Tràn lan kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt không phép

Tràn lan kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt không phép

Hiện có rất nhiều loại kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt được bày bán trên thị trường chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, không rõ nguồn gốc nhưng nhiều người vẫn tìm mua để sử dụng. 

 

 

Thậm chí, có nơi còn “nổ” sản phẩm đã được cấp phép, có độ nhạy đến 99,99%.

Loạn giá trên mạng

Chỉ cần vào mục tìm kiếm của Facebook, gõ “kit test nước bọt” sẽ hiện ra rất nhiều câu chào mời, quảng cáo về dòng sản phẩm này. Trong vai một khách đang cần tìm mua kit test nước bọt, PV Thanh Niên được mời chào mua các sản phẩm kit test đa dạng từ các nhà sản xuất khác nhau với giá như sau: Sanicom (Đức) có giá khoảng 120.000 – 130.000 đồng/test; LongSee (Đức) giá khoảng 110.000 đồng/test; Realy Tech ((Trung Quốc)) khoảng 130.000 đồng /test; PCL Spit (Hàn Quốc) khoảng 265.000 đồng/test; Toyama (Nhật) có giá lên đến 500.000 đồng/test.

Tràn lan kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt không phép - ảnh 1
Loại kit test nhanh bằng nước bọt PV Thanh Niên mua với giá 120.000 đồng DUY TÍNH

Khi chúng tôi bày tỏ ý định lấy số lượng lớn để kinh doanh hoặc cho doanh nghiệp sử dụng thì được người bán chào giá tốt hơn. Loại Sanicom (Đức) có giá 115.000 đồng/test nếu lấy từ 10 hộp (giảm 15.000 đồng/test so với mua lẻ); LongSee (Đức) có giá 70.000 đồng/test nếu lấy từ 300 test (giảm đến 40.000 đồng/test so với mua lẻ); PCL Spit (Hàn Quốc) giá 185.000 đồng/test nếu lấy từ 30 test (giảm sâu đến 80.000 đồng/test so với mua lẻ).

PV hỏi về độ tin cậy của kết quả các test nhanh này thì hầu hết người bán đều khẳng định sản phẩm của mình có độ chính xác từ 98,5% trở lên, thậm chí có người còn khẳng định độ chính xác lên tới 99,99%! Kèm theo đó là những lời giới thiệu “mát tai” về những ưu điểm của loại kit test này như: dễ sử dụng bằng cách lấy nước bọt mà không gây khó chịu như test bằng que tăm bông, êm dịu với trẻ em, không gây kích ứng khi sử dụng, độ chính xác cao…

Không chỉ trên mạng xã hội Facebook, PV cũng có thể dễ dàng tìm mua kit test nói trên tại các sàn thương mại điện tử có tiếng như Shopee hay Lazada hoặc các website khác. Tuy nhiên khi thử tìm mua que test nước bọt tại các hiệu thuốc trên địa bàn TP.HCM thì đều không có hàng. Các hiệu thuốc lý giải rằng vì sản phẩm này vẫn chưa được cấp phép nên vẫn chưa nhập hàng về bán được.

Lập lờ việc cấp phép

Khi chúng tôi đặt câu hỏi “sản phẩm đã được cấp phép của Bộ Y tế hay chưa?”, thì nhận được câu trả lời từ tài khoản Facebook N.T.L – cung cấp kit test Sanicom (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM): “Hiện tại các loại que test đã được chứng nhận tại Đức nhưng còn trong thời gian xét duyệt tại VN nên chỉ có giá trị test nhanh thôi. Còn nếu muốn chính xác phải xét nghiệm PCR vì nhiều lúc que test sẽ có kết quả dương tính giả”.

Cùng câu hỏi như trên, người tư vấn trang Fanpage M – cung cấp kit test Sanicom, trả lời: “Hiện tại Việt Nam vẫn chưa cấp phép cho dòng sản phẩm này trên thị trường, nhưng bên nước ngoài thì đã sử dụng phổ biến rộng rãi sản phẩm này”. Cũng có những trường hợp khi chúng tôi hỏi về giấy phép tại VN, người bán im lặng và dừng ngay cuộc trao đổi vì nghĩ chúng tôi không có thiện chí mua hàng mà chỉ muốn điều tra về sản phẩm của họ.

Còn chị S.V bán kit test PCL Spit của (Hàn Quốc) khẳng định chắc nịch rằng “đây là bộ kit đã được cấp phép”. Để chắc chắn hơn, chúng tôi hỏi lại một lần nữa việc cấp phép này có phải của Bộ Y tế không, chị V. trả lời là “đúng”. Không dừng lại ở lời khẳng định từ phía người bán mà trong giấy hướng dẫn sử dụng tiếng Việt của sản phẩm còn in những dòng chữ như “Kit test Covid-19 nhanh bằng mẫu nước bọt đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép”, hay dòng in đậm màu đỏ “BYT cấp phép ban hành” nhưng lại không đính kèm số giấy phép được cấp. Ngoài ra, giấy hướng dẫn sử dụng còn in tên công ty phân phối sản phẩm về VN chứ không phải hàng “xách tay” như các loại que test khác.

Tràn lan kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt không phép - ảnh 2
Giấy hướng dẫn sử dụng của kit test PCL Spit ghi rằng đây là kit test đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép (?) YẾN LINH

Chưa cấp phép thì không nên dùng

Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở chưa nhận được thông tin Bộ Y tế đã cho phép loại test nhanh Covid-19 bằng nước bọt. Theo đó, để chấn chỉnh tình trạng bán buôn kit test này trên địa bàn TP.HCM, Sở Y tế sẽ rà soát, kiểm tra và xử lý.

Còn đại diện Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) khẳng định, đến nay Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt nhưng hiện nay, quan điểm của Bộ Y tế là rất ủng hộ nghiên cứu phương pháp mới. Tuy nhiên, phải cần có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá hiệu quả, tác dụng thì mới cấp phép cho test nhanh bằng nước bọt. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên mua các sản phẩm đã được thẩm định, cấp phép để đảm bảo chất lượng. Nếu kit test không đảm bảo chất lượng sẽ rất nguy hiểm vì có thể cho kết quả âm tính giả, làm lây lan dịch bệnh.

Test nhanh bằng nước bọt thân thiện với trẻ em

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia bệnh truyền nhiễm), test nhanh bằng nước bọt thân thiện với trẻ em; còn phương pháp lấy dịch tị hầu với tăm bông to, dễ gây đau đớn, chảy máu mũi trong quá trình lấy mẫu.

Bác sĩ Khanh cũng cho rằng nước bọt là nơi chứa nhiều vi rút nhất, test nhanh bằng nước bọt độ chính xác có thể cao hơn cả test nhanh bằng lấy dịch tị hầu. Vấn đề là kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt phải được thẩm định chất lượng, cấp phép trước khi lưu hành trên thị trường.

DUY TÍNH – YẾN LINH

TNO