10/01/2025

TP.HCM khởi động ‘đô thị dưới lòng đất’

TP.HCM khởi động ‘đô thị dưới lòng đất’

Sau gần 1 thập kỷ nằm trong quy hoạch, kế hoạch khai mở không gian ngầm của TP.HCM đang được tăng tốc triển khai.

 

 

Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM đang tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và người dân về “Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM”, trong đó có vấn đề quy hoạch không gian ngầm của TP.

Khu đô thị ngầm giữa trung tâm TP

Theo dự thảo quy hoạch của Sở QH-KT TP.HCM, về cơ bản, công viên Mê Linh, đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng… ở Q.1 sẽ được xây dựng thành các không gian ngầm phục vụ đi lại, mua sắm và giải trí của người dân.

Cụ thể, tại khu trung tâm 930 ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) sẽ phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ với nhiều tầng. Tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ kết nối các khu vực lân cận như Nhà hát TP, khu công viên dọc sông Sài Gòn. Tại các điểm nút giao của khu vực này sẽ có các quảng trường và ki ốt diện tích tối đa 60 m2, các cầu thang để người dân đến trung tâm thương mại ngầm. Hành lang dành cho người đi bộ được bố trí đài phun nước, công viên mini… phục vụ nhu cầu khách giải trí, thư giãn. Tầng thứ hai và ba sẽ làm bãi giữ xe.

TP.HCM khởi động 'đô thị dưới lòng đất' - ảnh 1
Tầng hầm metro trạm Ba Son  ĐỘC LẬP

Cách đó khoảng 1 km, khu vực công trường Mê Linh sẽ được xây dựng vườn trũng ở tầng ngầm, xung quanh có quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ… Vườn trũng kết nối bãi đậu xe ngầm đường Tôn Đức Thắng sức chứa hơn 300 ô tô ở hai tầng hầm. Đây cũng là nơi kết nối các công trình ngầm tòa nhà xung quanh trong tương lai. Khu vực giữa công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có 3 trạm xe buýt kết nối người đi bộ giữa các trạm với vườn trũng.

Đại diện Sở QH-KT TP.HCM cho biết từ năm 2012, khi UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu TP có diện tích 930 ha đã bàn tới quy hoạch không gian ngầm chủ yếu ở Q.1. Năm 2020, Sở QH-KT có đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị TP.HCM. Do quy hoạch không gian ngầm là nội dung mới, nên trong 2 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt chỉ nghiên cứu sơ bộ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chức năng, mối liên kết, giá trị khai thác sử dụng… để kêu gọi đầu tư theo định hướng giao thông công cộng.

Hiện nay, TP.HCM đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào sử dụng tuyến metro số 1 và chuẩn bị đầu tư các tuyến còn lại. Sự hình thành hệ thống metro và các công trình ngầm buộc TP đặt ra yêu cầu quản lý, khai thác hiệu quả không gian ngầm.

“Không gian ngầm không chỉ đơn thuần là đường kết nối metro, kết nối giao thông công cộng mà còn phục vụ đa dạng nhu cầu giải trí của người dân thông qua việc tổ chức, phát triển các dịch vụ thương mại, khu sinh hoạt cộng đồng… giống như một khu đô thị dưới lòng đất”, vị đại diện Sở QH-KT nói.

Biến đổi cấu trúc, không gian đô thị

Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, đánh giá về cơ bản, dự thảo quy chế quy hoạch không gian ngầm của Sở QH-KT khá hoàn thiện, xác định được các không gian ngầm quan trọng và gắn kết các công trình xung quanh. Đó là những không gian TP đã nghiên cứu kỹ, là đất công, vấn đề kỹ thuật đều xử lý được. Những không gian ngầm đều có giá trị hữu dụng đối với các khu vực xung quanh, là động lực để phát triển kinh tế. Vấn đề là cần đẩy nhanh các bước triển khai chi tiết bởi nhu cầu xây dựng không gian ngầm của TP là cấp bách.

Theo ông Mười, dịch vụ thương mại, hoạt động giao thông hay tất cả dịch vụ khác trên diện tích khu đô thị cũ đến nay đã quá tải. Nếu cứ phát triển trên mặt bằng hiện nay thì tất cả vấn đề của đô thị từ nay đến 10 năm nữa vẫn chưa thể giải quyết được. Không gian ngầm sẽ thỏa mãn nhiều nhu cầu hoạt động của khu trung tâm TP. Ngoài hỗ trợ dịch vụ còn giải quyết nhiều nội dung khác như chỗ đậu xe, vấn đề đi lại cho người dân, tăng thêm giá trị gia tăng của tất cả dịch vụ khu trung tâm.

Bên cạnh đó, không gian ngầm nếu làm được sẽ giúp thay đổi không gian khai thác, kết nối lại các công trình công cộng quan trọng vì có những công trình đã hoạt động rồi nhưng hiện đang chỉ hoạt động đơn lẻ, cục bộ, không hiệu quả. Nếu được kết nối thành không gian chung thì sẽ đẩy giá trị gia tăng cao lên rất nhiều, đồng thời biến đổi cấu trúc trên mặt đất. Các công trình phía trên sẽ tự động thu hút được các nhà đầu tư, biến khu dân cư, nhà phố thành các tòa cao ốc, xã hội sẽ tự động dịch chuyển theo hướng tích cực mà không cần sự can thiệp của nhà nước.

Đồng quan điểm, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn nhận định quy chế quy hoạch mà Sở QH-KT xây dựng là bước khởi đầu tốt cho kế hoạch xây dựng không gian ngầm của TP.HCM. Thời gian qua, TP đang rất quan tâm đến quy hoạch không gian ngầm, đã bắt tay vào nghiên cứu, ra quy chế, tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế… Đây là cơ hội tốt để TP tận dụng, tăng tốc hiện thực hóa “giấc mơ” đô thị dưới lòng đất.

“Thêm không gian ngầm không có nghĩa là kéo thêm người dân hội tụ về, gây ngột ngạt khu vực trung tâm. Cần hiểu, tăng không gian ngầm, tăng cao ốc sẽ song song với việc kéo giảm lượng xe cá nhân, khuyến khích di chuyển bằng giao thông công cộng. Điều này phù hợp với định hướng dài hạn ưu tiên giao thông công cộng, ưu tiên người đi bộ, giảm xe cá nhân vào khu vực trung tâm. Nếu làm đúng cách, không gian ngầm này sẽ tận dụng không gian ngầm của metro trở thành một không gian thân thiện cho người đi bộ, đúng với định hướng của TP trong tương lai”, ông Sơn phân tích.

Chậm trễ – thiếu tiền hay do tầm nhìn?

Theo KTS Khương Văn Mười, khó khăn lớn nhất đối với bài toán không gian ngầm của TP.HCM là vấn đề tài chính. Việc xây dựng công trình ngầm đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước có hạn, quy hoạch giao thông trên mặt đất còn nhiều ngổn ngang, chưa hoàn thiện nên chưa xác định được nguồn vốn cho không gian ngầm.

Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM đang có sức hút về mặt kinh tế. Quá trình đầu thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ mang tính giai đoạn, nhất thời, nguồn lợi thu về sau đó sẽ tăng gấp nhiều lần, giá trị gia tăng về lâu dài rất lớn. Vì thế, cần khuyến khích, ưu tiên để doanh nghiệp làm, cho họ thấy có những giá trị gia tăng, bỏ tiền vào sẽ thu về được lợi gì. Đó là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia.

“Vấn đề là TP phải thật sự quyết tâm muốn làm. Đường hầm, đô thị ngầm ở Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có trước chúng ta vài chục năm. Đi sau có thể rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nhưng đi chậm quá thì không được. Bằng mọi giá phải thực hiện được khu đô thị dưới lòng đất, đây không chỉ là nền tảng cho sự phát triển mà còn là nhu cầu thiết yếu của TP.HCM”, ông Mười nhấn mạnh.

KTS Ngô Viết Nam Sơn lại cho rằng các kế hoạch ngầm của TP thất bại không phải do thiếu tiền mà do sai lầm về tư duy quy hoạch. Quy hoạch không gian ngầm không chỉ là thiết kế đô thị. Đây chỉ là một phần nhỏ. TP.HCM đã làm khá tốt bước thiết kế đô thị nhưng thực ra đây là bước phía sau. Muốn thành công, đầu tiên cần xây dựng giải pháp, chính sách quy hoạch, đặc biệt là hạ tầng. Hiện nay, tất cả dự án đã và đang thi công đều chưa có quy hoạch không gian ngầm kết nối với nhau. TP cần rà soát tất cả công trình đã, đang, chưa xây dựng hoặc cấp phép để có cơ chế, chính sách khuyến khích/yêu cầu chủ đầu tư có lối mở kết nối vào không gian ngầm. Tiếp đến là tài chính. Nhà nước chắc chắn không đủ tiền làm, phải có kế hoạch quy hoạch thu hút để hấp dẫn các nhà đầu tư. Không gian ngầm đi bộ nhiều hơn, tương tác nhiều hơn, cơ hội dịch vụ thương mại dọc các tuyến tăng lên sẽ đảm bảo thu hồi được vốn rất lớn cho nhà đầu tư.

Lưu ý quy hoạch thoát nước cho không gian ngầm

Xây dựng không gian ngầm chắc chắn sẽ ảnh hưởng không gian thoát nước phía dưới. Cần sớm có đánh giá tác động môi trường để xử lý. Hiện bản quy hoạch mới bàn đến không gian ngầm cho đô thị mà chưa nói đến hồ điều tiết ngầm. Tất cả cần có tính đến hồ điều tiết ngầm, khi lượng mưa lớn sẽ hút vào và thoát từ từ ra sau. Đặc biệt, việc xây dựng đường hầm Tôn Đức Thắng sẽ như một con đê dưới lòng đất, chắn ngang hướng thoát nước. Nước chảy tới đó bị chặn lại, nếu không giải quyết sẽ làm ngập phía trên.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

 

HÀ MAI

TNO