25/11/2024

Sớm có quyết sách khắc phục ‘nạn’ thiếu lao động tại TP.HCM

Sớm có quyết sách khắc phục ‘nạn’ thiếu lao động tại TP.HCM

Sáng 23.10, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo mục tiêu kép trên địa bàn TP.HCM”.

 

Các tiêu chí chưa tính đến hiệu quả và thực tế của doanh nghiệp

Viện trưởng Viện Khoa học và xã hội vùng Nam bộ, PGS-TS Lê Thanh Sang thông tin, khảo sát chỉ tập trung khu vực doanh nghiệp sản xuất về những vấn đề liên quan như tính khả thi của các tiêu chí trong Bộ tiêu chí an toàn sản xuất tại doanh nghiệp (theo Quyết định số 3328). Theo đó, có hơn 42% cho là rất khả thi, hơn 39% nhận xét khả thi và chỉ 18,6% nói ít khả thi. Những yếu tố ít khả thi tập trung các tiêu chí về mô hình 3T, kiểm soát người lao động tại nơi lưu trú, xét nghiệm, phải bảo đảm mật độ trong sản xuất là 4m2 cho một công nhân và cách nhau 2 mét tại nhà máy… “Các tiêu chí chung quy nhằm bảo đảm tính an toàn song rất ít chú trọng đến tính hiệu quả của sản xuất và các điều kiện thực tế của doanh nghiệp”, PGS-TS Lê Thanh Sang nhận xét.

Sớm có quyết sách khắc phục ‘nạn’ thiếu lao động tại TP.HCM - ảnh 1
Các chuyên gia khách mời tham gia hội thảo trực tuyến ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Một doanh nghiệp FDI sản xuất linh kiện điện tử có 8.000 – 9.000 lao động cho biết, tiêu chí khoảng cách 2 mét, 10 công nhân có 1 toilet là không khả thi. Nếu áp tiêu chí này, doanh nghiệp phải làm đến… 900 toilet và doanh nghiệp có sử dụng trên 4.000 lao động là không thể áp tiêu chí trên. Liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ, dù hầu hết các doanh nghiệp ở TP.HCM đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng chỉ có hơn 1/5 số doanh nghiệp khảo sát chỉ nhận được hỗ trợ về miễn, giảm, giãn thuế, phí và cơ cấu nợ, đa số doanh nghiệp có hưởng hỗ trợ giảm tiền điện, giá điện… Trong kế hoạch phục hồi, 44% và 29% số DN có kế hoạch phục hồi toàn bộ và phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, có 31% phục hồi 1 phần và 24% doanh nghiệp chưa xác định thời gian quay lại sản xuất, phụ thuộc vào các đánh giá tiêu chí. “Có khoảng 2/3 doanh nghiệp phục hồi phần lớn hoặc toàn bộ nhưng vẫn còn một bộ phận đang thăm dò và một số nhỏ cho biết có thể chuyển bớt đơn hàng đi nơi khác, 4/25 doanh nghiệp FDI và 4/75 doanh nghiệp nội địa cho biết đã chuyển bớt đơn hàng đi các nước, chiếm chưa tới 10%. Cuộc khảo sát nhanh, số doanh nghiệp tham gia khảo sát còn hạn chế, song những chi tiết này cũng đáng lưu ý”, PGS-TS Lê Thanh Sang nhấn mạnh.

Ngoài ra, khảo sát cũng đánh giá tính hiệu quả trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương theo tinh thần của Nghị quyết 105, theo PGS-TS Lê Thanh Sang, có đến 74% doanh nghiệp nhận xét sự phối hợp giữa các địa phương chưa đồng bộ, 55% cho biết chưa được hướng dẫn của các bộ ngành và địa phương. Kết quả về phục hồi sản xuất và khó khăn của doanh nghiệp, khảo sát cho thấy hơn 46% doanh nghiệp khẳng định rất khó phục hồi và 37,7% nói khó khăn, chỉ 16,2% là ít khó khăn. Đặc biệt, có ít nhất 35% doanh nghiệp đang gặp khó khăn về khả năng thanh toán nợ đáo hạn, tiền lãi. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là chi phí sản xuất tăng, trở ngại trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và thiếu hụt nguồn lao động.

Chú trọng an sinh chỗ ở cho người lao động

Khẳng định đây là giai đoạn rất khó khăn cho doanh nghiệp, GS-TS Đặng Nguyên Anh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm – nói, tỷ lệ doanh nghiệp lại khó tiếp cận chính sách hỗ trợ vẫn rất lớn. Trong khi Bộ tiêu chí được viết để áp dụng cho tình hình mới là sống chung với dịch nhưng nhiều quy định được thiết kế trong giai đoạn “zero Covid” nên thiếu tính khả thi. Chẳng hạn, quy định đưa rước công nhân theo 1 cung đường, 2 điểm đến, trên xe đi làm phải ngồi đúng vị trí hằng ngày, đề xuất siết chặt yêu cầu xét nghiệm, vắc xin… là rất khó trong tình hình hiện nay. Rồi siêu thị mở cửa yêu cầu quẹt thẻo mã QR, chỉ có khách vào mua nếu đã tiêm 2 mũi, khách ăn phở, ăn hủ tíu phải quét mã… Tất cả những vấn đề đặt ra nghe có vẻ khả thi nhưng không rõ ràng.

Sớm có quyết sách khắc phục ‘nạn’ thiếu lao động tại TP.HCM - ảnh 2
Theo các chuyên gia, những đề xuất về an sinh bảo đảm chỗ ở an toàn vệ sinh cho người lao động phải được đề cập sâu hơn  NGỌC DƯƠNG

Từ đó, GS-TS Đặng Nguyên Anh đề xuất: Bộ tiêu chí hoạt động sản xuất an toàn áp dụng cho doanh nghiệp tại TP.HCM phải được điều chỉnh lại. Vắc xin quan trọng nhưng không thể duy nhất, trong công cuộc phòng chống dịch phải xã hội hóa công tác an sinh. Đó là phải cải thiện điều kiện sống cho người lao động. Yếu tố an sinh xã hội lâu nay cứ được hiểu là những gói cứu trợ thực phẩm cho người lao động mà không nói vấn đề họ phải cần là sống trong môi trường vệ sinh, an toàn để dịch không dễ bùng phát. Môi trường sống ô nhiễm mới là vấn đề dễ gây bùng dịch. Vấn đề nữa là việc tổ chức cho con cái người lao động đi học thế nào khi bố mẹ đi làm trong mùa dịch này… “Tôi thấy kế hoạch phục hồi doanh nghiệp không nói nhiều vấn đề này nhưng đó là thực tế và cần quan tâm nhiều hơn thì công cuộc phục hồi sản xuất mới bền vững, hiệu quả được”, vị này chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đánh giá những gợi ý của trong khảo sát sát sườn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo còn thiên về đánh giá nhận định thái độ của doanh nghiệp với chính sách hơn là xem thực trạng họ yếu mạnh thế nào. Khả năng của doanh nghiệp sau khi mở cửa nến kinh tế có thể đứng thẳng để chạy hay đứng lom khom, hay phải trườn bò mới đứng nổi… Ông góp ý: “Chẳng hạn bị đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp mất bao nhiêu thời gian để phục hồi lại? Triển vọng phục hồi thị trường trong các điều kiện chung đối với doanh nghiệp thế nào? Nếu doanh nghiệp đưa ra dự báo họ tiếp tục đứt gãy chuỗi sản xuất vì chi phí, lạm phát… thì góp ý về chích sách nên thế nào. Nếu có nhận định một mức nào đó về nguy cơ trong thời gian tới, các quyết sách sẽ rõ ràng hơn”.

Theo ông Thiên, TP.HCM và vùng Đông Nam bộ trong thời gian qua bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nặng nề, mọi cái thay đổi đảo lộn rất lớn. Thế nên, cách tổ chức nguồn lực lao động, lưu thông trong lao động vả khả năng kết nối lại chuỗi lao động của địa phương phải tính sớm. Làm sao để người dân từ miền Bắc, Trung và cả miền Tây về khu vực sản xuất này dễ dàng trong tương lai? Muốn vậy, phải có những đảm bảo an toàn về việc làm, chỗ ở cho người lao động. Cuối cùng, với doanh nghiệp, nguy cơ lớn nhất là “đứt” vốn nhưng các điều kiện vay vốn vẫn áp dụng như khi chưa xảy ra biến cố dịch vừa rồi làm sao đáp ứng vốn cho phục hồi. Thế nên, chính sách phải “sát sườn” và thay đổi các điều kiện này…

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao -bổ sung ngay cả với doanh nghiệp có hàng chất lượng, bán được hàng trong giai đoạn dịch nhưng nay vẫn gặp khó khăn về vốn, chi phí đầu vào, đứt gãy chuỗi cung ứng, khách hàng bị tản mát nhiều nơi. Bà nói: “Quan trọng là vấn đề nhân lực. Trong đại dịch, tôi có thăm khoảng 10 khu lưu trú lao động, họ không về, số bỏ về chỉ chiếm 3-5% cho các doanh nghiệp này tổ chức vấn đề an sinh, chỗ ở cho công nhân rất chu đáo, như câu chuyện trong hội thảo đề cập là có doanh nghiệp mỗi ngày cứ phát cho một công nhân 100.000 đồng để họ sống, chờ hết giãn cách quay lại nhà máy làm việc. Tuy nhiên, có mấy doanh nghiệp lo được cho người lao động như vậy, thế nên, thiếu hụt lao động vẫn là vấn đề lớn của doanh nghiệp hiện nay”.

Bà Hạnh cũng bổ sung thông tin là hôm nay (23.10), Trung tâm việc làm của thành phố ra chính sách thu hút lao động trở lại thành phố với mời gọi “3 có”. Đó là có chỗ ở, có việc làm và có vắc xin. Ngoài ra, bà Hạnh cũng gợi ý nên tham khảo cách làm của tỉnh Bình Dương trong quyết sách sống chung với dịch. Bình Dương yêu cầu 3 xanh đối với nhà máy, nhà trọ và công nhân xanh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp lẻ đều lập tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động để khi có F0, 30 phút sau phải xử lý đưa F0 về nhà trọ cách ly và hướng dẫn cho F1 thế nào.

Khảo sát của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ thực hiện trong 10 ngày (5-15.10) đối với 100 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp tại TP.HCM. Trong đó có 25 doanh nghiệp FDI. Phương pháp định tính với 18 cuộc phỏng vấn sâu qua online, gồm lãnh đạo của 10 doanh nghiệp Việt, 3 doanh nghiệp FDI, 4 Hiệp hội DN tại TP.HCM và lãnh đạo Ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn lao động TP.HCM.

NGUYÊN NGA

TNO