen (Afrigen – Nam Phi) tham gia kế hoạch xác định cách bào chế vắc xin ARN thông tin ngừa Covid-19 càng giống của Hãng Moderna (Mỹ) càng tốt. Đây là động thái bất thường của WHO, được tiến hành trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường tại nhiều khu vực trên thế giới.

Kế hoạch 'bẻ khóa' vắc xin Moderna - ảnh 1
Các chuyên gia tại phòng thí nghiệm của Afrigen ở Cape Town, Nam Phi CHỤP MÀN HÌNH NPR

Thách thức không nhỏ

Cho đến thời gian gần đây, Afrigen chỉ chuyên phát triển vắc xin thú y, sử dụng các biện pháp khá thông thường. Giờ đây, Giám đốc điều hành Petro Terblanche cho biết các phòng thí nghiệm của công ty đang nghiên cứu công nghệ hiện đại trong bào chế vắc xin ARN thông tin. “Các bạn sẽ thấy những nhà khoa học mặc áo choàng trắng với những thiết bị bảo hộ cá nhân đầy đủ, làm việc với môi trường hỗ trợ hoạt tính sinh học để làm ra ADN thực thụ. Các bạn sẽ thấy những phòng vô trùng thực hiện các thử nghiệm, những phòng xác định mức độ ổn định của sản phẩm trong các điều kiện độ ẩm và nhiệt độ khác nhau”, theo bà Terblanche.

Afrigen cho biết còn vô số điều chưa nắm bắt hết, do bằng sáng chế của Moderna được viết một cách cẩn thận và khéo léo để không tiết lộ mọi thứ. Do đó, dù đoán được hầu hết các thiết bị và thành phần chuyên dụng, Afrigen vẫn chưa biết được nồng độ chính xác. Một vấn đề hóc búa là làm thế nào để bắt chước hạt nano lipid của Moderna, vốn có nhiệm vụ vận chuyển ARN thông tin đến những nơi then chốt như lá lách và các hạch bạch huyết, khi vắc xin được tiêm vào cơ thể. Trong khi đó, các hạt nano lipid là vấn đề hoàn toàn mới đối với những chuyên gia của Afrigen.

Kỳ vọng lớn

Một khi Afrigen xác định được mọi bước phức tạp để có thể bào chế vắc xin Covid-19 như của Moderna trên quy mô công nghiệp, WHO và các đối tác khác dự định sẽ đầu tư để Afrigen trở thành một trung tâm đào tạo. “Chúng tôi gọi đó là một trung tâm chuyển giao công nghệ. Các nhà sản xuất trên khắp thế giới sẽ được mời đến học toàn bộ quy trình”, theo quan chức Martin Friede của WHO phụ trách kế hoạch này. Khi đó, các nhà sản xuất tại những nước thu nhập thấp và trung bình sẽ nắm bắt được công nghệ bào chế vắc xin Covid-19 đang rất cần thiết. Chẳng hạn như châu Phi hoặc Trung Đông đang chịu đựng hậu quả của đại dịch do thiếu năng lực sản xuất vắc xin. Hiện chỉ 5% người dân châu Phi được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, trong khi nhiều nước giàu đã tiêm hơn 50% dân số.

Trong khi đó, Moderna đối diện áp lực ngày càng gia tăng trong việc chia sẻ cách bào chế vắc xin Covid-19. Ngày 12.10, một nhóm nghị sĩ Mỹ đưa ra lá thư nói rõ rằng Moderna đã được hỗ trợ nhiều từ ngân sách trong phát triển vắc xin, với ít nhất 1 tỉ USD chỉ cho giai đoạn nghiên cứu. Do đó, họ cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nên vận dụng những điều khoản trong hợp đồng với Moderna để buộc hãng tiết lộ quy trình.

Vì sao chọn Moderna

Theo quan chức WHO Martin Friede, kế hoạch tập trung vào việc sản xuất vắc xin ARN thông tin là vì công nghệ này tỏ ra rất hiệu quả trong phòng ngừa Covid-19, và vì nó còn hứa hẹn khả năng vận dụng trong bào chế các vắc xin ngừa sốt rét và lao. Khi được hỏi vì sao WHO chọn Moderna để sao chép thay vì chọn vắc xin ARN thông tin của Pfizer – BioNTech, ông cho biết lý do mang tính thực dụng. “Moderna đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong đại dịch”, ông phân tích. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất khác có thể không bị kiện nếu sản xuất một vắc xin hầu như giống hệt sản phẩm của Moderna. Bên cạnh đó, vắc xin của Moderna cũng có nhiều thông tin công khai hơn.

Khi được đề nghị đưa ra bình luận, Moderna đề cập thông cáo trên trang web của công ty về cam kết “bảo vệ càng nhiều người trên thế giới càng tốt”. Moderna cho biết trong số các bước nhằm mở rộng khả năng tiếp cận vắc xin tại những nước thu nhập thấp, hãng đã công bố kế hoạch xây nhà máy ở châu Phi và sẽ sớm tìm kiếm địa điểm. Liên doanh Pfizer – BioNTech (Mỹ – Đức) cũng đã thông báo tương tự. Tuy nhiên, ông Friede cho rằng các nhà máy đó sẽ có tác dụng giới hạn vì không phải là một trung tâm đào tạo, dù vẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh đó, ông cho hay Moderna ít nhất cũng đang trao đổi với WHO và ông hy vọng công ty sẽ đồng ý về một hình thức chuyển giao công nghệ nào đó. Khi đó, các hãng có thể sản xuất vắc xin giống như của Moderna trong vòng 2 năm tới, thay vì 3 – 4 năm. Bà Terblanche còn lạc quan rằng trong tương lai, các hãng còn bào chế được vắc xin tốt hơn, dựa trên công nghệ của Moderna.

KHÁNH AN

TNO