Giữ thanh tra xây dựng hay chuyển thành dịch vụ ?

Giữ thanh tra xây dựng hay chuyển thành dịch vụ ?

Thanh tra Chính phủ vừa lấy ý kiến cho dự thảo luật Thanh tra sửa đổi, trong đó lĩnh vực xây dựng đã không còn thanh tra xây dựng cấp sở mà chuyển về cho thanh tra cấp tỉnh phụ trách chung.

 

 

 

Dùng dịch vụ thanh tra xây dựng

Theo dự thảo, chỉ thành lập thanh tra sở là cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số lĩnh vực có nhu cầu thanh tra cao và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp như: tài nguyên – môi trường, tài chính, khoa học – công nghệ, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, lao động – thương binh – xã hội, kế hoạch đầu tư, công thương, thông tin – truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch và nội vụ. Những lĩnh vực quản lý nhà nước không thành lập thanh tra sở thì chức năng thanh tra do thanh tra tỉnh thực hiện.

Nhiều hoạt động được quy định là thanh tra chuyên ngành hiện nay (thanh tra thường xuyên) thực chất là hoạt động kiểm tra sẽ không nằm trong hệ thống các cơ quan thanh tra, không hoạt động theo quy định của luật Thanh tra. Các hoạt động này thực hiện theo các quy định về kiểm tra chuyên ngành nhằm mục đích giữ gìn trật tự, kỷ cương công cộng mà không cần thiết phải giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan này như hiện nay, ví dụ như đội quản lý trật tự xây dựng, đội quản lý an toàn giao thông, ban vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thanh tra Chính phủ nhận định điều này tách bạch giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra đang có sự lẫn lộn và gây ra sự phản ứng khi cho rằng có quá nhiều cơ quan tiến hành thanh tra, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Như vậy có thể thấy trong luật Thanh tra sửa đổi lần này lĩnh vực xây dựng, đô thị sẽ không còn thanh tra ở cấp sở mà sẽ trở thành hoạt động kiểm tra chuyên ngành do thanh tra tỉnh, TP đảm nhận.

Trước đó, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng đề xuất tinh giản tiến tới xóa bỏ lực lượng thanh tra xây dựng mà chuyển sang sử dụng dịch vụ thanh tra xây dựng để giảm biên chế và tăng hiệu quả của công tác này. Bởi ở nhiều nước trên thế giới, khi cấp giấy phép xây dựng, chính quyền sẽ thu luôn một khoản phí dùng để thuê dịch vụ kiểm tra doanh nghiệp, người dân có thực hiện đúng giấy phép được cấp hay không. Lực lượng này không thuộc biên chế của nhà nước. Khi thuê dịch vụ như vậy, có thể kiểm soát được chất lượng, đơn vị nào làm tốt sẽ tiếp tục được thuê và ngược lại.

TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, vai trò của lực lượng thanh tra xây dựng trong xã hội không được phát huy. Có nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng được báo chí phanh phui, người dân phát hiện tố giác nhưng thanh tra xây dựng không xử lý đến nơi đến chốn, những người có trách nhiệm trả lời vòng vo. Điều đó cho thấy lực lượng này hoạt động chưa hiệu quả. Cũng theo TS Phạm Sỹ Liêm, hiện từ cấp phường xã, quận huyện và đến TP có nhiều lực lượng quản lý về xây dựng như lực lượng địa chính ở phường xã, đô thị ở quận huyện và thanh tra xây dựng ở sở xây dựng. Dù khá đông nhưng vi phạm về xây dựng vẫn diễn ra tràn lan không chỉ ở nhà dân mà cả ở các công trình lớn do có sự bao che, tiêu cực của các lực lượng, trong đó có thanh tra xây dựng.

“Nhiều nước không tồn tại lực lượng này nên VN có thể học tập kinh nghiệm. Trước mắt, có thể thực hiện thí điểm ở một vài nơi tại TP.HCM, Hà Nội rồi tổng kết, so sánh. Nếu thấy sử dụng dịch vụ thanh tra xây dựng hiệu quả hơn duy trì lực lượng này như hiện nay thì nhân rộng mô hình rồi dần dần tiến tới bỏ hẳn, xã hội hóa hoạt động này”, TS Liêm đề xuất.

Duy trì và quản chặt hơn

Trong khi đó, ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Trường Phát, lại cho rằng việc bỏ hẳn thanh tra xây dựng trong bối cảnh VN vẫn chưa có các công ty cung cấp dịch vụ này sẽ gây nên nhiều biến động, xáo trộn đến đời sống người dân, lĩnh vực xây dựng, nhất là ở các TP lớn đang phát triển mạnh như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… “Cũng không thể phủ nhận vai trò của lực lượng này trong thời gian qua. Điển hình như ở TP.HCM khi Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP thì số công trình vi phạm giảm hơn 80%. Điều này có thể thấy nếu quản lý nghiêm, lực lượng này sẽ góp phần hạn chế xây dựng không phép, sai phép của người dân và doanh nghiệp. Nếu bỏ thanh tra xây dựng có thể thí điểm trước ở một vài địa phương”, vị này cho biết.

TS Phạm Sỹ Liêm gợi ý: Lực lượng thanh tra xây dựng hiện nay có thể chuyển thành các công ty, đơn vị nhận làm công tác thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật của chủ đầu tư khi xây dựng. Cơ quan nhà nước chỉ duy trì một bộ phận nhỏ để làm kế hoạch thanh tra trước khi đặt hàng.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, cũng lo ngại nếu bỏ thanh tra xây dựng sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý về xây dựng của địa phương. Bởi nếu đưa về thanh tra tỉnh thì hiện nay không có thanh tra ở cấp huyện mà chỉ có thanh tra TP, thanh tra tỉnh nên không thể kiểm tra xử lý vi phạm xây dựng ở cấp địa phương, nhất là phường xã. Trong khi đó các ngành khác đều có thanh tra chuyên ngành thì việc ngành xây dựng đang “nóng bỏng” lại bị bỏ quên là một bất cập. “Tỉnh đã kiến nghị nên duy trì thanh tra xây dựng bởi nếu bỏ sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý xây dựng của tỉnh”, ông Ngân cho hay.

ĐÌNH SƠN

TNO