23/12/2024

Làm sao đảm bảo khách quan khi học sinh kiểm tra trực tuyến?

Làm sao đảm bảo khách quan khi học sinh kiểm tra trực tuyến?

Học sinh chuẩn bị bước vào giai đoạn kiểm tra định kỳ. Vậy làm thế nào đảm bảo công bằng, khách quan khi công nghệ có thể giúp học sinh hỗ trợ nhau trong làm bài kiểm tra trực tuyến khiến việc đánh giá chưa thực chất.

 

 

 

Làm sao đảm bảo khách quan khi học sinh kiểm tra trực tuyến? - ảnh 1
Học sinh TP.HCM sẽ thực hiện kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến  ĐÀO NGỌC THẠCH

Học sinh trao đổi bài, phụ huynh trợ giúp

Khó đảm bảo tính công bằng và điểm số chưa phản ánh đúng thực tế năng lực của học sinh (HS) là những nhận định của giáo viên (GV) sau gần 2 tháng dạy học trực tuyến với các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra miệng…

GV Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nêu thực tế có tình trạng HS trao đổi bài qua nhóm chat, tra cứu tài liệu… qua một thiết bị khác với thiết bị dùng để thực hiện bài kiểm tra trực tuyến nên điểm số đã có sự chênh lệch so với việc HS làm bài trực tiếp tại lớp.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cho biết việc HS trao đổi bài với nhau, sử dụng thêm các thiết bị để tra cứu tài liệu trong quá trình làm bài kiểm tra không còn hiếm. Không chỉ thế mà còn có tình huống phụ huynh ngồi kế bên chỉ bài cho con em khi kiểm tra trực tuyến.

Dù GV có nhiều hình thức kiểm tra như giao HS bài tập, thực hiện dự án theo nhóm… nhưng ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cho rằng trước đây khi giao các dự án bài tập cho HS làm việc nhóm trong thời gian học trực tiếp thì GV vẫn có thể quan sát đánh giá mức độ đóng góp của từng HS. Còn nay khi các em ngừng đến trường thì giảm tính tương tác, rất dễ dàng diễn ra tình trạng một hoặc một vài HS hoàn thành sản phẩm cho cả nhóm nên đánh giá khó chính xác.

Ở khía cạnh này, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhìn nhận, khi học trực tiếp, GV có thể nắm bắt qua thái độ của HS về việc tiếp nhận kiến thức, thực hiện các yêu cầu nhưng khi học trực tuyến thì có những điều nằm ngoài tầm kiểm soát. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng GV nghi ngờ tính xác thực khi có phụ huynh nhắn với GV rằng bị trục trặc đường truyền, đề nghị cho HS làm lại sau khi HS này có kết quả điểm kiểm tra chỉ đạt trung bình…

Để không có kết quả ảo

Từ thực tế nói trên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng ý thức tự giác của HS là một trong những yếu tố quyết định tính công bằng, minh bạch và chất lượng thực chất của bài kiểm tra. Do vậy, vị Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám cho rằng yêu cầu của bài kiểm tra nên thực hiện theo đúng định hướng trong thời gian học trực tuyến là nhận biết và thông hiểu, không gây áp lực, đánh đố thì HS sẽ không tìm cách vượt khuôn khổ, đảm bảo tính công bằng. Từ đó GV và nhà trường sẽ có cái nhìn thực chất về năng lực của HS để có những điều chỉnh khi HS quay lại trường học trực tiếp.

Làm sao đảm bảo khách quan khi học sinh kiểm tra trực tuyến? - ảnh 2
Đề kiểm tra nên nhiều dạng câu hỏi, nội dung chuẩn hóa kiến thức… sẽ hạn chế hoc sinh trao đổi bài lẫn nhau  ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV dạy môn hóa học tại Q.7, đưa ra phương án biên soạn những câu hỏi không chỉ đơn thuần là kiểm tra kiến thức theo kiểu thuộc bài, thuộc lòng mà có yêu cầu ở mức độ hiểu một cách cơ bản. Đề kiểm tra nên nhiều dạng câu hỏi, nội dung chuẩn hóa kiến thức… sẽ hạn chế HS trao đổi bài lẫn nhau.

Ở bậc THPT, ông Phạm Phương Bình cho rằng kiểm tra, đánh giá là một hoạt động quan trọng trong giáo dục và đào tạo với nguyên tắc phải đảm bảo tính toàn diện và linh hoạt, tính phát triển của HS, phù hợp với đặc thù môn học. Việc kiểm tra định kỳ khi dạy học trực tuyến phải bảo đảm công bằng vì kết quả kiểm tra đánh giá định kỳ không chỉ là cơ sở để xếp loại HS mà còn là cơ sở đánh giá quá trình tổ chức hoạt động dạy học của nhà trường. Ngoài ra, ở bậc học này, kết quả đánh giá còn là cơ sở quan trọng để các trường ĐH xét tuyển sinh bằng phương thức học bạ và tham gia điểm xét tốt nghiệp THPT. Chính vì thế việc tổ chức kiểm tra như thế nào cần có sự chỉ đạo của Bộ, Sở GD-ĐT để đảm bảo thực hiện đồng bộ, tránh sự chênh lệch giữa các trường, địa phương.

Cũng theo ông Phạm Phương Bình, việc tổ chức kiểm tra định kỳ cần phù hợp điều kiện cụ thể nhưng phải đảm bảo khách quan và công bằng không chỉ giữa HS mà còn giữa các trường, tỉnh thành. Căng thẳng quá mức hay mang nặng tính nghi ngờ sẽ dẫn đến tổn thương HS nhưng nếu làm không nghiêm túc sẽ dẫn đến kết quả ảo, không đúng với thực tế và năng lực của HS.

BÍCH THANH

TNO